Các bệnh viện ở Gaza "sẽ trở thành nhà xác" nếu không ngừng bắn

Thứ Hai, 13/11/2023, 08:13

Đó là cảnh báo mà Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) Canada đưa ra hôm 12/11. Trước đó, Liên hợp quốc (LHQ) thông báo, một số bệnh viện đã bị "tấn công trực tiếp" khi Israel tăng cường pháo kích và tấn công trên bộ ở Dải Gaza.

Những cảnh báo đỏ

Ngày 12/11, hãng tin Al Jazeera đưa tin, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) tại các vùng lãnh thổ Palestine vừa đưa ra báo cáo cho biết các cuộc tấn công trên bộ và pháo kích của Israel ngày càng gia tăng xung quanh các bệnh viện ở TP Gaza (thủ phủ Dải Gaza) và phía Bắc Gaza. Trong đó, một số bệnh viện đã bị tấn công trực tiếp và theo các phương tiện truyền thông, dân thường, bệnh nhân và nhân viên đã bị bắn khi cố gắng chạy trốn khỏi Bệnh viện Al-Shifa ở TP Gaza. Đây là bệnh viện lớn nhất Dải Gaza.

Trước đó đã có những báo cáo nói rằng, xung quanh khu vực nơi này đã xảy ra giao tranh kịch liệt giữa các binh sĩ Israel và các tay súng Hamas. Báo cáo của OCHA còn đưa ra một số lưu ý đáng quan tâm như nguồn điện tại Bệnh viện Al_Shifa và Bệnh viện Indonesia ở phía Bắc Gaza được cho là đã bị cắt sau khi hết nhiên liệu cho máy phát điện. Máy phát điện tại Bệnh viện Al-Quds ở TP Gaza cũng bị hỏng và không thể sửa chữa do bị bắn phá và giao tranh.

Các bệnh viện ở Gaza
Bệnh viện Al-Shifa ở TP Gaza.

Liên quan tới vấn đề này, MSF Canada cảnh báo các bệnh viện "sẽ trở thành nhà xác" nếu không hành động ngay bây giờ, bởi điện trong bệnh viện là nguồn sống và nếu không có điện thì bệnh nhân sẽ chết. Trong một bài viết trên mạng xã hội X (Twitter trước đây), MSF Canada kêu gọi "chấm dứt đổ máu ngay lập tức bằng lệnh ngừng bắn hoặc ở mức tối thiểu là sơ tán y tế bệnh nhân". Cùng ngày, trong dòng trạng thái trên mạng xã hội X, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết có những báo cáo cho thấy một số người chạy trốn khỏi Bệnh viện Al-Shifa ở Gaza "đã bị bắn, bị thương và thậm chí bị giết".

Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Israel ngày 11/11 khẳng định, lực lượng nước này không nổ súng vào Bệnh viện Al-Shifa nhưng có xung đột với các tay súng Hamas xung quanh bệnh viện này, đồng thời cho biết người dân ở đó vẫn có thể rời bệnh viện một cách an toàn.

Trong thông điệp qua video bằng tiếng Arab, Đại tá Moshe Tetro của COGAT, một cơ quan của Bộ Quốc phòng Israel có vai trò liên lạc với người Palestine về các vấn đề dân sự, cho biết khu vực phía Đông của bệnh viện luôn mở cửa cho bất kỳ ai muốn sơ tán an toàn. Cùng ngày, Tổ chức Các bác sĩ vì nhân quyền Israel thông báo hai trẻ sơ sinh đã tử vong do bệnh viện lớn nhất Gaza bị cắt điện, khi giao tranh diễn ra ác liệt xung quanh Bệnh viện Al-Shifa.

Thông báo nêu rõ: "Do thiếu điện, phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh đã ngừng hoạt động. Hai trẻ sơ sinh đã tử vong, trong khi tính mạng của 37 trẻ sơ sinh khác thực sự có nguy cơ bị đe dọa". Các nhân chứng tại bệnh viện cho biết tiếng súng và các cuộc không kích vang lên không ngớt, khiến mọi người không thể di chuyển ngay cả trong bệnh viện. Trước đó, các hoạt động tại bệnh viện lớn nhất của Dải Gaza này đã dừng lại do hết nhiên liệu trong lúc quân đội Israel siết vòng vây quanh bệnh viện vì cho rằng Hamas đặt trung tâm chỉ huy ở bên dưới.

