Hội nghị COP29 thúc đẩy thỏa thuận tài chính khí hậu mới
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu là một nguyên nhân dẫn đến những đợt thiên tai khốc liệt với tần suất ngày một dày đặc trên khắp thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định nhân loại cần một thỏa thuận tài chính khí hậu mới. “Thế giới cần trả phí, nếu không, nhân loại sẽ phải trả giá”, ông cảnh báo.
Khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan từ đầu tuần, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ kéo dài đến hết ngày 22/11 với nhiều phiên làm việc quan trọng, đặt mục tiêu huy động hàng trăm tỷ USD hỗ trợ chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch và tìm kiếm thỏa thuận tài chính khí hậu mới, được coi là bước đột phá có thể giúp các quốc gia nghèo ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu gây chú ý ở thủ đô Baku ngày 13/11, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, biến đổi khí hậu đang tác động đến mọi quốc gia, nhất là các quốc gia kém phát triển hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là các nền kinh tế có nền công nghiệp phát triển lại đang phát thải nhiều hơn các nước nghèo. Theo ông, các nước nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20) chiếm tới 80% lượng khí phát thải của cả thế giới. Bởi vậy, ông đề nghị các nền kinh tế lớn hơn cần đóng góp nhiều hơn cho các mục tiêu khí hậu. Tại phiên khai mạc COP29 trước đó không lâu, ông Guterres cũng nêu quan điểm, trong vấn đề khí hậu, “người giàu gây vấn đề còn người nghèo phải trả giá nhiều nhất”. Ông kêu gọi các nước ủng hộ thỏa thuận tài chính khí hậu mới nhất để đảm bảo thế giới có thể đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. “Về vấn đề tài chính khí hậu, thế giới phải trả phí, nếu không, nhân loại sẽ phải trả giá”, ông nói. “Tài chính khí hậu không phải là từ thiện, mà là đầu tư. Hành động vì khí hậu không phải là tùy chọn, mà là bắt buộc”.
Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử và nhiều quốc gia ở hầu khắp các lục địa ghi nhận các đợt bão lũ, hạn hán gây hậu quả nghiêm trọng. Số liệu của LHQ chỉ ra rằng, lượng khí thải nhà kính CO2 toàn cầu dự kiến sẽ đạt 41,6 tỷ tấn vào năm nay, tăng so với mức 40,6 tỷ tấn của năm ngoái. Theo các nhà khoa học, xu hướng tăng này có nghĩa là mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp không hiệu quả. “Chúng ta đang trong giai đoạn đếm ngược cuối cùng để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, và thời gian không đứng về phía chúng ta”, ông Guterres nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã kêu gọi các quốc gia hành động ngay, nhấn mạnh rằng tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu. Ông đánh giá, một thỏa thuận tài chính khí hậu toàn diện sẽ phục vụ lợi ích của mọi quốc gia, đồng thời khẳng định giải pháp tốt nhất lúc này là nhanh chóng thiết lập thị trường carbon quốc tế bởi đây là công cụ rất quan trọng, giúp đẩy nhanh quá trình giảm phát thải toàn thế giới. Khi hình thành, thị trường này sẽ thu hút đầu tư vào năng lượng sạch và thúc đẩy trao đổi tín chỉ carbon. Dựa trên thị trường carbon toàn cầu do LHQ chủ trì, các công ty hoặc quốc gia phát thải nhiều hơn mức quy định có thể mua tín chỉ từ các tổ chức, dự án hoặc quốc gia có lượng phát thải thấp hơn hoặc hấp thụ carbon như một trong các cách thức để đạt được các mục tiêu giảm phát thải.
Tài chính khí hậu là một trong những chủ đề nóng nhất không chỉ tại COP29 mà còn tại nhiều sự kiện quốc tế gần đây về vấn đề khí hậu. Reuters trích dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 14/11 nói rằng mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm để chi cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu đang không thể đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Theo OECD, từ năm 2035, mức tài trợ có thể phải tăng lên 1.300 tỷ USD để đảm bảo thực hiện các mục tiêu mà LHQ đề ra. Các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của nó đang diễn ra nhanh hơn dự báo, với nguy cơ thế giới đạt mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một ngưỡng quan trọng, vì nếu vượt qua nó, thế giới có thể đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu “cực đoan và không thể đảo ngược”.
Hiện chưa rõ liệu các nước có thể đạt được thỏa thuận tài chính khí hậu mới toàn diện tại COP29 hay không và nó sẽ được thực thi hiệu quả ra sao. Ngoài đề tài này, LHQ và các quốc gia đang phát triển cũng đang tìm cách thúc đẩy hoạt động của Quỹ Tổn thất và Thiệt hại ứng phó biến đổi khí hậu được thành lập tại COP28 hồi năm ngoái, có mục tiêu hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả do hạn hán, bão lũ và nước biển dâng. Tổng thư ký Guterres thông tin, sau một năm, các nước phát triển mới chỉ cam kết 700 triệu USD cho quỹ, thấp hơn nhiều so với kì vọng 100 tỷ USD mà các nước đang phát triển nêu ra. “Chúng ta phải nghiêm túc về mức tài chính cần thiết”, ông Guterres nhấn mạnh. “Tôi kêu gọi các nước nêu cam kết tài chính mới”. Theo các chuyên gia, nếu không có những đóng góp tài chính đáng tin cậy, quỹ này có nguy cơ trở thành một “nỗ lực mang tính biểu tượng” thay vì một công cụ hiệu quả cho công lý khí hậu.