Góc nhìn đa chiều về Hiệp ước khí hậu Glassgow
Sau khi kéo dài thêm một ngày so với lịch trình, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc ngày 13/11 (giờ địa phương) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.
Các nhà ngoại giao, giới khoa học, các tổ chức từ thiện và các tổ chức phi chính phủ đã có những đánh giá khác nhau về kết quả Hội nghị, cũng như "Hiệp ước khí hậu Glasgow" vừa được tất cả 197 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua.
Những cái nhìn khác nhau
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 nhưng cho rằng thế giới vẫn đối diện với nhiều nguy cơ và đứng trên "bờ vực thảm họa". Ông nói: "Kết quả Hội nghị COP26 là một sự thỏa hiệp, phản ánh những mối quan tâm, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới ngày nay. Hiệp ước này là một bước tiến quan trọng, song vẫn chưa đủ". Ông kêu gọi các nước đã đến lúc phải kích hoạt chế độ khẩn cấp về khí hậu bởi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến vì sinh mạng của mọi người dân trên thế giới và phải chiến thắng trong cuộc chiến này.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Hiệp ước khí hậu Glasgow là bước tiến lớn, song vẫn còn một khối công việc đồ sộ phải làm trong những năm tới. Về phần mình, trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Hiệp ước khí hậu Glasgow duy trì các mục tiêu trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, tạo cho các nước cơ hội hạn chế mức tăng nhiệt trên toàn cầu ở 1,5 độ C. Tuy nhiên, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen cho rằng sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi bởi công việc khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, thỏa thuận đã đặt trọng tâm "chưa từng có" vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu nên bồi thường cho những nước nghèo do tác động của biến đổi khí hậu. Ông cũng cho hay, Hiệp ước dù "không hoàn hảo" nhưng cho thấy "sự đồng thuận và ủng hộ".
Về phía giới chuyên gia, bà Laurence Tubiana, một trong những "kiến trúc sư" của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và hiện là Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu châu Âu nhấn mạnh: "Bất chấp cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, chúng ta đã tăng tốc hành động, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà khoa học duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C và đưa than đá vào nội dung văn bản. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các cam kết và tuyên bố về tài chính, chấm dứt nạn phá rừng, ngừng tài trợ công đối với nhiên liệu hóa thạch, khí metal và ôtô giờ đây phải được chuyển thành các chính sách thực tế. Vấn đề ô nhiễm do sản xuất dầu khí vẫn cần được giải quyết. Hội nghị lần này chưa thể cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức cho những người đang chịu tác động của biến đổi khí hậu".
Bà cũng hoan nghênh việc tăng gấp đôi nguồn tài chính cho thích ứng với các tác động khí hậu mỗi năm, đồng thời kêu gọi những thiệt hại do biến đổi khí hậu phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị COP 27. Nhà hoạt động khí hậu Vanessa Nakate đến từ Uganda cho rằng: "Ngay cả khi các nhà lãnh đạo thực hiện những lời hứa mà họ đã đưa ra ở Glasgow, điều đó cũng không ngăn được sự tàn phá của biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng dân cư như của chúng tôi. Chỉ có cắt giảm khí thải ngay lập tức, mạnh mẽ hơn mới mang lại cho chúng ta hy vọng về sự an toàn".
Ông Mohamed Adow, Giám đốc tổ chức tư vấn Power Shift Africa, đánh giá: "Hội nghị COP26 mang ý nghĩa thành công về mặt ngoại giao hơn so với kết quả thực chất. Kết quả ở đây phản ánh Hội nghị lần này vẫn phục vụ lợi ích và những ưu tiên của các nước giàu có. Chúng tôi sẽ duy trì động lực trong năm tới để đòi hỏi sự hỗ trợ có ý nghĩa hơn, cho phép những người dễ bị tổn thương ứng phó với những tác động không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu".
Alden Meyer, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn E3G nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thấy lời kêu gọi ở Glasgow cho các hành động khẩn cấp để đối phó với mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu. Một số sáng kiến quan trọng đã được đưa ra. Kết quả hội nghị ở Glasgow là một nửa đầy đủ chứ không phải là một nửa trống rỗng". Về phần mình, bà Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành của tổ chức Greenpeace International, cho rằng: "Vì lợi ích của tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia vẫn sử dụng than, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đòi hỏi các quốc gia giàu có cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự chuyển dịch này. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó".
