Ukraine khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc

Thứ Bảy, 03/05/2014, 08:31
Không yên tâm với việc đặt 100% quân số trong lực lượng quân đội và cảnh sát ở mức trực chiến, báo động, ngày 2/5, chính phủ tạm quyền ở Ukraine tiếp tục khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và thực hiện thêm nhiều biện pháp nhằm chống lại Nga và những người chống đối.
>> Ukraina: Giao tranh dữ dội tại thị trấn Slavyansk

Chiến dịch ở Slaviansk

Theo tin từ hãng Reuters, từ sáng 2/5, các lực lượng quân đội và cảnh sát của Ukraine đã tiến hành “một chiến dịch quy mô lớn” nhằm tái chiếm thị trấn Slaviansk, nơi đang bị lực lượng chống đối chiếm đóng. Các cuộc đọ súng đã xảy ra ngay từ lúc bắt đầu chiến dịch.

Vyacheslav Ponomarev, người vừa được lực lượng chống đối bầu làm Thị trưởng Slaviansk cho biết, chỉ trong vòng 2 tiếng của buổi sáng, lực lượng chống đối đã bắn rơi 2 trực thăng của quân đội chính phủ, bắt sống một phi công và bắn chết một phi công khác. Ngay lập tức, “chiến dịch quy mô lớn” của quân đội Ukraine đã bị chậm lại và tính đến 16h ngày 2/5, vẫn chưa có một binh sĩ nào của Ukraine tiến được vào khu vực thị trấn Slaviansk. Quân đội của Chính phủ Ukraine chỉ dám dựng doanh trại ở bên ngoài và đấu súng với lực lượng chống đối ở một loạt địa điểm thuộc ngoại vi thị trấn bởi trước đó, lính nhảy dù đã bị tiêu diệt rất nhiều khi mới chạm chân xuống đất Slaviansk.

Còn tin từ hãng AP thì cho hay, các xe quân sự, xe bọc thép của Ukraine nối hàng dài từ Slaviansk tới Kramatorsk. Nhiều cột khói dày đặc bốc lên trên thị trấn trong khi nhiều máy bay trực thăng quần thảo trên bầu trời. Hãng AP cũng khẳng định, quân đội Chính phủ Ukraine không thể tiến sâu vào thị trấn bởi lực lượng chống đối đã chiếm đóng toàn bộ trụ sở các cơ quan chính quyền địa phương, từ hội đồng nhân dân thị trấn tới đồn cảnh sát, các văn phòng thương mại… Riêng về số phận của 7 quan sát viên quân sự châu Âu đến từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OSCE), vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía chính quyền Kiev cũng như đại diện của lực lượng chống đối.

Trong những ngày qua, lực lượng chống đối đã có nhiều cuộc đụng độ với quân đội Ukraine.

Tại các tỉnh, thành khác ở khu vực Đông Nam Ukraine, tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng. Hôm 1/5, khoảng 200 người biểu tình đòi liên bang hóa Ukraine đã chiếm giữ trụ sở cảnh sát thành phố Krasnoarmeisk thuộc tỉnh Donesk. Một nhóm phần tử  thuộc tổ chức Cánh hữu đã phá hủy một căn cứ của người biểu tình ở lối vào thành phố và bắt đi 11 người.

Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra bởi các cuộc đụng độ diễn ra giữa 3 lực lượng khác nhau và mang tính chất bạo lực cao. Vì lo sợ những tình huống xấu hơn nữa có thể xảy ra mà đến chiều 1/5, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov đã ký sắc lệnh "Về các biện pháp tăng cường khả năng quốc phòng của quốc gia" trong đó có việc khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự do tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Nam. Với sắc lệnh này, tất cả công dân độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi đều phải đi nghĩa vụ quân sự. Bên cạnh đó, Hội đồng quốc phòng và an ninh sẽ thực hiện đạo luật về an ninh thông tin, cấm một số kênh truyền hình nước ngoài cũng như trao cho cơ quan an ninh và cơ quan biên giới Ukarine có quyền kiểm soát các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Ukraine…

Tuyên bố của NATO

Đương nhiên là trước những biện pháp mạnh tay của chính quyền Kiev, Nga cũng đã có phản ứng tức thì. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, bất cứ nỗ lực nào của Kiev nhằm tăng cường hoạt động quân sự “chống lại người dân nước mình” ở phía Đông Nam đều có thể gây ra các “thảm họa”. Trong thông báo được đưa ra hôm 1/5, Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định, đề xuất của Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine là một sự nhục nhã và sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel còn cảnh báo sẽ xem xét lại khoản viện trợ 17 tỷ USD vừa công bố nếu Ukraine mất quyền kiểm soát về mặt kinh tế ở miền Đông và rằng cách tốt nhất cho Kiev bây giờ là rút quân, chấm dứt bạo lực, tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia.

Trong một diễn biến khác, khi các vấn đề liên quan đến Ukraine đang trở thành tâm điểm gây nhiều tranh cãi giữa Mỹ, EU, Ukraine và Nga thì những tuyên bố mới nhất của Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow càng khiến tình hình trở nên căng thẳng. Nhiều nhà phân tích nhận định, lời nhận xét của ông Vershbow về việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và cho rằng NATO bắt đầu coi Nga là một kẻ thù hơn là một đối tác chẳng khác nào “đổ dầu vào lửa”. Những tuyên bố kiểu này chẳng giúp ích được gì cho vấn đề Ukraine mà ngược lại, nó có thể lại châm ngòi cho một “cuộc chiến khác” bởi lẽ vào hồi tháng 4, đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko từng khuyến cáo rằng, một số "nhân vật cấp cao" trong NATO đang muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Trước đó, chính quyền Moskva cũng đã bày tỏ nhiều lo ngại về những hành động gia tăng sự hiện diện quân sự gần đây của NATO sát biên giới Nga, như việc NATO tăng gấp đôi các máy bay trinh sát AWACS tại các nước vùng Baltic, tăng cường hoạt động của lực lượng không quân tại căn cứ Laska (Ba Lan), hỗ trợ chính quyền lâm thời Kiev...

Phan Hiển
.
.
.