Nhiều kỳ tích đã xuất hiện
Đã có thêm nhiều nạn nhân được cứu sống sau 6 ngày xảy ra thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Điều này không chỉ mang lại hi vọng mà còn tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng cứu hộ trong việc tìm kiếm những người đang bị chôn vùi trong các đống đổ nát.
Ngày 12/2, sau nhiều giờ liên tục tỉ mỉ tìm kiếm bằng những thiết bị chuyên dụng cùng sự hỗ trợ phương tiện cơ giới của Thổ Nhĩ Kỳ như máy xúc, máy đào... Đoàn công tác cứu hộ quốc tế của Bộ Công an Việt Nam phối hợp với các lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) quốc tế đã giải thoát thành công một thanh niên 17 tuổi trong đống đổ nát trong cảm xúc vỡ òa của người thân và các lực lượng quốc tế tham gia CNCH tại hiện trường. Trong khi đó, ngày 11/2, tức 5 ngày sau trận động đất, một em bé 2 tháng tuổi ở thành phố Antakya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã được các nhân viên cứu hộ đưa ra ngoài an toàn.
Theo hãng thông tấn Anadolu, em bé sơ sinh đã được giải cứu sau 128 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Cùng ngày, một người phụ nữ 70 tuổi ở thành phố Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất có độ lớn 7,8, cũng được tìm thấy sống sót thần kỳ sau nhiều ngày bị chôn vùi. Trong các hoạt động cứu nạn, cứu hộ diễn ra cùng ngày, lực lượng cứu hộ cũng đưa ra khỏi đống nát một bé gái 2 tuổi, một phụ nữ mang thai tháng thứ 6, một bé gái 4 tuổi và cha của bé.
Còn tại thị trấn Nurdag, tỉnh Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng cứu hộ cũng đã giải cứu một gia đình 5 người. Cả 5 thành viên gia đình vẫn sống sót bên trong ngôi nhà bị sập của mình 5 ngày sau trận động đất. Đây chỉ là một số các trường hợp được giải cứu thành công sau nhiều giờ các nạn nhân bị chôn vùi trong các đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 24 giờ qua.
Theo các chuyên gia, đây được xem là một kỳ tích trong hoạt động cứu hộ bởi 72 giờ đầu tiên được coi là rất quan trọng để cứu sống các nạn nhân bị mắc kẹt trong động đất, nhưng mốc thời gian này đã qua đi. Trong khi tỉ lệ sống trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ còn 22% và đến ngày thứ năm chỉ còn là 6%. Việc giải cứu thành công các nạn nhân sau những thời gian vàng của hoạt động cứu hộ không chỉ mang lại hi vọng cho mọi người mà còn tiếp thêm sức mạnh cho các đội cứu hộ trong việc tìm kiếm những người đang bị chôn vùi trong các đống đổ nát.
Đánh giá trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2 là "thảm khốc nhất trong 100 năm qua", Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ Martin Griffiths đã đưa ra dự đoán về số người thiệt mạng bởi thảm hoạ thiên nhiên thế kỷ này có thể khiến nhiều người bị sốc. Theo đó Martin Griffiths, người đang ở tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết số người chết bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể "tăng gấp đôi".
Theo ông, "một mặt, điều này vô cùng gây sốc", nhưng mặt khác cũng cần ghi nhận một phản ứng phi thường trong "trận động đất thảm khốc nhất trong 100 năm qua". Quan chức LHQ cho biết thêm cảnh tượng ở hiện trường vụ động đất trông méo mó lạ thường trông giống như đống chất thải (xây dựng), nhưng thực tế lại là một tòa nhà dành cho các gia đình (đã đổ sập). Hiện, chưa có con số cuối cùng về nạn nhân thiệt mạng bởi trận động đất thế kỷ.
Ông Martin Griffiths cũng cho rằng rất khó để ước tính chính xác bởi vì cần phải chui xuống đống đổ nát, nhưng theo ông, "chắc chắn nó sẽ tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn". Trong khi đó, Tổng Giám đốc Giảm thiểu Rủi ro Động đất tại Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) Orhan Tatar thừa nhận rằng, mức độ nghiêm trọng của thảm họa trên đã vượt quá dự đoán của ông và các đồng nghiệp.
Đánh giá về sức mạnh của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, quan chức trên nhấn mạnh với trận động đất đầu tiên kéo dài khoảng 65 giây và trận động đất thứ hai kéo dài 45 giây, năng lượng do chúng giải phóng tương đương với 500 quả bom hạt nhân. Tính tới 17h ngày 12/2 (giờ Việt Nam), trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn 28.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa và hàng ngàn toà nhà sụp đổ.
Trong bối cảnh này, sự hỗ trợ quốc tế tiếp tục tập trung vào một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nơi lực lượng cứu hộ vất vả cứu những nạn nhân khỏi đống đổ nát ở những khu vực bị tàn phá bởi trận động đất kinh hoàng. Đợt đóng băng do mùa đông ở những khu vực bị ảnh hưởng đã khiến những nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn và làm trầm trọng thêm sự tổn thất của hàng triệu người, rất nhiều nạn nhân đang rất cần hỗ trợ.
LHQ cảnh báo ít nhất 870.000 người cần lương thực khẩn cấp ở hai quốc gia sau trận động đất, khiến 5,3 triệu người mất nhà cửa chỉ riêng ở Syria. Hiện Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ đã kêu gọi 77 triệu USD để cung cấp khẩu phần lương thực cho ít nhất 590.000 người mới phải di dời ở Thổ Nhĩ Kỳ và 284.000 người ở Syria. Trong số đó, 545.000 người di tản ở trong nước và 45.000 người phải đi tị nạn.
Văn phòng nhân quyền của LHQ hôm 10/2 kêu gọi tất cả các bên trong khu vực bị ảnh hưởng - nơi các chiến binh người Kurd và quân nổi dậy Syria hoạt động - cho phép tiếp cận nhân đạo. Đảng Công nhân người Kurd bị Ankara và các đồng minh phương Tây coi là một nhóm khủng bố, đã tuyên bố tạm dừng giao tranh để khắc phục hậu quả động đất.
Trong khi đó, ở vùng Tây Bắc Syria do phe nổi dậy kiểm soát, khoảng 4 triệu người sống nhờ vào cứu trợ nhân đạo nhưng đã không có hàng viện trợ nào từ các khu vực do chính phủ kiểm soát trong ba tuần. Chính phủ Syria cho biết đã phê duyệt việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực bị động đất tàn phá nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Chỉ có hai đoàn xe viện trợ đã vượt qua biên giới trong tuần này từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các nhà chức trách đang tham gia vào một hoạt động cứu trợ động đất thậm chí còn lớn hơn cuộc xung đột của chính họ.
Một thập niên nội chiến và các cuộc oanh tạc từ trên không ở Syria đã phá hủy các bệnh viện và gây ra tình trạng thiếu điện và nước. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép mở các điểm viện trợ nhân đạo xuyên biên giới mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hội đồng Bảo an sẽ nhóm họp để thảo luận về Syria, có thể vào đầu tuần tới.
"Thảm kịch diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong tuần này là thời điểm mà tất cả chúng ta phải cùng nhau hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng", Tổng Thư ký Antonio Guterres nói khi kêu gọi "sự khác biệt chính trị phải được đặt sang một bên". Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang làm việc để mở hai tuyến đường mới vào các khu vực do phiến quân kiểm soát ở Syria.