Kinh tế Mỹ bế tắc phủ bóng Hội nghị quan chức tài chính G7

Thứ Sáu, 12/05/2023, 05:40

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và thành viên chủ chốt của Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển (G7), đang đối mặt với bế tắc liên quan đến trần nợ công, vấn đề này cũng như mối đe dọa tiềm tàng đến nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ phủ bóng cuộc gặp của các nhà lãnh đạo ngành tài chính G7, bắt đầu từ ngày 11/5 tại Nhật Bản.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cho biết một trong những ưu tiên mà bà mang đến Niigata, thành phố cảng của Nhật Bản nơi đăng cai các cuộc họp của lãnh đạo tài chính G7, sẽ là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết bế tắc về nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Tôi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Quốc hội hành động để giải quyết giới hạn nợ nhằm duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của Mỹ và bảo vệ nền kinh tế toàn cầu", Bộ trưởng Yellen viết trên Twitter ngày 11/5. Theo AP, bà Yellen chắc chắn cũng sẽ tìm cách trấn an những người đồng cấp của mình về những vấn đề của ngành ngân hàng gần đây, vốn làm dấy lên những lo ngại về rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

1000.jpg -0
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại cuộc họp báo sau hội nghị tại Niigata, Nhật Bản ngày 11/5. Ảnh AP.

Liên quan đến vấn đề nợ công của Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết rằng ông và các nhà lãnh đạo Quốc hội đã có một cuộc họp "khá hiệu quả" hôm 9/5 về việc cố gắng nâng giới hạn nợ của Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trái ngược với phát ngôn của Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho rằng ông không thấy có gì mới kể từ cuộc gặp để thảo luận trần nợ hồi đầu tháng 2/2023.

Ông McCarthy cho biết, ông sẽ tiếp tục trao đổi vấn đề trần nợ với Tổng thống Biden và sẽ phản đối nếu Tổng thống quyết định sử dụng Tu chính án thứ 14 để nâng mức trần nợ. Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ đề xuất nâng mức trần nợ mà không đi kèm điều kiện nào, trong khi đó, các nghị sĩ Cộng hòa đề nghị cắt giảm các khoản chi tiêu là điều kiện để nâng mức trần nợ.

Các Hạ nghị sĩ Cộng hòa tháng trước đã thông qua một dự luật nâng giới hạn vay nợ trong năm tới với đề xuất cắt giảm chi tiêu 4.800 tỷ USD, tuy nhiên, dự luật này đã không được đưa ra Thượng viện. Hai bên sẽ tái họp trong ngày 12/5 để cố gắng ngăn chặn nguy cơ chính phủ vỡ nợ, một kịch bản chưa từng có tiền lệ, nhưng có thể xảy ra nếu các nhà lập pháp trong Quốc hội không đồng ý tăng trần nợ.

Phát biểu trong một sự kiện tại bang New York ngày 10/5, ông Biden cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái và hàng triệu người sẽ mất việc làm nếu không đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công lên 31,4 nghìn tỷ USD trước hạn chót. Thêm vào đó, Tổng thống Biden cho biết ông "có thể" sẽ phải hoãn chuyến đi tới Nhật Bản, Australia và Papua New Guinea vào cuối tháng này nếu vấn đề không được giải quyết.

Trong một báo cáo mới được công bố tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết rằng các ngân hàng của nước này đã nâng cao tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng và kinh doanh sau hậu quả của vụ 3 ngân hàng lớn phá sản, một phần là do ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát sau đại dịch lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

Fed đã khảo sát 65 ngân hàng của Mỹ và chi nhánh của 19 ngân hàng nước ngoài tại nước này vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, ngay sau khi Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature sụp đổ vào đầu tháng 3, gây ra đợt hỗn loạn trong ngành ngân hàng Mỹ. Đầu tháng này, Ngân hàng First Republic phá sản, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử của Mỹ.

Tăng lãi suất là biện pháp được áp dụng nhằm làm chậm hoạt động cho vay và đi vay nhưng khi vượt quá mức có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Động thái siết chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng Mỹ có thể gây khó khăn hơn nữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo Reuters.

Hiện nay, lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao. Giá tiêu dùng ở nước này đã tăng 0,4% trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,1% từ tháng 2 đến tháng 3, trong khi các thước đo kinh tế khác cho thấy lạm phất vẫn có thể ở mức cao trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát của Mỹ sẽ giảm rất chậm.

Trong khi đó, các nền kinh tế G7 khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng giá cả thậm chí còn tăng cao hơn, buộc các ngân hàng trung ương của những nước này áp dụng nhiều biện pháp, bao gồm tăng lãi suất, vốn đã rớt xuống mức thấp kỷ lục trong những ngày đầu của đại dịch.

Các nhà lãnh đạo tài chính G7 đã gặp nhau vào tháng trước tại Washington (Mỹ), trong cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tại đây, các quan chức tái khẳng định cam kết giúp các nền kinh tế đối phó với tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, giúp các nước mắc nợ nặng nề giải quyết những tác động tiềm tàng về tài chính, củng cố các hệ thống y tế toàn cầu và giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7 sẽ họp trong 3 ngày tại Niigata, trước khi Hội nghị thượng đỉnh G7 chính thức diễn ra vào cuối tháng này tại Hiroshima. Các quốc gia G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ. Những quan khách từ Liên minh Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng như các bộ trưởng tài chính của Brazil, Comoros, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Singapore cũng được mời tham dự các cuộc họp ở Niigata.

Tiến Anh
.
.
.