Trong khi đó, ông Nicholas Stern, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi khí hậu, nhìn nhận: "Hội nghị COP26 là một bước tiến lớn trong suốt chặng đường dài, nhưng nó vẫn chưa đủ để thực hiện mục tiêu giới hạn sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C. Điều quan trọng là các quốc gia đã đồng ý đưa ra những cam kết đầy tham vọng hơn vào cuối năm tới về cắt giảm khí thải vào năm 2030".
Những điểm đáng chú ý
Hiệp ước Khí hậu Glasgow thừa nhận rằng, cam kết mà các quốc gia đưa ra cho đến nay nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa đủ để khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để cố gắng giải quyết vấn đề này, Hiệp ước yêu cầu chính phủ các nước xem xét lại và củng cố các mục tiêu cắt giảm khí thải vào cuối năm 2022, thay vì 5 năm một lần như yêu cầu trước đây. Việc không đặt ra và thực hiện các mục tiêu tham vọng hơn trong việc cắt giảm khí thải sẽ gây ra những hậu quả to lớn. Các nhà khoa học nói rằng, mức nhiệt tăng vượt quá 1,5 độ C sẽ dẫn đến mực nước biển dâng cao, các thảm họa như hạn hán hay các cơn bão khủng khiếp và cháy rừng sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà thế giới đang phải gánh chịu.
Hiệp ước lần đầu tiên yêu cầu các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào than đá và rút lại các khoản trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch - động thái nhắm vào các nguồn năng lượng mà các nhà khoa học cho là động lực chính gây ra biến đổi khí hậu do con người. Tuy nhiên, các từ ngữ được sử dụng trong Hiệp ước đã gây tranh cãi. Ngay trước khi Hiệp ước Glasgow được thông qua, Ấn Độ đã yêu cầu sử dụng cụm từ kêu gọi các nước "giảm dần", thay vì "loại bỏ" than đá "không suy giảm". Điều này đã gây ra sự giận dữ trong phiên họp toàn thể, nhưng các phái đoàn đã đồng ý với yêu cầu của Ấn Độ nhằm cứu vãn thỏa thuận cuối cùng. Dù vậy, đây vẫn được coi là bước tiến lịch sử vì than đá và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch chưa bao giờ được nêu đích danh trong 26 năm đàm phán về khí hậu tại LHQ.
Hiệp ước Glassgow kêu gọi các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi số tiền tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức của năm 2019. Một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển, đó là tổn thất và thiệt hại cũng được đưa vào Hiệp ước, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Ngoài ra, các nhà đàm phán cũng đã đạt được thỏa thuận thiết lập các quy tắc cho thị trường carbon, mở ra hàng nghìn tỷ USD cho các chương trình bảo vệ rừng, xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo và các dự án khác để chống biến đổi khí hậu.
Ngoài Hiệp ước khí hậu Glasgow, cũng có một số thỏa thuận bên lề đáng chú ý. Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) dẫn đầu sáng kiến cắt giảm khí metan toàn cầu, trong đó khoảng 100 quốc gia đã cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 30% lượng khí thải metan so với mức năm 2020. Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, cũng công bố tuyên bố chung hợp tác về các biện pháp chống biến đổi khí hậu, một thỏa thuận trấn an các nhà quan sát về ý định của Bắc Kinh trong việc đẩy nhanh nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu sau một thời gian dài im ắng. Các công ty và nhà đầu tư cũng đưa ra nhiều cam kết tự nguyện sẽ loại bỏ ôtô chạy bằng xăng, giảm khí thải carbon, bảo vệ rừng và đảm bảo đầu tư bền vững hơn.
Trong 14 ngày diễn ra Hội nghị, các nước tham dự đã đưa ra một loạt các cam kết quan trọng, trong đó nổi bật là hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan, được xem là một trong những cách tốt nhất để giảm nhanh sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than - chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019 - và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu. Một liên minh mới các quốc gia cam kết đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ và khí đốt đồng thời ngừng cấp giấy phép thăm dò mới cũng được ra mắt tại COP26.