Nhức nhối cuộc khủng hoảng di cư trên phạm vi toàn cầu
Hơn 110 triệu người trên khắp thế giới đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, quê hương, con số cao chưa từng có trong gần 50 năm qua, một kỷ lục đáng buồn được xác lập bởi sự kết hợp của tình trạng bất ổn, xung đột và bạo lực, khủng hoảng nhân đạo và thiên tai.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) mới đây đưa ra báo cáo "Xu hướng tị nạn" chấn động về tình hình người di cư, tị nạn trên khắp thế giới trong những tháng đầu năm 2023. Theo đó, số người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương "do chiến tranh, đàn áp, bạo lực và vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới" tính đến tháng 9/2023 ước tính đã vượt quá 114 triệu người, một con số kỷ lục.
Trong báo cáo, UNHCR đưa ra, số liệu cho thấy số người phải di dời trên toàn thế giới đã không ngừng tăng từ 108,4 triệu người vào cuối năm ngoái lên 110 triệu người vào cuối tháng 6/2023. "Động lực" chính của tình trạng đáng báo động này là các cuộc xung đột ở Ukraine, Sudan, Myanmar và Cộng hòa Dân chủ Congo; cùng với đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài ở Afghanistan, sự kết hợp của hạn hán, lũ lụt và tình trạng bất ổn ở Somalia, theo UNHCR.
Người đứng đầu UNHCR, Filippo Grandi, ngày 25/10 bày tỏ: "Trọng tâm của thế giới hiện nay là tình hình chiến sự Israel-Hamas và thảm họa nhân đạo ở Gaza, điều này không có gì sai. Nhưng trên phạm vi toàn cầu, có quá nhiều cuộc xung đột đang gia tăng hoặc leo thang, cướp đi nhiều sinh mạng vô tội và khiến người dân phải rời bỏ quê hương".
Cộng đồng quốc tế đã không có những hành động đủ quyết liệt trong giải quyết hoặc ngăn chặn xung đột, ông Filippo Grandi nói thêm, đồng thời kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện cho những người phải di dời trở về quê hương.
Con số 114 triệu là mức kỷ lục kể từ khi UNHCR bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1975, ông Filippo Grandi nhấn mạnh. Báo cáo của UNHCR cũng đưa ra tỷ lệ đáng báo động, cứ 73 người thì có hơn 1 người bị buộc phải di dời ở bất kỳ đâu trên thế giới. Vào giữa năm 2023, có 35,8 triệu người tị nạn đã tìm đường ra nước ngoài và 57 triệu người phải di dời trong nước. Hàng triệu người khác đang xin tị nạn hoặc cần được quốc tế bảo vệ.
Gần một phần ba số người bị di dời đến từ ba quốc gia: Afghanistan, Syria và Ukraine. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp nhận 75% người tị nạn và những người có nguyện vọng được quốc tế bảo vệ. Các quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ với 3,4 triệu người mỗi nước, tiếp đến là Colombia với 2,5 triệu và Pakistan với 2,1 triệu. Đức là nước có thu nhập cao hiếm hoi tiếp nhận đến 2,5 triệu người tị nạn.
Gần một nửa dân số Syria vẫn phải di dời vào giữa năm 2023: 6,7 triệu người di tản đến các địa điểm trong nước và 6,7 triệu người tị nạn và xin tị nạn ở nước ngoài, chủ yếu đều ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trên toàn cầu, 1,6 triệu đơn xin tị nạn cá nhân mới đã được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6/2023, đây cũng là con số lớn nhất từng được ghi nhận trong cùng kỳ các năm qua. Trong số đó, 540.600 đơn được nộp đến cơ quan chức năng của Mỹ, 150.200 đơn ở Đức và 87.100 đơn ở Tây Ban Nha.
Tuy vậy, điều đáng nói là những ước tính trong báo cáo của UNHCR được đưa ra trước khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ. Quân đội Israel ngày 26/10 thông báo đã tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào nhiều "ổ khủng bố", cơ sở hạ tầng và các địa điểm phóng tên lửa chống tăng ở Dải Gaza.
Theo Đài phát thanh quân đội Israel, cuộc tấn công trên bộ nhằm mục đích tấn công các vị trí của Hamas. Các tay súng của phong trào Hồi giáo Hamas tràn vào Israel vào ngày 7/10, bắt đầu cuộc tấn công khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, đồng thời bắt cóc hơn 220 người khác. Cơ quan y tế tại Gaza cho biết các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến hơn 6.500 người Palestine thiệt mạng.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), số người phải di tản trong nội địa ở Gaza ước tính vào khoảng 1,4 triệu người. Nhiều chuyên gia quan ngại rằng số người bị ảnh hưởng và phải di dời tại đây có thể cao hơn nhiều, nhưng do tình hình bất ổn, chưa thể đưa ra những số liệu chính xác có thể được kiểm chứng.
"Khi chúng ta theo dõi các sự kiện diễn ra ở Gaza, Sudan và những nơi xảy ra xung đột khác, triển vọng hòa bình và các giải pháp cho người tị nạn và những nhóm dân cư phải di dời khác có vẻ như rất xa vời", người đứng đầu UNHCR nhận định. "Nhưng chúng ta không thể bỏ cuộc", ông Filippo Grandi nói thêm, khẳng định rằng "cùng với các đối tác của mình, UNHCR sẽ tiếp tục thúc đẩy và tìm kiếm các giải pháp cho người tị nạn".
Một tia sáng hiếm hoi trong báo cáo của UNHCR đó là khoảng 3,1 triệu người đã trở về nhà trong nửa đầu năm 2023, bao gồm 2,7 triệu người phải di dời trong nội bộ một quốc gia. Ngoài ra, hơn 404.000 người tị nạn được ghi nhận đã trở về nước, cao hơn gấp đôi năm 2022, bất chấp những điều kiện an toàn chưa được đảm bảo tại quê nhà.
Báo cáo của UNHCR được đưa ra trước thềm Diễn đàn về người tị nạn toàn cầu (GRF) lần thứ hai, sự kiện lớn nhất thế giới về người tị nạn và những người bị buộc phải di dời khác, tại Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 13 đến ngày 15/12 năm nay. Đại diện các chính phủ, người tị nạn, chính quyền địa phương, tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và khu vực tư nhân sẽ tham gia diễn đàn nhằm tăng cường phản ứng toàn cầu và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.