Kỷ nguyên mới trong hợp tác Mỹ - Nhật – Hàn
“Không phải về Trung Quốc” - đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nói về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông cùng người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, diễn ra hôm 18/8 (giờ địa phương), tại Trại David, bang Maryland (Mỹ).
Mặc dù nhấn mạnh rằng sự kiện trên “không phải về Trung Quốc”, song người đứng đầu Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhiều lần nhắc đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong các bình luận đưa ra trước báo giới.
Trong cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Fumio Kishida, Tổng thống Joe Biden cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ hợp tác để chống lại “hành vi nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông” và nhấn mạnh sự cần thiết của “hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan (Trung Quốc)”.
Trong khi đó, khi được hỏi liệu việc Tokyo tăng cường quan hệ quân sự với Washington có thể gây ra “Chiến tranh Lạnh về kinh tế” với Bắc Kinh hay không, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong “những thách thức chung” và “mạnh mẽ nêu yêu cầu về việc hành xử có trách nhiệm”. Về phần mình, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng phác thảo những yêu cầu của hợp tác quốc phòng mới, nói rằng ba nước đồng minh sẽ tạo ra một khuôn khổ để đáp trả các cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia nào của họ, cũng như chia sẻ thông tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên theo “thời gian thực”. Ông cũng công bố các kế hoạch “đào tạo và diễn tập có hệ thống” sẽ được thực hiện thường xuyên.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo riêng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng nhấn mạnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn “không chống lại bất kỳ ai”, đồng thời, lên tiếng phủ nhận khi được hỏi rằng liệu quan hệ đối tác ba bên giữa Washington với Seoul và Tokyo có phải là sự khởi đầu của một NATO thu nhỏ cho khu vực Thái Bình Dương hay không. Ông nói: “Đó rõ ràng không phải là một NATO cho Thái Bình Dương. Chúng tôi đã lên tiếng về điều này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh nó và cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy”.
Trong tuyên bố chung mang tên “Tinh thần của Trại David” đưa ra sau cuộc gặp, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh một kỷ nguyên mới của đối tác ba bên trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc xung đột ở Ukraine và các hành động hạt nhân thách thức cả ba nước.
Tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết mở rộng hợp tác ba bên, tăng cường nền kinh tế, ủng hộ trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật và củng cố hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu. Ba nước sẽ tăng cường phối hợp chiến lược giữa liên minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn và đưa hợp tác an ninh ba bên lên tầm cao mới.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng, một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ là mục tiêu chung của cả ba nước. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tái khẳng định vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN cũng như sự ủng hộ của ba nước đối với cấu trúc khu vực do ASEAN đứng đầu. Ba nước cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác ASEAN nhằm thực hiện Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ba nước cũng dự định tham gia nỗ lực khu vực trong xây dựng năng lực cho các nước ASEAN và quốc đảo Thái Bình Dương trong một số lĩnh vực.
Trong tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ cùng người đồng cấp Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản chia sẻ quan ngại về các hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cản trở hòa bình và thịnh vượng khu vực.
Ba nước phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ba nước phản đối việc quân sự hóa các thực thể được bồi đắp, việc sử dụng nguy hiểm các tàu dân quân và tuần cảnh và các hoạt động cưỡng ép. Ba nước nhắc lại cam kết vững chắc của mình đối với luật pháp quốc tế bao gồm tự do hàng không và hàng hải được thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Phán quyết của Tòa thường trực tháng 7/2016 là cơ sở pháp lý để giải quyết hòa bình các xung đột trên biển giữa các bên liên quan.
Ba nước tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và coi đó là yếu tố không thể thiếu của an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Ba nước khẳng định, không thay đổi trong quan điểm về Đài Loan (Trung Quốc) và kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh cam kết của ba nước đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và kêu gọi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Ba nước lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng và bày tỏ quan ngại về các hoạt động phi pháp trên mạng nhằm tạo nguồn tài chính cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của nước này.
Washington, Seoul và Tokyo tuyên bố thiết lập một nhóm công tác ba bên mới nhằm tăng cường hợp tác bao gồm với cả cộng đồng quốc tế để chống lại các mối đe dọa trên mạng từ Triều Tiên và ngăn chặn hành động lẩn tránh trừng phạt của nước này. Các nhà lãnh đạo cũng tiếp tục cam kết tái thiết lập đối thoại với Triều Tiên vô điều kiện. Ba nước dự định sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ba bên thường niên để tăng cường nặng lực phối hợp và hợp tác.
Những cuộc gặp song phương quan trọng
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ba bên, đã diễn ra các cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc, giữa Tổng thống Hàn Quốc và người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản.
Tại cuộc gặp Mỹ - Hàn, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quan hệ liên minh Washington - Seoul cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo ghi nhận việc thực hiện trung thực Tuyên bố Washington được hai bên nhất trí vào tháng 4 vừa qua, thông qua việc khởi động Nhóm Cố vấn Hạt nhân Hàn Quốc - Mỹ (NCG) và triển khai tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, đồng thời nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường uy tín của năng lực răn đe mở rộng. Tổng thống Joe Biden tái khẳng định Mỹ cam kết phòng thủ vững chắc và cam kết răn đe mở rộng đối với Hàn Quốc”. Khái niệm răn đe mở rộng đề cập đến cam kết của Mỹ sử dụng tất cả các khả năng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ một đồng minh.
Tại cuộc gặp còn lại, Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Yoon Suk-yeol hoan nghênh việc nối lại đối thoại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực cũng như trao đổi kinh doanh giữa hai nước. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo người châu Á cũng khẳng định sẽ duy trì liên lạc gần gũi. Thỏa thuận nối lại đàm phán cấp cao gắn liền với 2 cam kết riêng biệt, một cuộc đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng dự kiến vào mùa Thu năm nay và các cuộc đàm phán kinh tế có sự tham gia của quan chức cấp cao Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ được tổ chức cuối năm nay. Tại các cuộc đàm phán, Thủ tướng Fumio Kishida tìm cách đảm bảo rằng, việc xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý theo kế hoạch từ nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản không gây hại tới việc nối lại quan hệ giữa các nước láng giềng. Trong khi đó, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết, vấn đề xả thải sắp diễn ra không nằm trong chương trình nghị sự và không được đưa ra, và “các kết quả điều tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là điều gì đó mà chúng ta có thể tin cậy”. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng, mọi thứ nên được thực hiện theo các thủ tục do cơ quan thiết lập và “việc công bố dữ liệu minh bạch” sẽ được yêu cầu.