Những thách thức của “lục địa già” trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu

Thứ Ba, 28/05/2024, 05:27

Euronews ngày 27/5 dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong chuyến thăm Đức mới đây cho hay: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang trải qua một thời khắc mang tính tồn vong của châu Âu”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Macron nêu lên quan điểm này. Giới chuyên gia nhận định, lời cảnh báo mà Tổng thống Pháp đưa ra phản ánh những thách thức mà “lục địa già” đang phải đối mặt trong bối cảnh xu hướng cực hữu đang lên trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu – trụ cột trong hệ thống lập pháp của khối Liên minh châu Âu (EU), dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.

Những thách thức của “lục địa già” trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu -0
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới được dự đoán sẽ xuất hiện sự trỗi dậy của phe cánh hữu. Nguồn: Ankasam

Phát biểu khi trao đổi cùng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Berlin kéo dài 3 ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: “Châu Âu chưa bao giờ có nhiều kẻ thù bên trong và bên ngoài như hiện nay. Tôi nghĩ chúng ta đang trải qua một thời khắc mang tính tồn vong bởi tôi thực sự tin rằng châu Âu của chúng ta có thể bị tàn lụi”.

Nhà lãnh đạo Pháp lý giải, những “kẻ thù bên trong” là những người theo chủ nghĩa dân tộc châu Âu và sự trỗi dậy của họ đang đặt ra dấu hỏi về nền dân chủ. Trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra từ ngày 6-9/6 tới, ông Macron kêu gọi bỏ phiếu cho lực lượng thân EU gồm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) cùng Liên minh Chủ nghĩa xã hội và dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu, để chiếm đa số ghế trong nghị viện.

Tổng thống Macron cho rằng, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền, họ sẽ không nhìn vào bức tranh tổng thể để sáng suốt đưa ra các quyết định mang tính sống còn của cả khối như việc ứng phó với những thách thức di cư hay vấn đề biến đổi khí hậu. “Áp lực quân sự, kinh tế và các áp lực khác có thể làm suy yếu và chia cắt EU”, ông Macron nhấn mạnh.

Đáp lại, Tổng thống Steinmeier ủng hộ lời kêu gọi của người đồng cấp Pháp, khẳng định sự xuất hiện của ông Macron tại lễ hội dân chủ để kỉ niệm 75 năm Hiến pháp Đức là “tín hiệu cho thấy chúng ta cần liên minh của dân chủ ở châu Âu”.

Được biết, Nghị viện châu Âu là trụ cột của hệ thống lập pháp. Các đạo luật được thông qua tại đây có giá trị tại tất cả 27 nước thành viên. Mỗi nước có quyền siết thêm nhưng không được nới lỏng hơn những gì đã được quyết tại Nghị viện châu Âu. Những quy định nhất quán đó tạo dựng sức mạnh chung của EU. Theo các chuyên gia, châu Âu đang đối mặt với những thách thức lớn mà không quốc gia nào ở “lục địa già” có thể đơn độc vượt qua. Do vậy, EU phải có khả năng bảo đảm an ninh, cả bên trong lẫn bên ngoài. Cử tri châu Âu mong muốn ngăn chặn tình trạng di cư ồ ạt bất hợp pháp, mong muốn cải thiện năng lực cạnh tranh và phục hồi thịnh vượng thì họ cần đưa ra lựa chọn phù hợp.

Một báo cáo mới công bố của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) cho biết, những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu có thể sẽ là những người được yêu thích trong cuộc bầu cử sắp tới tại 9 quốc gia thành viên gồm Áo, Bỉ, Cộng hoà Czech, Pháp, Hungary, Italia, Hà Lan, Ba Lan và Slovakia. Ở 9 quốc gia khác gồm Bulgary, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Thụy Điển, phe cánh hữu có thể sẽ đứng ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba.

Ông Simon Hix, Giáo sư Đại học Tổng hợp châu Âu tại Florence (Italia) dự đoán: “Trong kỳ bầu cử châu Âu sắp tới, phe cực hữu sẽ vượt qua một ngưỡng, buộc các xu hướng khác phải hợp tác. Cực hữu sẽ đủ mạnh để ngăn chặn hoặc thúc đẩy chính sách, đủ lớn để yêu cầu những chức vụ then chốt trong Ủy ban và Nghị viện châu Âu, thậm chí cả các vị trí cao cấp tại Brussels”.

Giới quan sát cho rằng, đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu cần đưa ra những đề xuất giải pháp có thể thay đổi tình hình, thay vì tranh luận về chi phí và rủi ro của quá trình chuyển đổi xanh, hỗ trợ cho Ukraine hoặc các cách giảm thiểu rủi ro trong quan hệ quốc tế. Họ cần đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về nhu cầu kinh tế và giải quyết các thách thức an ninh, vì đây là những lĩnh vực được cử tri đặc biệt quan tâm.

Trước đó, trong bài phát biểu tại đại học Sorbonne ở Paris hồi tháng 4, Tổng thống Macron đã kêu gọi tăng cường năng lực an ninh mạng của châu Âu, quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Anh thời hậu Brexit và thành lập một học viện châu Âu để đào tạo nhân viên quân sự cấp cao. Ông Macron từ lâu đã kêu gọi châu Âu nên có “quyền tự chủ chiến lược” nhằm hướng tới việc ít phụ thuộc hơn vào Mỹ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, châu Âu cũng có nguy cơ tụt hậu về mặt kinh tế khi các quy tắc thương mại tự do toàn cầu đang bị các đối thủ lớn thách thức.

Ông nhận định, Ngân hàng Trung ương châu Âu không nên chỉ nhắm mục tiêu vào vấn đề lạm phát mà còn cần để tâm đến vấn đề tăng trưởng. Theo France 24, ông Macron ủng hộ việc sửa đổi rộng rãi hơn các chính sách về thương mại công bằng, tiêu chuẩn sản xuất và các lĩnh vực khác ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu. Tổng thống Pháp tuyên bố: “Sẽ không hiệu quả nếu chúng ta là những người duy nhất trên thế giới tôn trọng các quy tắc thương mại - như chúng đã được viết ra cách đây 15 năm”.

Kim Khánh
.
.
.