Bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ leo thang căng thẳng

Thứ Bảy, 20/08/2022, 10:05

Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi từ ngày 22/8-1/9. Với việc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận trong thời gian gần đây, chắc chắn Mỹ và Hàn Quốc sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Triều Tiên, đe dọa làm bùng phát căng thẳng khu vực. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng đã đưa ra phản hồi “khá gay gắt” đối với đề xuất của Hàn Quốc về việc lấy viện trợ kinh tế đổi lấy phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Liên quan đến cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông tin rằng, cuộc tập trận sẽ kết hợp các nội dung huấn luyện chỉ huy giả định trên máy tính, diễn tập thực địa với sự tham gia của tàu chiến, máy bay, xe tăng và hàng chục nghìn binh sỹ cũng như diễn tập phản ứng của người dân trong tình huống bất ngờ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Hong-sik cho biết: “Ý nghĩa lớn nhất của cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi là củng cố thế trận phòng thủ chung. Các cuộc tập trận diễn ra cả trên máy tính và thực địa sẽ góp phần củng cố liên minh Hàn-Mỹ”. Cuộc tập trận này diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng từ ngày 16-20/8.

Trong cuộc diễn tập này, quân đội hai nước giả định xảy ra tình huống khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và tiến hành các bước quản lý để khủng hoảng không leo thang thành chiến tranh.

Nếu cuộc tập trận quy mô Người bảo vệ tự do Ulchi diễn ra, dư luận lo ngại khả năng Triều Tiên cũng có hành động đáp trả, đẩy bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng căng thẳng.

Bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ leo thang căng thẳng  -0
Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald

Tại cuộc họp báo ngày 18/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, việc Mỹ mở rộng các cuộc tập trận quân sự với đồng minh châu Á có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng với Triều Tiên.

“Triều Tiên đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc. Duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là lợi ích của tất cả các bên. Tác động tiêu cực của cuộc tập trận đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên rất đáng lưu ý. Tất cả các bên nên hành động thận trọng và dừng bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng, đối đầu và gây xói mòn lòng tin lẫn nhau”, ông Uông Văn Bân nhấn mạnh. Trong khi đó, trả lời hãng tin AP hồi tuần trước, ông Choe Jin, Phó Giám đốc một tổ chức tư vấn do Bộ Ngoại giao Triều Tiên điều hành nói rằng, Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức an ninh “chưa từng có” nếu hai nước không giảm áp lực quân sự thù địch và chiến dịch chống lại Triều Tiên, bao gồm cả các cuộc tập trận chung.

Bình Nhưỡng cũng đã đưa ra phản hồi “khá gay gắt” đối với đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về việc sẵn sàng cung cấp viện trợ kinh tế, để đổi lấy giải trừ hạt nhân. Đề xuất “táo bạo”, lấy viện trợ kinh tế đổi lấy phi hạt nhân hóa Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc, được lên ý tưởng ngay khi nhậm chức và vừa được nhắc lại nhân dịp đánh dấu 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Theo đề xuất này, Hàn Quốc sẽ viện trợ kinh tế cho Triều Tiên theo từng giai đoạn, nếu Bình Nhưỡng chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân và bắt đầu phi hạt nhân hóa. Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh, bất kỳ những cuộc đối thoại liên Triều nào cần là các cuộc đàm phán thực chất, thay vì “biểu diễn”: “Bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, hoặc các cuộc đàm phán giữa các quan chức hai nước không nên là một màn biểu diễn chính trị mà phải góp phần thiết lập hòa bình thực chất trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á.

Đảm bảo an ninh cho Chính phủ Triều Tiên không phải là điều mà chính phủ của chúng tôi có thể cung cấp nhưng chính phủ của chúng tôi và tôi không muốn có sự thay đổi bắt buộc nào đối với hiện trạng hiện nay. Điều quan trọng nhất là thiết lập hòa bình bền vững”.

Tuy nhiên, đề xuất của Hàn Quốc không được phía Triều Tiên đón nhận đúng như dự báo của giới phân tích. Sáng 19/8, bà Kim Yo-jong, quan chức cấp cao Triều Tiên, đồng thời là em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong[1]un cho biết, nước này sẽ không thỏa hiệp với sáng kiến “táo bạo” về chương trình hạt nhân Triều Tiên từ phía Hàn Quốc. Bà Kim Yo-jong cho rằng, một kế hoạch như vậy là chưa thực tế, thiếu hiểu biết và “còn lâu” mới thành hiện thực. Bà cũng nhấn mạnh, chiến lược hạt nhân là cốt lõi của Triều Tiên; đồng thời đặt ra nghi vấn về hành động tiếp theo của Hàn Quốc nếu kế hoạch táo bạo của Hàn Quốc “không thành công”. Bà cho rằng, việc tuyên bố muốn tổ chức các cuộc đối thoại bên cạnh việc đẩy mạnh tăng cường khả năng răn đe với Triều Tiên của Hàn Quốc là sự thiếu chân thành.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, đề xuất “táo bạo” mà Tổng thống Hàn Quốc đưa ra “không có quá nhiều khác biệt” so với các đề xuất của các lãnh đạo nước này trước đó. Thậm chí nó còn rất giống với những vấn đề được nêu ra tại các cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều, liên Triều gần đây nhất, song đã thất bại. Điều đó là lý do họ cho rằng Triều Tiên “khó chấp nhận đề xuất này”.

Về phía Mỹ, trong phản ứng trước đề xuất của Hàn Quốc với Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Ned Price cho rằng, Washington nhận thấy sự cần thiết của việc thực hiện “các bước tăng dần” với Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Ông cũng nhấn mạnh có những biện pháp thiết thực có thể thực hiện để thúc đẩy mục tiêu chung về Triều Tiên, trong đó Hàn Quốc – Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác trong vấn đề này.

Kể từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên vào năm 2019 không đạt kết quả, tình hình bán đảo Triều Tiên dần nóng trở lại. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước này sẽ tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân khi đối mặt với sức ép của Mỹ cũng như tạm dừng mọi hợp tác với Hàn Quốc. Triều Tiên cũng tăng tốc thử nghiệm vũ khí khi đã phóng hơn 30 tên lửa trong 18 vụ phóng từ đầu năm nay, trong đó bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ông Kim Jong-un cảnh báo, Triều Tiên sẽ chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân của mình trong các cuộc xung đột với Hàn Quốc và Mỹ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.