Đằng sau động thái hạ giá đồng nhân dân tệ

Thứ Năm, 27/08/2015, 09:57
Theo các chuyên gia, hỗ trợ xuất khẩu không còn là mục đích lớn nhất khi Bắc Kinh hạ giá đồng NDT, thay vào đó, để đồng tiền này trôi về mức giá trị thật của nó là một trong các nỗ lực nhằm quốc tế hóa đồng tiền này.

Từ ngày 26/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bắt đầu hạ 0,25 điểm cơ bản lãi suất chuẩn tiền gửi (còn 4,6%) và lãi suất cho vay bằng đồng nhân dân tệ (NDT) (còn 1,75%). Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ năm kể từ tháng 11/2014, và được cho là nỗ lực cầm cương thị trường chứng khoán nước này sau hai ngày trượt dốc ác liệt vừa qua.

Bên cạnh đó, từ ngày 6/9 tới, PBoC cũng sẽ hạ 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng NDT đối với các tổ chức tài chính. Theo các chuyên gia tài chính, hỗ trợ xuất khẩu không còn là mục đích lớn nhất khi Bắc Kinh hạ giá đồng NDT. Thay vào đó, để đồng tiền này trôi về mức giá trị thật của nó là một trong các nỗ lực nhằm quốc tế hóa đồng tiền này.

Vì sao PBoC điều chỉnh chính sách?

Trong một tuyên bố, PBoC cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm, tốc độ tăng trưởng vẫn còn chịu nhiều áp lực, và sự bấp bênh của thị trường tài chính toàn cầu, Trung Quốc phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là ổn định tăng trưởng, cũng như sự cần thiết phải áp dụng các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Theo đó, những động thái này là một phần để “hỗ trợ nền kinh tế thực tiếp tục phát triển mạnh”. 

Theo giải thích của Cục trưởng Cục Nghiên cứu PBoC Lục Lỗi, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước cũng như tình trạng thanh khoản của thị trường tài chính Trung Quốc là nhân tố chủ yếu quyết định việc điều chỉnh chính sách của PBoC. Sự trầm lắng của kinh tế thế giới đã thúc đẩy Trung Quốc phải lấy mở rộng nội nhu làm phương hướng chính. Từ quý II/2015 đến nay, kinh tế thực thể của Trung Quốc có dấu hiệu tăng ổn định nhưng cơ sở vẫn chưa vững chắc. 

Thị trường chứng khoán đồng loạt nhuộm “sắc đỏ” vì PBoC.

Theo công bố của Tập đoàn truyền thông tin tức tài chính Trung Quốc, mức tăng của giá trị gia tăng công nghiệp trong tháng 7 giảm, chỉ số nhà quản lý thu mua (PMI) tháng 8 giảm... cho thấy áp lực đi xuống nhất định. 

Ông Triệu Tích Quân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chứng khoán và tài chính, Đại học Nhân dân Trung Quốc, thì chỉ ra rằng, ý đồ hạ lãi suất và hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc lần này của PBoC là tăng lòng tin của nhà đầu tư và giảm giá thành vay vốn của doanh nghiệp, từ đó tăng mức lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Theo ông Triệu, cho dù động thái “hai hạ” này sẽ không dẫn đến vốn trực tiếp đổ vào thị trường chứng khoán song chính sách kích thích này của PBoC sẽ có lợi cho việc tăng cường lòng tin của nhà đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đồng thời làm cho nhiều doanh nghiệp cần vốn giảm được giá thành, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. 

Đồng quan điểm, nhà kinh tế của Ngân hàng ANZ tại Hong Kông (Trung Quốc) Lưu Lý Cương cho biết: “Mặc dù điều này có thể mang lại một số yếu tố thuận lợi cho thị trường chứng khoán, động thái này mang lại một cú hích lớn hơn cho nền kinh tế thực và chính phủ có thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 7%”. 

Bên cạnh những lời giải thích trên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực vận động để NDT chính thức bổ sung vào giỏ tiền tệ của IMF, đưa đồng tiền này trở thành một đồng tiền dự trữ của thế giới. Điều này sẽ mang lại lợi ích quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, khi tăng nhu cầu mua vào đồng NDT của các ngân hàng trung ương thế giới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD và qua đó giúp nâng cao giá trị và vị thế của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.

Biện pháp “chữa cháy” và chiến dịch “tìm người đổ lỗi”

Quan điểm u ám của giới đầu tư cho rằng, toàn bộ động thái của PBoC vừa qua là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm kích thích tăng trưởng thông qua hỗ trợ các nhà xuất khẩu, đối tượng được hưởng lợi từ đồng NDT giá rẻ. Một số khác thì tin rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng hơn nhiều so với những gì họ thể hiện ra bên ngoài. 

Nền kinh tế Trung Quốc đang ngập sâu trong khó khăn nhiều so với những gì thể hiện qua con số tăng trưởng GDP 7%. Nếu không tính đến tác động từ đợt tăng điểm của thị trường chứng khoán và tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm, mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt xấp xỉ 5%. 

Điều đáng ngại hơn là có những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ưu tiên các biện pháp “chữa cháy” trước mắt, hơn là những cải cách khó khăn và mang tính dài hơi vốn cần thiết để tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thay thế cho những “đầu máy” tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu và đầu tư. 

Ông David Dollar, một chuyên gia cấp cao thuộc Viện Brookings, lo ngại rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nghiêng về các biện pháp kích thích truyền thống. “Nếu họ không thúc đẩy cải cách, thì họ sẽ phải quay trở lại với các biện pháp truyền thống”, ông Dollar nói.

Bên cạnh đó, kể từ khi cổ phiếu trên thị trường đại lục bắt đầu bị bán tháo hồi tháng 6, các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra những cáo buộc nói hành vi thao túng thị trường và các lực lượng nước ngoài đẩy chứng khoán nước này lao dốc. Cùng với đó, Bắc Kinh cũng tung ra một chương trình cứu thị trường chứng khoán chưa từng có tiền lệ. Đến nay, chương trình hỗ trợ thị trường nói trên đã bị dừng. Tuy vậy, Trung Quốc lại bắt đầu một “chiến dịch” đổ lỗi mới, tìm người “giơ đầu chịu báng” cho sự sụt giảm của thị trường.

Giáo sư kinh tế Hu Xingdou tới từ Học viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định: “Nhà chức trách đã can thiệp quá nhiều vào thị trường chứng khoán và giờ thì họ đang đẩy trách nhiệm cho người khác. Thực ra, họ phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng thị trường này. Chính quyền đang tìm cách vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.