Xử vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri: 5 bị can và 500 nhân chứng

Thứ Sáu, 17/01/2014, 09:25
Ngày 16/1, tức 9 năm sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri, phiên tòa xét xử những kẻ tham gia vụ án mới được mở tại The Hague (Hà Lan). Tuy nhiên cả 5 bị can trong vụ ám sát đều vắng mặt. Trong khi đó, thủ lĩnh phong trào Hezbollah vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến cái chết của ông Rafik Hariri và tố cáo Israel- Mỹ dựng lên cuộc điều tra này.
>> Cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri bị đánh bom bởi 2 tấn thuốc nổ

Tin từ hãng BBC cho hay, tháng 8 /2011, tòa án đặc biệt về Lebanon của Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố báo cáo điều tra về vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri hồi tháng 2/2005 và cho biết đã có đủ bằng chứng để mở phiên tòa xét xử 4 người có liên quan đến vụ án. Cả 4 người này trước đó đã bị tòa án này phát lệnh truy nã. Tuy nhiên, sau đó, phiên tòa xét xử đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần cho đến ngày 16/1. Nguyên do là vì trong khi chuẩn bị đưa ra xét xử, cơ quan điều tra lại phát hiện thêm 1 can phạm nữa là Hassan Habib Merhi (48 tuổi).

Cả 5 bị can này đều là thành viên của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah do Syria hậu thuẫn. Hiện cả 5 người nói trên đều chưa bị bắt nhưng phiên tòa vẫn tiếp tục thực hiện các bước cần thiết đề xét xử họ vắng mặt. Đồng thời, tòa cũng đã triệu tập 500 nhân chứng và cho phép công khai hàng loạt tài liệu, trong đó có các băng ghi âm, ghi hình vụ đánh bom xe hơi hồi tháng 2 /2005 cướp đi sinh mạng của cựu Thủ tướng Rafik Hariri và 22 người khác. 

Tòa án đặc biệt về Lebanon của LHQ được thành lập cách đây 4 năm sau khi các công tố viên Lebanon đề xuất lên LHQ việc điều tra và xử lý vụ án. Mặc dù vậy, trong những năm qua, việc điều tra và đưa ra xét xử các bị can liên quan đến vụ ám sát luôn gặp nhiều trở ngại. Mỗi khi đề cập tới cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri, chính trường Lebanon luôn rơi vào bế tắc.

Hiện trường vụ đánh bom xe làm cựu Thủ tướng Rafik Hariri cùng 22 người khác thiệt mạng hồi tháng 2 năm 2005.

Các cuộc đối thoại dân tộc giữa chính phủ và phong trào Hồi giáo Hezbollah dù được xúc tiến liên tục nhưng cũng không đạt được kết quả gì. Chỉ đến khi con trai ông Rafik Hariri là Saad al-Hariri lên làm Thủ tướng, cuộc điều tra mới được đẩy mạnh và đây cũng là thời kỳ căng thẳng nhất ở Lebanon bởi Hezbollah đã công khai đe dọa trừng trị bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tìm cách bắt người của họ và kêu gọi giới chức Lebanon không hợp tác với ủy ban điều tra của LHQ trong cuộc điều tra vụ ám sát ông Rafik Hariri.

Công tố viên Norman Farrell cho biết, vụ nổ bom xe nhằm ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri đã làm chấn động Lebanon và tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Nó cũng ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ đầy phức tạp ở Lebanon. Đặc biệt, các bị can bị truy tố lần này (ngoại trừ nhân vật thứ 5 Hassan Habib Merhi) đều là những nhân vật có vị trí cấp cao trong phong trào Hồi giáo Hezbollah nên việc điều tra càng khó khăn hơn.

Đó là Mustafa Badreddine, Phó Tư lệnh của phong trào Hồi giáo Hezbollah, từng bị nghi tham gia vụ đánh bom ở căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Beirut năm 1983; Salim Ayyash, thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah, thường được biết đến với tên gọi Aka Abu Salim; Hussein Oneissi và Assad Sabra. Theo công tố viên Norman Farrell, tất cả những người này đều bị cáo buộc phạm tội giết người và tội khủng bố. Riêng bị can thứ 5 thì sẽ xét xử vào ngày cuối của phiên tòa.

Cho đến nay, Hezbollah vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Thủ lĩnh Hezbollah đồng thời còn khẳng định, những cáo buộc nhằm vào 5 thành viên của tổ chức này chỉ nhằm làm mất uy tín của họ và đây là kịch bản do Israel –Mỹ dựng lên nhằm phục vụ ý đồ thâu tóm quyền lực ở khu vực Trung Đông

Phan Hiển
.
.
.