Một cuộc bầu cử quan trọng với châu Âu

Chủ Nhật, 15/10/2023, 06:21

Hôm nay, ngày 15/10, cử tri Ba Lan đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được đánh giá là rất quan trọng có thể định hình tương lai của Liên minh châu Âu (EU).

Theo kết quả thăm dò được công bố trước cuộc bầu cử, tỉ lệ ủng hộ dành cho đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc đang ở mức 35%, trong khi 30% là tỉ lệ ủng hộ dành cho đảng Dân chủ (PO) đối lập, cánh hữu cấp tiến thân châu Âu.

Lập trường của Ba Lan rất quan trọng

Trong cuộc bầu cử này, PiS đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có. Nếu thắng, PiS muốn thực hiện nhiều hơn chương trình nghị sự bảo thủ và tiếp tục đấu tranh để giành được vị thế của Ba Lan trong EU, đặc biệt là về hạn ngạch người di cư. Ở kịch bản còn lại, nếu chiến thắng rơi về tay PO, Warsaw có thể sẽ hợp tác với Brussels, đảo ngược các cải cách tư pháp của PiS cũng như nhiều chính sách bảo thủ xã hội hơn của nước này.

baucubalan.jpg -0
Những lá phiếu của người dân Ba Lan có thể định hình tương lai của EU.

Mặc dù cả hai đảng chính trên ở nước này đều khó có khả năng một mình thành lập chính phủ, nhưng cuộc bỏ phiếu vẫn có tầm quan trọng đối với EU. Ông Carlo Fidanza, một nghị sĩ EU của Italy nói rằng, lập trường của Ba Lan rất quan trọng đối với quan điểm chung của khối về cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Cả hai đảng đều cam kết hỗ trợ Ukraine, nhưng PiS đã dao động trong những tuần gần đây, liên quan đến tranh cãi về nhập khẩu nông sản của Kiev và sự xuất hiện của hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine ở Ba Lan. Nghị sĩ Carlo Fidanza nhấn mạnh: “Ba Lan thậm chí còn trở nên quan trọng hơn trong một năm rưỡi qua vì nước này đi đầu trong cuộc đối đầu với Nga. Do đó, cuộc bầu cử sẽ xác định xem lập trường này có được duy trì hay không và chắc chắn sẽ là một yếu tố ổn định cho vị thế địa chính trị của toàn thể EU”.

Ngược lại, một nghị sĩ EU khác, ông Terry Reintke, đồng Chủ tịch Nhóm đảng Xanh/EFA trong Nghị viện châu Âu (EP), đang hy vọng PO sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, mặc dù họ là một phần của một nhóm chính trị khác. Theo ông, sự khác biệt chính là phe đối lập hiện tại rõ ràng đã có lập trường mang tính xây dựng khi nói đến việc can dự ở cấp độ châu Âu.

“Vì vậy, khi chúng ta nhìn thấy những thách thức phía trước, xoay quanh câu hỏi chúng ta sẽ định hình quá trình chuyển đổi xanh, di cư, chính trị cũng như các vấn đề khác của châu Âu như thế nào, trong khi PiS có quan điểm bảo thủ, thì PO lại mang tính xây dựng khi tham gia vào các vấn đề chung của EU”, nghị sĩ Terry Reintke nêu quan điểm. Về phần mình, bà Arianna Angeli, Giáo sư luật tại Đại học Milan, cho rằng, Chính phủ Ba Lan hiện tại đã có thái độ đối đầu với EU và nếu PiS thắng, xu hướng này sẽ tiếp tục. Xung đột chính giữa Warsaw và Brussels liên quan đến vấn đề pháp quyền và sự độc lập của cơ quan tư pháp khỏi ảnh hưởng chính trị. “Những hành vi vi phạm liên tục này đôi khi sẽ tạo ra căng thẳng với các quốc gia thành viên khác của EU. Và cuối cùng, theo tôi, nó cũng có thể tạo ra các vấn đề trong cơ chế hoạt động của khối, vốn đang bị thách thức do căng thẳng nội bộ, bởi một trong những quốc gia thành viên của chính mình”, giáo sư Ariana Angeli nhấn mạnh.

Vào ngày 15/10, toàn EU không chỉ theo dõi cuộc bầu cử mà còn theo dõi cuộc trưng cầu dân ý của Chính phủ Ba Lan. Cử tri sẽ được hỏi 4 câu hỏi, trong đó một câu hỏi về việc liệu họ có ủng hộ việc tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Đông và châu Phi hay không. Liên quan đến vấn đề di cư, nhà phân tích chính trị tại Đại học Warsaw (Ba Lan) Spasimir Domaradzki nhận định, trong khi PiS có xu hướng cảnh báo công chúng rằng, nếu PO lên nắm quyền, hàng nghìn người di cư bất hợp pháp, có khả năng nguy hiểm sẽ đến Ba Lan do áp lực của EU, thì cả hai phe đều phản đối hệ thống tị nạn và di cư mới của EU.

