Nga nới rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông
Chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được đánh giá là sẽ giúp tháo gỡ phần nào tình hình căng thẳng ở Trung Đông, giữa lúc chiến sự ở Dải Gaza gây ra nhiều tranh cãi giữa các nước.
Thông tấn Nga RiaNovosti ngày 7/12 dẫn thông cáo của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện hai chuyến thăm đến UAE và Arab Saudi trong ngày 6/12 để thảo luận với lãnh đạo các nước chủ nhà về quan hệ song phương, các điểm nóng quốc tế, trọng tâm là hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ ba của nhà lãnh đạo Nga bên ngoài các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, sau các chuyến thăm đến Iran, Trung Quốc và diễn ra trong bối cảnh Moscow đang nỗ lực tăng cường tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.
Tại điểm dừng chân đầu tiên Abu Dhabi, nước chủ nhà UAE đã chào đón ông Putin bằng màn biểu diễn máy bay nhả khói màu cờ Nga hoành tráng cùng loạt 21 phát đại bác. Trong cuộc gặp người đồng cấp UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Putin khẳng định, UAE là đối tác thương mại chính của Nga trong thế giới Arab. “Mối quan hệ hai nước chúng ta đã đạt tới cấp độ cao chưa từng có, phần lớn là nhờ vào quan điểm của ngài”, Tổng thống Putin nêu. Ông Putin cho biết, Nga và UAE hợp tác hiệu quả với tư cách cùng là thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Trong khi đó, Tổng thống UAE gọi nhà lãnh đạo Nga là “người bạn tốt”, khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại giữa các bên trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp.
Thông tin chi tiết về nội dung đối thoại giữa hai lãnh đạo không được công bố, nhưng AP đưa tin, vấn đề Ukraine và Palestine có nằm trong chương trình nghị sự. Theo AP, UAE là đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông, nhưng duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga. Sự tiếp đón trọng thị mà nước này dành cho Tổng thống Putin đã tạo động lực cho mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt Nga. UAE gần đây cũng thể hiện quan điểm ủng hộ hợp tác với Nga trong nhiều khuôn khổ quốc tế, bao gồm cơ chế BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Ngay sau cuộc hội đàm ở Abu Dhabi, nhà lãnh đạo Nga đã đáp chuyên cơ tới Thủ đô Riyadh và gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi, nơi Tổng thống Putin mô tả quan hệ Nga - Arab Saudi đã “đạt đến mức độ chưa từng thấy trước đây”, và rằng “việc trao đổi thông tin, cũng như đánh giá về những gì đang diễn ra trong khu vực rất quan trọng”. Đáp lại, Thái tử Arab Saudi bin Salman khẳng định hợp tác giữa Moscow và Riyadh đã giúp tăng cường an ninh ở Trung Đông. “Sự tương tác và hợp tác chính trị trong tương lai của chúng ta chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến tình hình toàn cầu”, Thái tử Arab Saudi nêu rõ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov sau đó tiết lộ, hai lãnh đạo tập trung thảo luận về mối liên kết Nga-Saudi trong khuôn khổ OPEC+. “Chúng tôi có trách nhiệm duy trì thị trường năng lượng quốc tế ở mức phù hợp, trong trạng thái ổn định và có thể dự đoán được”, ông Peskov nói.
Nga và Arab Saudi là hai thành viên có tiếng nói nhất trong OPEC+ và mọi động thái phối hợp giữa hai nước đều tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Năm ngoái, OPEC+ đã cắt giảm đáng kể lượng dầu mỏ bơm ra thị trường toàn cầu, khiến giá dầu neo ở mức cao. Tuần trước, OPEC+ công bố kế hoạch cắt giảm thêm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024. OPEC+ hiện cung cấp hơn 40% sản lượng dầu toàn cầu, khoảng 43 triệu thùng/ ngày.
Vẫn theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, sau cuộc hội đàm với sự tham gia của các quan chức hai nước, Tổng thống Putin và Thái tử Arab Saudi cũng đã nói chuyện riêng trong bữa tối để thảo luận về cuộc chiến Israel-Hamas và “các vấn đề nhạy cảm khác trong chương trình nghị sự quốc tế”. UAE và Arab Saudi là những thành viên có vai trò chủ chốt trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay ở Dải Gaza, trong đó Riyadh được đánh giá là bên có tiếng nói rất ảnh hưởng với các quốc gia Arab.
Việc các cường quốc có quan điểm trái ngược xung quanh tình hình Dải Gaza đã khiến triển vọng sớm đi đến ngừng bắn gặp nhiều khó khăn. Giới quan sát nhận định, Nga có thể tận dụng cơ hội này để thể hiện vai trò lớn hơn trong nỗ lực hòa giải Israel-Palestine. Kể từ khi chiến sự giữa Israel và Hamas nổ ra cách đây tròn hai tháng, Nga đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy các bên tiến đến ngừng bắn để mở đường đối thoại.