Bức tranh đa chiều pha trộn giữa căng thẳng và hy vọng
Với sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11 vừa qua, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang đứng trước những bước ngoặt quan trọng, có thể định hình không chỉ cục diện khu vực và cả trật tự toàn cầu.
Mối quan hệ này được đánh giá sẽ là một bức tranh đa chiều, pha trộn giữa những căng thẳng và hy vọng. Dù đứng trước nhiều thách thức, nếu cả hai bên có thể duy trì đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và tập trung vào các lĩnh vực hợp tác chung, quan hệ này sẽ không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững mà còn đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định của thế giới.
Một trong những vấn đề nổi bật nhất dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump là các chính sách thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc. Với mong muốn bảo vệ nền công nghiệp trong nước, ông đã áp dụng các mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Khi trở lại, ông có thể sẽ tiếp tục chính sách này, đồng thời áp dụng những biện pháp mạnh hơn nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Ông từng tuyên bố sẽ tăng mức thuế nhập khẩu từ 10-20% trên mọi mặt hàng, thậm chí lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế cao sẽ đặt gánh nặng lên các doanh nghiệp Trung Quốc và tạo áp lực để họ chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Mỹ, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường lớn này. Việc áp thuế cao sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ song phương mà còn có tác động sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược xuất nhập khẩu của mình. Châu Âu, Nhật Bản, và các nước ASEAN có thể trở thành "điểm đỗ mới" cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm sự ổn định và đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, áp lực này cũng có thể làm gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều coi công nghệ là "mặt trận" chiến lược, nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump dự kiến sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này. Ông từng đưa Huawei vào danh sách đen, và rất có thể sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp hạn chế với các tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc như Tencent, ByteDance hay Alibaba. Điều này có thể bao gồm việc hạn chế xuất khẩu công nghệ quan trọng và ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ. Lý do của ông Donald Trump là bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng những động thái này không chỉ là biện pháp phòng ngừa mà còn là đòn chiến lược nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, viễn thông và công nghệ mạng.
Bên cạnh các biện pháp cấm vận, chính quyền Donald Trump 2.0 có thể sẽ khuyến khích các công ty công nghệ Mỹ như Google, Facebook, Amazon phát triển những giải pháp cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn Trung Quốc. Nếu hai nước không đạt được thỏa thuận nào về công nghệ, thế giới có thể chứng kiến một cuộc "chiến tranh lạnh" công nghệ, nơi hai hệ thống công nghệ tách biệt giữa phương Tây và Trung Quốc tồn tại song song, buộc các quốc gia khác phải chọn đứng về một phía. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế mà còn gây ra các rủi ro tiềm ẩn về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu trên phạm vi toàn cầu.
Dù chính quyền ông Donald Trump có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, một số vấn đề mang tính toàn cầu vẫn cần sự hợp tác song phương. Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nổi cộm, đòi hỏi sự phối hợp không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn với nhiều quốc gia khác. Trong nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump, Mỹ từng rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng nay ông có thể áp dụng một cách tiếp cận khác nếu hợp tác có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác để giảm lượng khí thải, chia sẻ công nghệ năng lượng sạch và đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Sự hợp tác trong lĩnh vực này có thể không chỉ giúp giảm bớt tình trạng biến đổi khí hậu mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm trong các ngành công nghiệp xanh và công nghệ môi trường.
Bên cạnh đó, ông Donald Trump đã nhiều lần hứa hẹn sẽ mang lại hòa bình cho các khu vực xung đột như Ukraine và Israel - Palestine. Điều này không dễ dàng nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, quốc gia có ảnh hưởng kinh tế lớn tại cả Nga và Israel. Với sức mạnh kinh tế và vai trò là đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc có thể đóng góp vào các tiến trình hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao hoặc kinh tế. Nếu ông Donald Trump thành công trong việc hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề xung đột, không chỉ giúp ông thực hiện các cam kết tranh cử mà còn tạo ra sự ổn định toàn cầu, từ đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Điều này cũng giúp tạo ra một mô hình mới về hợp tác đa phương, nơi các quốc gia lớn phối hợp để giải quyết các thách thức chung thay vì chỉ đối đầu.
Một trong những tín hiệu tích cực từ ông Donald Trump là thái độ cởi mở với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ sẵn sàng đón nhận các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc nếu họ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Thực tế, những khoản đầu tư này có thể tạo ra hàng nghìn công việc cho người lao động Mỹ, đồng thời giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các bang sản xuất của Mỹ.
Những doanh nghiệp như Fuyao Glass đã thành công trong việc xây dựng nhà máy tại Mỹ, tạo ra công việc và đóng góp cho kinh tế địa phương. Hơn nữa, việc thúc đẩy các dự án đầu tư của Trung Quốc có thể giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế sâu rộng hơn trong tương lai. Dù cạnh tranh vẫn tồn tại, nhưng nếu cả hai bên có thể tận dụng các cơ hội đầu tư và thương mại, quan hệ Mỹ - Trung sẽ không còn chỉ là mối quan hệ căng thẳng mà có thể chuyển hóa thành quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện quan hệ giữa hai nước là tăng cường giao lưu văn hóa và nhân dân. Trung Quốc có thể xem xét các chương trình miễn thị thực cho công dân Mỹ như một phần của chiến lược đối ngoại mềm mỏng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể đẩy mạnh các chương trình trao đổi thanh niên, học thuật, báo chí và văn hóa. Đề xuất mời 50.000 thanh niên Mỹ đến thăm Trung Quốc trong 5 năm tới là một bước đi đáng hoan nghênh, giúp tạo cơ hội cho các thế hệ trẻ của hai nước hiểu rõ về nhau hơn, giảm thiểu các thành kiến và hiểu lầm.
Việc mở rộng tiếp cận các nền tảng truyền thông Mỹ như Google, Facebook tại Trung Quốc cũng có thể góp phần giảm bớt căng thẳng và tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Ngược lại, nếu chính phủ Mỹ cũng đẩy mạnh các hoạt động trao đổi báo chí và mở cửa truyền thông, hai nước sẽ có nhiều cơ hội hơn để thấu hiểu lẫn nhau, qua đó góp phần vào việc xây dựng một môi trường hòa bình và ổn định.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump sẽ tiếp tục là sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác. Những mâu thuẫn về thương mại, công nghệ và an ninh sẽ không biến mất, nhưng các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, xung đột quốc tế và đầu tư kinh tế vẫn là cơ hội để hai quốc gia có thể hợp tác, mang lại lợi ích chung cho toàn cầu. Để giảm thiểu căng thẳng, hai nước cần duy trì đối thoại ở cấp cao và tôn trọng lẫn nhau. Những thỏa thuận như đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh San Francisco gần đây là ví dụ điển hình cho khả năng hợp tác. Chính sách cứng rắn của ông Donald Trump không nhất thiết phải là một rào cản cho hợp tác, mà có thể trở thành công cụ để thúc đẩy những thay đổi cần thiết nếu hai bên biết tận dụng các lợi thế của mình.