Nỗ lực “xử lý khác biệt”
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lựa chọn hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu gồm Đức và Pháp là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ sau khi nhậm chức, chỉ dấu cho thấy sự coi trọng của Bắc Kinh với mối quan hệ cùng EU trong bối cảnh thế giới biến động mạnh mẽ.
Hãng tin SCMP ngày 19/6 cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến thủ đô Berlin của Đức, khởi động chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 3/2023 tới hai nền kinh tế mạnh mẽ nhất Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp. Tại Berlin, ông Lý được đón tiếp bởi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Ông dự kiến hội đàm với người đồng cấp Olaf Scholz, dự Tham vấn liên chính phủ Trung-Đức lần thứ 7, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Trung Quốc-Đức lần thứ 11 trong các ngày 20 và 21/6. Ông Lý Cường sau đó sẽ tới bang Bavaria lớn nhất nước Đức để gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp hàng đầu.
Tân Hoa xã cùng ngày dẫn lời Thủ tướng Lý Cường nhận xét mối quan hệ Trung Quốc - Đức đã có “những bước tiến ổn định” thời gian gần đây và rằng, “hợp tác song phương không ngừng được tăng cường, mở rộng” với những thành tựu mới trong các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, công nghệ đến phát triển xanh.
Ông Lý Cường cho hay, bối cảnh thế giới “đã bước sang một thời kỳ mới với nhiều xáo trộn và đổi thay”, nhưng Bắc Kinh luôn sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Đức “dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung”.
Thủ tướng Trung Quốc cũng kỳ vọng, việc hai bên có thể “xử lý khác biệt” và làm phong phú thêm quan hệ song phương sẽ gửi tín hiệu tích cực, mạnh mẽ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định cũng như duy trì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.
Thủ tướng Trung Quốc công du châu Âu sau các chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 4/2023 và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cuối năm 2022. Tuần trước, Chính phủ Đức đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên từ sau Thế chiến II, trong đó mô tả Trung Quốc là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống”.
Tuy vậy, Berlin thừa nhận Bắc Kinh là “đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết nhiều thách thức cấp bách trên toàn cầu”, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu và chuỗi cung ứng.
Giới quan sát nhận định, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể được nhắc tới giữa các cuộc thảo luận tại Berlin, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực trở thành trung gian hòa giải các bên xung đột, nhưng hợp tác kinh tế sẽ là chủ đề đối thoại chính.
Theo New York Times, các cuộc đàm phán ở Berlin là cơ hội để Thủ tướng Đức làm rõ lập trường của họ về Trung Quốc, nhưng ông Scholz sẽ gặp nhiều thách thức để có thể đạt điểm cân bằng trong quan hệ giữa Berlin với Bắc Kinh và với các đồng minh G7 (bên cạnh Đức là Canada, Pháp, Italia, Nhật, Anh và Mỹ).
Số liệu do Reuters thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu cho nền kinh tế Đức và cũng là thị trường khổng lồ mà các tập đoàn Đức không sẵn sàng từ bỏ. Ở chiều ngược lại, Đức từ lâu cung cấp nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất châu Âu vào Trung Quốc. Sau 3 năm ứng phó COVID-19, Bắc Kinh đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp châu Âu.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực đảm bảo EU giữ thái độ trung lập đối với các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng hơn với các nước châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực như khoa học công nghệ, kinh tế, thương mại để cân bằng áp lực từ căng thẳng với Mỹ.
Sau Đức, Thủ tướng Trung Quốc sẽ tới Pháp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, dự kiến diễn ra trong các ngày 22 và 23/6. Đây là sự kiện có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và đại diện các nước châu Phi.
Global Times nhấn mạnh, sự xuất hiện của ông Lý Cường là minh chứng cho “sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối với nỗ lực của Pháp trong việc thúc đẩy đa cực hóa trật tự thế giới”.
Mỹ-Trung cũng tìm cách thu hẹp bất đồng
Trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở thăm châu Âu, AP ngày 18/6 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có một “cuộc đàm phán thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương nhân chuyến thăm của ông Blinken đến thủ đô Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, ông Blinken đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và duy trì các kênh liên lạc cởi mở về mọi vấn đề nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm và các tính toán sai lầm". Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nêu cơ hội cải thiện hợp tác về các vấn đề "đôi bên cùng có lợi”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày phát thông cáo cho hay, ông Tần Cương đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Blinken rằng, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất kể từ khi thiết lập và “không phục vụ lợi ích cơ bản của người dân hai nước cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế”. Theo ông Tần Cương, Trung Quốc cam kết xây dựng “mối quan hệ ổn định, có thể dự đoán và mang tính xây dựng” với Mỹ. Trung Quốc cũng trông đợi Washington có “nhận thức khách quan và hợp lý” về Bắc Kinh, duy trì nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời “xử lý các vấn đề bất ngờ và lẻ tẻ một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp, hợp lý”.