Nga - Trung mở rộng hợp tác ở Bắc Cực

Thứ Sáu, 23/08/2024, 05:20

Nga và Trung Quốc đánh giá quan hệ song phương đang “ở mức cao chưa từng có”, đồng thời nhất trí mở rộng hơn nữa các mặt hợp tác, bao gồm tăng cường khai thác tiềm năng của Tuyến đường biển phương Bắc kết nối lục địa Á- Âu chạy dọc bờ biển phủ băng tuyết của Nga gần Bắc Cực.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường từ ngày 20 đến 22/8 có chuyến công du đến Nga nhân dịp đồng chủ trì cuộc họp thường kì liên chính phủ lần thứ 29 với người đồng cấp nước chủ nhà Mikhail Mishustin. Theo thông cáo của Điện Kremlin, tại buổi tiếp Thủ tướng Trung Quốc ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, quan hệ thương mại Nga-Trung “ngày càng phát triển và thành công” bất chấp bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp.

hop tac nga trung.jpg -0
Tàu phá băng Nga mở đường cho tàu vận tải gần Bắc Cực. Ảnh: ITN

Ông Putin cho biết, hai nước đã thiết lập kế hoạch chung cho những dự án kinh tế quy mô lớn nhiều năm tới; nhấn mạnh Moscow và Bắc Kinh đã thắt chặt liên lạc và phối hợp hiệu quả trên các diễn đàn đa phương. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mô tả “mối quan hệ Trung-Nga đang ở mức cao chưa từng có”. Gọi Nga là “người bạn, người láng giềng gần gũi”, ông Lý Cường nêu rõ, Bắc Kinh sẵn sàng cùng với Moscow “tập trung vào tương lai” và không ngừng mở rộng hợp tác cùng có lợi trên nhiều mặt.

Trong khuôn khổ cuộc họp liên chính phủ Nga-Trung diễn ra ngày 21/8, hai bên đã kí 17 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Anadolu dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đánh giá, hợp tác Nga-Trung đạt được sự phát triển “chất lượng cao”, tin tưởng “hợp tác cùng có lợi giữa hai nước sẽ ngày càng sâu sắc hơn”. Về phần mình, Thủ tướng Nga Mishustin đánh giá, mối liên kết giữa Nga và Trung Quốc là “nhân tố ổn định” trong nỗ lực thiết lập trật tự thế giới mới. “Quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược của chúng ta đặc biệt quan trọng ở thời điểm trật tự thế giới mới đang dần hình thành”, ông Mishustin nói thêm, cho biết Moscow đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ Nga và Trung Quốc nhất trí rằng, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác cùng có lợi ở Bắc Cực, tăng cường phối hợp phát triển vận tải biển, an toàn hàng hải, khai thác tàu phá băng và bảo tồn hệ sinh thái, RiaNovosti đưa tin. Theo Thủ tướng Nga Mishustin, Moscow và Bắc Kinh sẽ phối hợp xây dựng hành lang vận tải và hậu cần đáng tin cậy nhằm mở rộng khai thác Tuyến đường biển phương Bắc (NSR) chạy dọc bờ biển Nga trên Bắc Băng Dương gần Bắc Cực. NSR dài 5.600km và là tuyến đường biển ngắn nhất kết nối hai lục địa Âu – Á. Để so sánh, chặng đường biển từ Murmansk tới Nhật Bản qua NSR dài gần 9.300km, còn tuyến đường đi qua kênh đào Suez dài tới hơn 20.000km. Tuy nhiên, NSR có một nhược điểm là đi qua đại dương phủ băng tuyết phần lớn thời gian trong năm và cần phải có tàu nguyên tử phá băng mở đường cho các tàu vận tải.

Nga những năm qua coi sự hiện diện ở Bắc Cực và phát triển thương mại qua NSR là ưu tiên lớn, giúp tăng cường giao thương giữa nước này và các thị trường sôi động ở châu Á; cũng như cạnh tranh với các tuyến hàng hải truyền thống. Moscow hiện có kế hoạch tăng trọng tải hàng hóa vận chuyển qua NSR lên 80 triệu tấn/năm ngay trong năm 2024 và lên 270 triệu tấn/năm vào năm 2035. Để đạt mục tiêu đó, Nga đã bắt tay xây dựng một đội tàu phá băng hạt nhân lớn nhất thế giới phục vụ tàu thương mại di chuyển trên tuyến đường này trong mùa băng tuyết; cùng cơ sở hạ tầng cảng và các trạm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng hơn của Nga, trong bối cảnh Moscow chịu nhiều áp lực từ căng thẳng với phương Tây. Tân Hoa xã cho biết, cả Nga và Trung Quốc đều phản đối trật tự thế giới đơn cực kiểu “bá quyền”, lên án việc phương Tây cản trở “sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”. Bên cạnh đó, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng bảo vệ các hoạt động thương mại với Nga là một phần bình thường của một mối quan hệ song phương. Bắc Kinh cũng tuyên bố duy trì lập trường trung lập về cuộc xung đột Ukraine và không đóng vai trò nào khác ngoài vai trò là bên trung gian hòa giải.

Thời gian qua, Nga-Trung đã tăng tỷ lệ sử dụng đồng Ruble và Nhân dân tệ, thay cho đồng USD và Euro trong các hoạt động giao thương lên 95%. Số liệu thống kê cho thấy, năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều Nga-Trung vượt 240 tỷ USD, gấp 3 lần sau một thập kỉ và đang đà gia tăng. Trong đó, Nga tăng nhập các mặt hàng như ôtô, quần áo, nguyên liệu thô từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh tăng cường mua dầu khí, than đá do Moscow cung cấp. Theo Enerdata, Nga năm 2023 vượt qua Arab Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc, đạt khoảng 107 triệu tấn. Ngoài ra, Trung Quốc đã nhập 8 triệu tấn khí đốt hóa lỏng từ Nga năm 2023, tăng 77% so với năm 2021. Hai nước cũng tuyên bố chi nhiều tỷ USD mở rộng hợp tác năng lượng, bao gồm dự án xây đường ống Sức mạnh Siberia 2 để xuất khẩu khí đốt từ phía Tây Siberia của Nga tới vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Thái Hà
.
.
.