Chuyến thăm hiếm hoi của một nhà lãnh đạo châu Âu tới Nga

Thứ Hai, 08/07/2024, 05:18

Hồi cuối tuần qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã trở thành nhà lãnh đạo châu Âu thứ hai, sau Thủ tướng Austria Karl Nehammer, tới thăm Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chuyến thăm mang "sứ mệnh hòa bình" của ông đã xác nhận rõ hơn về viễn cảnh của cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong cuộc thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin về tình hình xung đột hiện nay giữa Moscow-Kiev, Thủ tướng Viktor Orban cho rằng, hiện nay số lượng các quốc gia có thể thảo luận với cả Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột đang giảm dần. Trong tương lai gần, Hungary có thể là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) duy trì quan hệ và đối thoại với cả Nga và Ukraine. Ông cũng muốn nhân cơ hội này thảo luận về một số vấn đề khó khăn và tìm hiểu quan điểm của Nga về các vấn đề quan trọng đối với châu Âu.

7_7_2024_quocte_orban-putin.jpg -0
Thủ tướng Viktor Orban và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc thảo luận ở Điện Kremlin hôm 5/7. Ảnh: Sputnik

Trong khi đó, người đứng đầu Điện Kremlin đã nhắc lại quan điểm của Nga về một giải pháp hòa bình tiềm năng, đồng thời khẳng định sẵn sàng thảo luận chi tiết với Thủ tướng Viktor Orban về những khía cạnh trong kế hoạch trên nhằm giải quyết cuộc xung đột với Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng hy vọng Thủ tướng Hungary chia sẻ lập trường của mình, cũng như quan điểm của các đối tác châu Âu về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay. Phát biểu sau cuộc thảo luận, Thủ tướng Viktor Orban cho biết ông đã nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng "châu Âu cần hòa bình", đồng thời đề nghị nhà lãnh đạo Nga chia sẻ những suy nghĩ của mình về các kế hoạch hòa bình hiện tại cũng như liệu Moscow có tin rằng, lệnh ngừng bắn có thể đi trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào hay không. Tổng thống Viktor Orban nhấn mạnh, ông coi nhiệm kỳ 6 tháng làm Chủ tịch EU của mình như một "sứ mệnh hòa bình", đồng thời nhận định cuộc xung đột ở Ukraine đã gia tăng gánh nặng cho an ninh và kinh tế châu Âu. Theo ông, chỉ có đối thoại và ngoại giao mới có thể chấm dứt tình trạng thù địch. "Tôi muốn biết nơi chúng ta có thể tìm ra con đường ngắn nhất dẫn tới hòa bình", ông Viktor Orban nhận định trong chuyến thăm Nga và đề nghị ông Vladimir Putin chia sẻ quan điểm về an ninh lâu dài của châu Âu sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc.

Đáp lại, Tổng thống Nga tuyên bố ông đã trình bày tầm nhìn của mình về cách giải quyết xung đột trong bài phát biểu quan trọng tại Bộ Ngoại giao Nga vào tháng trước và cho biết sẵn sàng thảo luận về nó. Đề xuất mà ông đề cập đến là đình chỉ các hoạt động thù địch ngay sau khi Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và ra lệnh cho quân đội rút lui khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Moskva tuyên bố chủ quyền. Sau đó, Tổng thống Vladimir Putin gợi ý rằng, một cuộc thảo luận toàn diện về cấu trúc an ninh mới ở châu Âu có thể được tổ chức. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã từ chối lời đề nghị này. Tổng thống Nga cũng nhắc lại sự sẵn sàng của Moscow trong việc giải quyết tình trạng thù địch thông qua đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn không thể từ bỏ ý tưởng tiến hành chiến tranh "đến cùng". Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga đang tìm cách đạt được hòa bình lâu dài, bền vững thay vì lựa chọn ngừng bắn tạm thời hoặc "xung đột đóng băng" dưới bất kỳ hình thức nào. Theo ông, không nên có "một lệnh ngừng bắn hoặc một hình thức tạm dừng nào đó mà chế độ Kiev có thể sử dụng để khắc phục tổn thất, tập hợp lại và tái vũ trang. Nga ủng hộ một sự chấm dứt hoàn toàn và cuối cùng cho cuộc xung đột". Nhà lãnh đạo Nga cũng lặp lại yêu cầu Ukraine phải rút quân khỏi 4 khu vực mà Moscow tuyên bố sáp nhập như một điều kiện cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai, song Ukraine và phương Tây đã từ chối yêu cầu đó. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, họ cũng trao đổi quan điểm về tình trạng hiện tại của mối quan hệ Nga - EU, "hiện đang ở mức thấp nhất".

Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Viktor Orban đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo và quan chức EU, dù trước đó ông đã khẳng định ông không đại diện cho liên minh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cáo buộc Thủ tướng Hungary "xoa dịu" đối với Tổng thống Nga. Bà khẳng định: "Chỉ có sự đoàn kết và quyết tâm mới mở đường cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine". Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nêu rõ, chuyến thăm của ông Orban tới Moscow "chỉ diễn ra trong khuôn khổ quan hệ song phương giữa Hungary và Nga". "Thủ tướng Viktor Orban chưa nhận được bất kỳ sự ủy nhiệm nào từ Hội đồng châu Âu để đến thăm Moscow", ông nói, đồng thời nhấn mạnh quan điểm "loại trừ các liên hệ chính thức giữa EU và Tổng thống Vladimir Putin. Thủ tướng Hungary vì vậy không đại diện cho EU dưới bất kỳ hình thức nào". Ông Viktor Orban đã ngay lập tức bác bỏ tuyên bố trên, nhấn mạnh rằng, "sự vô nghĩa của bộ máy quan liêu Brussels không mang lại kết quả gì trong việc tìm ra con đường dẫn đến hòa bình". Có cùng quan điểm với ông Josep Borrell, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, chuyến thăm Nga của người đồng cấp Hungary không liên quan gì đến EU và quan điểm của khối này về cuộc xung đột vẫn không thay đổi. Tương tự, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông Viktor Orban đã thông báo trước cho ông về chuyến đi tới Moscow nhưng Thủ tướng Hungary "không đại diện cho NATO tại các cuộc họp này". Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người được đề cử trở thành người đứng đầu chính sách đối ngoại tiếp theo của EU, thì cáo buộc ông Viktor Orban "lợi dụng" chức vụ Chủ tịch luân phiên EU và cáo buộc Thủ tướng Hungary đang cố gắng "gieo rắc sự nhầm lẫn". Từ Mỹ,  Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã lên tiếng quan ngại về chuyến đi của ông Viktor Orban, nhận định chuyến thăm này sẽ "không thúc đẩy sự nghiệp hòa bình và phản tác dụng trong việc thúc đẩy chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine". Về phần mình, người trong cuộc Ukraine tuyên bố, quyết định thăm Moscow của ông Viktor Orban được đưa ra mà "không có sự chấp thuận hoặc phối hợp với Kiev". Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng "nguyên tắc “không có thỏa thuận nào về Ukraine mà không có Ukraine” vẫn là bất khả xâm phạm với đất nước chúng tôi" và kêu gọi tất cả quốc gia tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này.

Đáp lại "cơn thịnh nộ ở Brussels", Thủ tướng Viktor Orban nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng đến khu vực châu Âu rộng lớn hơn, trong khi "lục địa già" chỉ có thể phát triển nhanh chóng và bền vững nhất trong thời bình.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.