Tuy nhiên, với bầu không khí căng thẳng xung quanh vấn đề nhập cư ở Ba Lan, một chính phủ của PO có thể có xu hướng trả tiền nhiều hơn để tránh phải chấp nhận người di cư và như vậy sẽ không có lập trường khác lắm với chính phủ hiện tại. Chuyên gia Spasimir Domaradzki lập luận rằng, sự khác biệt chính giữa phe cầm quyền hiện tại và phe đối lập là thái độ hướng tới hội nhập EU sâu sắc hơn. Chiến thắng của PiS sẽ khiến Warsaw tiếp tục ngăn chặn sự hội nhập sâu hơn của EU, trong khi sẽ có rất ít thay đổi từ góc độ chính sách nếu phe đối lập lên nắm quyền.

“Nhiệm kỳ thứ ba của PiS có nghĩa là việc tiếp tục chính sách ngăn chặn thảo luận về việc hội nhập hơn nữa của EU, trong khi trong trường hợp phe đối lập chiến thắng, nhiều lập luận phản đối việc hội nhập sẽ bị gạt sang một bên, cho phép các nhà lãnh đạo EU tiếp tục quá trình đó”, nhà phân tích Spasimir Domaradzki nhấn mạnh.

Bài toán chưa có lời giải

Di cư luôn là vấn đề nan giải của EU khi hàng triệu người từ nhiều quốc gia, chủ yếu tại Trung Đông, châu Phi và châu Á, những người đang phải chịu đựng tình trạng bạo lực, xung đột gia tăng, bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế và nghèo đói, vẫn bất chấp nguy hiểm khi quyết định rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới. Làn sóng nhập cư bất hợp pháp đã gây ra những hệ lụy lớn và là thách thức của toàn EU, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Sau nhiều khó khăn, EU đã đạt được Hiệp định về di cư và tị nạn mới, do nước hiện là Chủ tịch EU Tây Ban Nha đề xuất, với sự ủng hộ của 22/27 nước thành viên. Tuy hiệp định này được đánh giá hoàn hảo về mặt lý thuyết, song thực tế, các nước EU khó tìm được tiếng nói chung về chia sẻ gánh nặng (cơ chế đoàn kết), hay việc mở hành lang cho người nhập cư hợp pháp. Đó là lý do Ba Lan và Hungary vẫn phản đối và bỏ phiếu chống, trong khi Cộng hòa Czech, Slovakia và Austria bỏ phiếu trắng đối với hiệp định.

Theo học giả Roberto Cajati, Phó Chủ tịch Quỹ Italy - Việt Nam, EU vẫn chưa thể tìm ra lời giải lâu dài và hiệu quả cho bài toán di cư do nhập cư bất hợp pháp ở châu Âu hiện là một vấn đề rất nhạy cảm và vị trí địa lý của các quốc gia thành viên khác nhau khiến gánh nặng di cư đối với từng nước là khác nhau. Theo chuyên gia Roberto Cajati, Thỏa thuận Dublin (1990) đã tạo ra một tình huống trong đó toàn bộ gánh nặng của những người nhập cư bất hợp pháp vào EU đổ lên các quốc gia thành viên nằm ở đường biên giới ngoài, khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi trước một vấn đề cần phải đối mặt ở cấp độ châu Âu.

Trên thực tế, vấn đề di cư đã là ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu trong hơn một thập niên qua, nhưng không thể được áp dụng do tầm nhìn khác nhau của các quốc gia trong việc kiểm soát tình trạng này. Lý giải về nguyên nhân, ông Andrea Margelletti, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế (Ce.SI) của Italy nhấn mạnh, EU thiếu đối tác đối thoại và không thống nhất được về việc tái định cư người di cư.

Thay vào đó, họ chỉ tập trung vào việc ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu. Nói cách khác, hiện EU không thể kiểm soát được dòng người di cư ồ ạt tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Tuy nhiên, nếu xét đến tình trạng dân số già đi và suy giảm ở châu Âu thì việc mở cửa cho nhập cư hợp pháp để tiếp nhận một lượng lớn người trong độ tuổi lao động, dựa trên nhu cầu của thị trường việc làm, là vô cùng cần thiết.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.