WEF: Tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công
Vì hội nghị WEF diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, trong khi nhiều nước phát triển bị suy giảm, bất ổn xã hội gia tăng… nên dư luận đặt khá nhiều hy vọng vào kết quả của hội nghị lần này.
Dư luận quan tâm tới phát biểu trước thềm hội nghị WEF lần thứ 42 của ông Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Davos khi ông đưa ra câu hỏi "liệu chủ nghĩa tư bản còn phù hợp với thế giới ngày nay".
Theo ông Klaus Schwab, không rút ra được những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, chủ nghĩa tư bản không còn phù hợp trong trạng thái hiện nay, đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề và nguy cơ mà thế giới đang phải đối mặt, thậm chí có thể dẫn thế giới rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế, xã hội rối loạn cùng với các chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc.
Do đó, ông Klaus Schwab đã kêu gọi cải cách mô hình cũ để theo kịp với sự chuyển đổi của thế giới đang diễn ra. Giới chuyên môn cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ ngày một gia tăng ở một quy mô chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Giới chuyên môn cũng quan tâm tới lời kêu gọi của Giám đốc điều hành WEF Robert Greenhill - các tập đoàn lớn trên thế giới cần thực thi một trách nhiệm xã hội lớn hơn - doanh nghiệp không phải là một phần của vấn đề, mà là một phần then chốt của giải pháp và các tập đoàn có thể sử dụng sự tinh thông của họ để cải thiện sự phát triển bền vững.
Được biết, chủ đề năm nay của WEF lần thứ 42 là "Sự chuyển đổi lớn: Định hình những mô hình mới" và diễn ra từ 25 đến 29-1, hội nghị thường niên WEF lần thứ 42 đã và đang tập trung thảo luận về các mô hình tăng trưởng, việc làm và các mô hình xã hội, công nghệ... Chủ đề của WEF lần thứ 41 là "Các tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới".
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Dự kiến, 250 phiên thảo luận tại WEF lần thứ 42 có thể giải tỏa những ưu phiền và âu lo của dư luận xung quanh các chủ đề như mô hình tăng trưởng và việc làm, mô hình đổi mới và lãnh đạo, mô hình tài nguyên mang tính lâu dài cũng như mô hình xã hội và công nghệ. Nhiều người cho rằng, nợ công là nội dung quan trọng tại WEF lần này. Sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng 2.600 lãnh đạo các tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn, đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các nhà chính trị và hoạt động xã hội từ hơn 100 nước trên thế giới là minh chứng cho nhận định kể trên.
Được biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, EU cần tiến hành những cải cách về mặt cấu trúc để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại. Sự hiện diện của tân Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali khiến dư luận cho rằng, "Mùa xuân Arab" cũng là một trong những chủ đề được thảo luận tại WEF lần thứ 42.
Bên ngoài phòng họp WEF lần thứ 42. |
Nói tới WEF lần thứ 42 không thể bỏ qua những tuyên bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi tổ chức này vừa hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 chỉ còn 3,3% thay vì 4% như dự kiến trước đây.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng cảnh báo, kinh tế toàn cầu có thể bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng giống như thập niên 1930 nếu không có hành động tại khu vực đồng euro. IMF cho rằng, thách thức cấp bách nhất của châu âu hiện nay là tái khôi phục niềm tin và giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro.
Nhiều nhà kinh tế khuyến cáo, mặc dù lãnh đạo nhiều quốc gia cũng như giới doanh nhân trên thế giới đã và đang cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế đang diễn ra ngày một trầm trọng trên thế giới, nhưng họ vẫn chưa tạo được bước đột phá nào trong vấn đề này, do đó WEF lần thứ 42 có khả năng sẽ giống như WEF lần thứ 41 - khó tạo được bước đột phá trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bởi nhiều trở ngại đang ngăn cản thế giới vượt qua những rào cản hiện hữu