Căng thẳng phủ mờ triển vọng tan băng quan hệ Nga – Mỹ

Thứ Sáu, 06/08/2021, 06:50

Quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, và những động thái “ăn miếng trả miếng” về ngoại giao thời gian gần đây đang khiến triển vọng để hai nước tháo gỡ những nút thắt mâu thuẫn mờ mịt hơn bao giờ hết.

 

Tờ RT hôm 5/8 dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, hy vọng về sự tan băng mối quan hệ song phương đã không thành hiện thực sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

rus us.jpg -0
Nga - Mỹ vẫn căng thẳng sau cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Biden hồi tháng 6 vừa qua. (Ảnh minh họa: Reuters) 

“Thật không may, tình hình không thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại Mỹ vẫn bị buộc phải làm việc dưới những hạn chế chưa từng có và những hạn chế này không những vẫn còn hiệu lực mà còn được tăng cường. Bất kể chính quyền Biden đã đưa ra những tuyên bố nào liên quan đến vai trò quan trọng của ngoại giao và sự sẵn sàng phát triển mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước với chúng tôi, thì sự hiện diện ngoại giao của Nga vẫn liên tục vấp phải nhiều vấn đề”, ông Antonov cho biết khi được hỏi về tình hình quan hệ song phương kể từ sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ hồi giữa tháng 6 tới nay.

Theo đại sứ Antonov, việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga được Mỹ thực hiện “theo những lý do vô cùng gượng gạo”. Tháng 12/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đơn phương ban hành giới hạn 3 năm về việc phân công nhân sự Nga tại Mỹ và việc này không được áp dụng với bất kỳ quốc gia nào khác.

Cùng lúc đó, phía Nga cho biết đã nhận được danh sách 24 nhà ngoại giao sẽ phải rời khỏi Mỹ trước ngày 3/9/2021 và hầu như tất cả họ sẽ phải ra đi mà không có người thay thế do Washington đột ngột thắt chặt các quy định cấp thị thực.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky hôm 3-8 nhận định rằng, chính phủ Mỹ “thay vì hủy bỏ tất cả các hạn chế áp đặt trước đây đối với các nhà ngoại giao Nga và trả lại các tài sản Nga bị tịch thu trái phép, lại sử dụng vấn đề cấp thị thực làm công cụ để gây áp lực”.

Ông Slutsky cũng nhắc lại việc hồi cuối tháng 4, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và trục xuất 10 nhà ngoại giao nước này sau khi cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cũng như đứng sau vụ tấn công nhằm vào công ty an ninh mạng SolarWinds.

Để đáp trả quyết định này, Nga đã hành động “như  những gì vẫn thường làm trong các tình huống tương tự”, theo đó tuyên bố trục xuất 10 nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, đồng thời cấm các cơ quan ngoại giao của Washington thuê nhân viên người Nga hoặc nước thứ ba, trừ lực lượng bảo vệ, tại các cơ sở ngoại giao bắt đầu từ ngày 1/8.

Lệnh cấm này đã khiến Mỹ buộc phải sa thải 182 nhân viên địa phương và hàng chục nhà thầu tại các cơ sở ngoại giao của nước này ở Moscow, Vladivostok và Yekaterinburg. Theo quan điểm của ông Slutsky, tất cả những điều trên hoàn toàn trái ngược với các thỏa thuận đã đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6 vừa qua.

Các biện pháp hạn chế ngoại giao mà Nga và Mỹ thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy quan hệ hai nước đang ngày càng lao dốc. Các nhà ngoại giao kỳ cựu và một số chuyên gia khác cho rằng những biện pháp hạn chế mới của Nga sẽ phá hủy khả năng tiến hành các hoạt động ngoại giao hàng ngày của Mỹ, từ những vấn đề chính trị cho tới thị thực và các công việc lãnh sự, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhân viên địa phương trong việc xử lý các hoạt động chức năng của đại sứ quán.

Theo tờ Foreignpolicy, một số quan chức Mỹ trong Bộ Ngoại giao bày tỏ sự thất vọng với chính quyền Biden vì đã không đưa ra biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn đối với những hạn chế của Nga. Chính quyền Biden không có dấu hiệu cho thấy sẽ thực hiện bất kỳ động thái nào để trả đũa, bao gồm cả việc cắt giảm số lượng các nhà ngoại giao Nga được cử tại các lãnh sự quán ở Houston, New York hay đại sứ quán Nga ở Washington.

Scott Rauland, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, từng làm việc cho lãnh sự quán tại Yekaterinburg, mô tả đây là một đòn giáng mạnh vào hoạt động ngoại giao của Mỹ tại Nga. “Ít nhất thì Nga đã thành công trong việc ngăn chặn toàn bộ cấu trúc ngoại giao của Mỹ trong ngắn hạn. Đối với những lãnh sự quán đó, có thể mất nhiều năm để chúng hoạt động bình thường trở lại với đầy đủ chức năng”, ông Rauland nhận định.

Về phần mình, Heather Conley, chuyên gia về Nga và châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết những hạn chế mới phản ánh một “điểm thấp mới” trong quan hệ Nga - Mỹ. Tuy nhiên, việc các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước mới đây đã tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng cho thấy các bên nhận thức được cần phải giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, từ đó đặt nền móng cho các cuộc trao đổi song phương trong thời gian tới.

Hồ Thiên (Tổng hợp)
.
.
.