Nguy cơ khủng hoảng phủ bóng chính trường Đức

Thứ Ba, 12/11/2024, 05:16

Nếu phía bên kia Đại Tây Dương, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ mang đến kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế xứ cờ hoa, thì ở phía bờ bên này, liên minh cầm quyền "đèn giao thông" của Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại tan rã trong bối cảnh nền kinh tế của nước này, vốn được coi là đầu tàu kinh tế châu Âu, rơi vào suy thoái. Trước những áp lực ngày càng gia tăng, ông Olaf Scholz mới đây tuyên bố sẵn sàng tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm trước giáng sinh.

DW ngày 11/11 đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông sẵn sàng kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội nước này trước lễ Giáng sinh. Quyết định nêu trên có thể mở đường cho các cuộc bầu cử sớm sau khi liên minh cầm quyền “đèn giao thông” gồm ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, sụp đổ, trong bối cảnh nền kinh tế của nước này phải đối mặt với năm thứ 2 suy thoái, các công ty Đức lo ngại mất khả năng cạnh tranh và những thách thức về chính sách đối ngoại gia tăng.

olaf scholz.png -0
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ban đầu đã đưa ra kế hoạch bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 15/1/2025, nhưng sức ép gia tăng khiến ông phải kêu gọi bỏ phiếu sớm. Nguồn: Reuters

Trước đó nhiều tháng, liên minh này đã nảy sinh các mâu thuẫn liên quan đến đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc đảng FDP) đưa ra. Trong khi SPD ủng hộ mức lương công bằng và tăng phúc lợi xã hội, thì ưu tiên hàng đầu của đảng Xanh là vấn đề khí hậu và môi trường, còn đảng FDP yêu cầu các chính sách ủng hộ doanh nghiệp và nới lỏng thủ tục hành chính.

Cụ thể, động thái của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner về ý tưởng giảm giá xăng và dầu diesel cho người lái xe để bù đắp giá cả tăng vọt đã khiến các thành viên đảng Xanh phẫn nộ. Thêm vào đó, ông Linder kiên quyết theo đuổi kỷ luật ngân sách, hạn chế nợ công, đồng thời đưa ra tối hậu thư về việc phải thỏa hiệp. Cuối cùng, ông Christian Lindner đề xuất bầu cử sớm, tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz từ chối và sa thải ông. Quyết định của người đứng đầu chính phủ Đức đã khiến FDP tuyên bố rút tất cả các bộ trưởng khỏi chính phủ, chính thức chấm dứt liên minh được thành lập vào cuối năm 2021.

Nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin nhận định, Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng. Theo bà Puglierin, thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm.

Xem xét đến nghi thức thông thường cần thiết để thành lập một chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Puglierin dự đoán rằng, Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau. Theo Hiến pháp Đức, quyết định tổ chức bầu cử liên bang sớm không thể do các thành viên quốc hội liên bang (Hạ viện), hay Thủ tướng đưa ra. Việc giải tán quốc hội sớm chỉ có thể xảy ra theo một trong hai cách. Một là, nếu một ứng viên thủ tướng không giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội - ít nhất 367/733 ghế trong Hạ viện, Tổng thống Đức có thể giải tán quốc hội.

Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Đức hiện đại. Hai là, thủ tướng có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm để xác nhận liệu có còn nhận được đủ sự ủng hộ hay không. Nếu không giành được đa số thì thủ tướng có thể chính thức yêu cầu tổng thống giải tán quốc hội trong vòng 21 ngày và cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày.

Theo giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới, điều đáng nói ở đây là tương lai của nước Đức. Một cuộc bầu cử sớm trong bối cảnh đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) đang đạt được sự ủng hộ to lớn của người dân Đông Đức, có thể khiến Thủ tướng Olaf Scholz phải trả giá đắt. Nhiều khả năng Đức sẽ phải chấp nhận sự tham gia của phe cực hữu trong liên minh cầm quyền khóa mới.

Kịch bản này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của Đức trên trường quốc tế, từ chính sách ngoại giao với Mỹ cho đến việc ủng hộ Ukraine. Và với Liên minh châu Âu (EU), bế tắc chính trị tại nền kinh tế lớn nhất khối đặt ra câu hỏi, đâu là động lực mới để hướng tới một châu Âu đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn và có chủ quyền hơn, trong bối cảnh Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách thương mại.

Để có thể hành động, Chính phủ Đức phải đủ mạnh, chứ không phải là một chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, có một điểm sáng le lói với chính trường châu Âu, đó là việc đảng FPD rút lui khỏi liên minh cầm quyền tại Đức giúp cho giới chuyên môn có cái nhìn rõ ràng hơn về quan điểm của Berlin trong các vấn đề kinh tế hay chính trị tại EU. Bởi ông Olaf Scholz vốn chia sẻ nhiều quan điểm chung với đảng Xanh. Nhưng điểm cộng này chỉ có giá trị khi ông Scholz đạt được đa số tại quốc hội hoặc thành lập được một liên minh vững chắc.

Trong một diễn biến có liên quan, Phát ngôn viên Steffen Hebestreit của Thủ tướng Đức mới đây cho biết, hôm 10/11, ông Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Theo DW, ông Olaf Scholz và ông Donald Trump đã trao đổi quan điểm về quan hệ giữa Mỹ và Đức cũng như những thách thức địa chính trị hiện tại.

“Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh chính phủ sẵn lòng tiếp tục sự hợp tác thành công đã kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước. Hai bên cũng đồng ý làm việc hướng tới mục tiêu khôi phục hòa bình ở châu Âu”, Phát ngôn viên Hebestreit thông tin. Được biết, trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Donald Trump đã chỉ trích đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là Đức, vì những mâu thuẫn liên quan tới vấn đề chi tiêu quốc phòng hay vấn đề thương mại. Hôm 6/11, Thủ tướng Olaf Scholz đã gửi lời chúc mừng ông Trump và kêu gọi duy trì quan hệ xuyên Đại Tây Dương. “Chúng ta sẽ tốt hơn khi sát cánh bên nhau. Chúng ta có thể đạt được nhiều thành tựu cùng nhau hơn là đối đầu”, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh.

Kim Khánh
.
.
.