Những kỳ vọng vào cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an LHQ

Các cuộc đàm phán căng thẳng và khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra tại Hội đồng Bảo an LHQ trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc đang làm tê liệt cơ quan ra quyết định quyền lực nhất thế giới, khi cái chết và sự tuyệt vọng trút xuống Gaza. Trong bối cảnh đó, Đại sứ Malta tại LHQ Vanessa Frazier đã đệ trình một nghị quyết mới lên các thành viên Hội đồng Bảo an để xem xét và bỏ phiếu, với hy vọng cuối cùng một nghị quyết về cuộc chiến ở Gaza sẽ được thông qua, sau những nỗ lực thất bại hàng loạt trong hơn một tháng qua. Malta là một trong 10 thành viên không thường trực của HĐBA và là nước chủ trì vấn đề trẻ em trong xung đột vũ trang kể từ năm 2022. Nghị quyết mới nói trên được soạn thảo với trọng tâm là trẻ em, với hy vọng rằng toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an có thể đi đến nhất trí về các biện pháp bảo vệ trẻ em trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Có một hy vọng mới rằng, Hội đồng Bảo an cuối cùng sẽ phản ứng với cuộc chiến ở Gaza, không chỉ vì đã có những nỗ lực mới nhằm tìm kiếm ngôn ngữ thỏa hiệp sẽ thu hút tất cả các thành viên, bao gồm cả Mỹ, mà còn bởi vì đã có sự thay đổi trong quan điểm, lập trường của chính Washington. Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên kêu gọi Israel tạm dừng bắn nhân đạo vào ngày 2/11.

Giới chức Mỹ cho biết họ đang tích cực tham gia với các thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, gồm Albania, Brazil, Ecuador, Gabon, Ghana, Nhật Bản, Malta, Mozambique, Thụy Sĩ và UAE. Điều này rất quan trọng vì quyền phủ quyết của Mỹ là một trong những lý do khiến một số nghị quyết trước đây của Hội đồng thất bại kể từ khi bạo lực nổ ra vào ngày 7/10. Tuy nhiên, như mọi khi, trong HĐBA vẫn có nhiều tranh cãi về ngôn ngữ chính xác của nghị quyết. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Mỹ kêu gọi "tạm dừng nhân đạo" (humanitarian pause), một cụm từ cho thấy nghị quyết này sẽ có điều kiện và giới hạn thời gian.

Hầu hết những nước còn lại trong Hội đồng muốn nghị quyết có thêm từ "ngừng bắn" (ceasefire). Việc lựa chọn một từ duy nhất trong nghị quyết - "tạm dừng" hoặc "ngừng bắn" - đã đồng nghĩa với sự bế tắc trong cơ quan quyền lực hàng đầu của LHQ, được trao quyền duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Với nghị quyết của Malta, một câu hỏi quan trọng có thể được đưa ra tranh luận là thời gian tạm dừng giao tranh. Các nhóm nhân đạo và thậm chí cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói rằng thời gian "tạm dừng" kéo dài 4 giờ/ngày mà Israel đã đồng ý hiện không đủ để giảm bớt đau khổ nhân đạo một cách có ý nghĩa. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có đồng ý "tạm dừng" kéo dài vài ngày hay không.

Các dự thảo nghị quyết trước đây của HĐBA kêu gọi ngừng bắn ở Gaza đã thất bại. Hai nghị quyết do Nga soạn thảo không nhận được đủ phiếu bầu, trong đó Mỹ nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu chống. Mặc dù nghị quyết do Brazil đề xuất nhận được 12 phiếu ủng hộ trong số 15 quốc gia thành viên nhưng Mỹ vẫn phủ quyết dự thảo này. Nga cùng Trung Quốc cũng đã phủ quyết một nghị quyết do Mỹ soạn thảo. Mặc dù 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an - Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ - có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, nhưng trường hợp này vẫn khá hiếm. Mỹ và Nga là hai quốc gia sử dụng quyền phủ quyết nhiều nhất trong thời gian qua.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.