Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ dự định đưa quân vào phía bắc Iraq?

Chủ Nhật, 14/10/2007, 15:56
Bất chấp những lời cảnh báo của Washington, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa đề nghị Quốc hội phê chuẩn một chiến dịch quân sự chống lại các tay súng người Kurd ở phía ngoài đường biên quốc gia. Cho tới thời điểm này, đã có tổng cộng khoảng 200.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở sát khu vực biên giới với Iraq...

Hôm 9/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ và cả Nhà Trắng đã phải chính thức lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên đưa quân vào phía bắc Iraq.

“Tôi không nghĩ rằng, việc đơn phương đưa quân vào nước láng giềng Iraq sẽ có thể làm giảm bớt sự căng thẳng để giải quyết được vấn đề - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack đã phát biểu như vậy - Nếu như họ (tức Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq) có nảy sinh các vấn đề, cả hai cần phải bàn bạc với nhau để cùng giải quyết”.

Phía đại diện Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng cho biết, Mỹ đang khẩn trương bàn bạc với cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ về các giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề về các tay súng ly khai của đảng Công nhân Kurdistan (PKK).

Bất chấp những lời kêu gọi từ phía đồng minh, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang coi việc đưa quân vào Iraq là giải pháp tốt nhất để tiêu diệt PKK, hiện đang sử dụng lãnh thổ của quốc gia láng giềng Iraq làm hậu phương của mình. Ankara đã đưa ra quyết định này, sau một loạt đợt tấn công của những tay súng ly khai người Kurd vào cuối tuần qua làm 15 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng.

Những thiệt hại này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong công luận Thổ Nhĩ Kỳ, đa phần đều kêu gọi chính phủ không những có biện pháp trừng trị đích đáng những tên ly khai cực đoan mà còn phải thanh toán tận gốc vấn đề PKK, một nhiệm vụ mà giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chỉ có thể giải quyết triệt để nếu tiêu diệt được các căn cứ của quân ly khai người Kurd tại phía bắc Iraq.

Đáng chú ý là việc gia tăng những hành động tấn công khiêu khích từ phía PKK diễn ra trùng hợp với một loạt những tranh luận mới đây liên quan đến ý tưởng biến Iraq thành một nhà nước liên bang, trong đó các chính quyền địa phương sẽ có quyền lực rộng rãi hơn.

Một nghị quyết về khả năng thực thi kịch bản này cũng mới được Thượng viện Mỹ thông qua và nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Iraq Jalal Talabani. Chính vì vậy mà nhiều nhà quan sát tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Ankara đang nỗ lực thanh toán triệt để vấn đề PKK, trước nguy cơ cộng đồng người Kurd tại Iraq có khả năng tách rời hoàn toàn khỏi sự quản lý của Baghdad. 

Tại Ankara hôm 9/10 vừa qua đã diễn ra cuộc họp khẩn với sự tham gia của Tổng thống Abdullah Gul, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, Bộ trưởng Quốc phòng Vecdi Gonul và Tham mưu trưởng Quân đội, tướng Yazar Bukanit. “Cuộc họp thượng đỉnh chống khủng bố”, theo như báo chí địa phương mệnh danh, đã kết thúc với một tuyên bố trong đó nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh chống khủng bố sẽ được tiếp tục với quan điểm kiên quyết nhất”.

Chỉ một ngày sau, chính phủ đã đưa ra đề nghị Quốc hội phê chuẩn về một chiến dịch quân sự quy mô tại phía bắc Iraq, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có toàn quyền hành động để tiêu diệt PKK.  

Không cần chờ đợi những quyết định mang tính thủ tục, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng. Để tránh nguy cơ rò rỉ thông tin, các khu vực giáp ranh với Iraq đã được tuyên bố là vùng cấm.

Dù các phóng viên không được phép vào đây, nhưng tờ báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đã khai thác được những thông tin cho biết, các đơn vị xe tăng lớn của quân đội đã được tập trung tại khu vực thành phố Silopi (tỉnh Sirnak) nằm sát biên giới Iraq.

Theo đó, những chiếc xe tăng này sẽ đảm trách việc hỗ trợ tấn công của một lực lượng đông đảo tới 200 ngàn quân. Pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ theo kế hoạch sẽ tổ chức bắn phá một loạt các trại của PKK tại khu vực Kanimas, Nazdur và Sinat ở miền Bắc Iraq.

Theo khẳng định của Hurriyet dựa trên nguồn tin trong Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề đưa quân vào Iraq đã được quyết định. Tuy nhiên, chiến dịch sẽ không thể bắt đầu trước tuần sau, tức là thời điểm ngày lễ Id al Fitr được tổ chức để chấm dứt tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.

Theo đánh giá của chuyên gia, các đơn vị vũ trang của PKK tại miền Bắc Iraq chỉ có khoảng từ 4.000 đến 4.500 tay súng. Tuy nhiên, bất chấp ưu thế vượt trội về quân số và các phương tiện chiến tranh, chiến dịch này không thể coi là “cuộc dạo chơi dễ dàng” đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tay súng ly khai người Kurd có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở khu vực đồi núi, nơi mà ưu thế về quân số lại không được coi là có ý nghĩa quá lớn. Đó là chưa kể tới khả năng các đơn vị vũ trang người Kurd tại Iraq cũng tham chiến.

Chính phủ địa phương tại miền Bắc Iraq - hình thành từ liên minh của hai thế lực hàng đầu trong khu vực là đảng Dân chủ của Masud Barzani và Liên minh yêu nước của Jalal Talabani đã cảnh báo Ankara trước khả năng xâm nhập này.

Các tay súng người Kurd tại Iraq cũng đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong cuộc chiến du kích chống lại chính quyền Saddam Hussein trước đây. Ngoài ra, sau khi chế độ Saddam sụp đổ, họ còn nhận được sự giúp đỡ và đào tạo trực tiếp của các chuyên gia quân sự Mỹ và Israel.

Những thông tin ban đầu cho biết, pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một vài đợt bắn phá đầu tiên nhằm vào các trại lính của PKK tại miền Bắc Iraq.

Sự kiện ban đầu này đã gây ra căng thẳng thực sự giữa quốc gia này với Washington. Ankara thậm chí đã cảnh báo, quan hệ giữa hai bên rất có thể sẽ xấu đi nhanh chóng nếu phía Mỹ lên án cuộc tấn công này

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.
.