Trung Quốc chưa giải quyết được vấn nạn sản xuất và buôn bán thuốc giả

Thứ Ba, 14/08/2012, 09:42
Dư luận Trung Quốc thực sự lo lắng trước vấn nạn sản xuất và buôn bán thuốc giả sau khi cơ quan chức năng công bố những thông tin hữu quan. Điều đáng nói là mặc dù đã được cảnh báo, mạnh tay xử lý nhưng do lợi nhuận mà vấn nạn kể trên vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp thoả đáng và cơ quan chức năng tiếp tục phải “chạy theo giải quyết”.
>> Trung Quốc: Kinh hoàng dầu ăn và thuốc chữa bệnh “bẩn”

Cách đây gần 10 ngày (5/8), Bộ Công an Trung Quốc cho biết, đã bắt gần 2.000 nghi can tại các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Hà Nam... trong chiến dịch chống thuốc giả trên phạm vi toàn quốc. Để bắt số nghi can thuộc 24 tổ chức tội phạm lớn kể trên, ngày 25/7, khoảng 18.000 cảnh sát tại 31 thành phố đã được huy động và họ thu được 205 triệu vỉ thuốc với tổng giá trị khoảng 182 triệu USD, phá bỏ 1.100 cơ sở sản xuất phi pháp.

Bộ Công an cũng thông báo, vấn nạn thuốc giả vẫn chưa thể diệt tận gốc bởi bọn tội phạm không ngừng tăng cường ngụy trang và các trò lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Do đó, người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc tại các hiệu thuốc có tên tuổi, các bệnh viện và không tin vào những quảng cáo trên mạng. Trong số những loại thuốc giả bị thu giữ có thuốc chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp… và bệnh nhân dùng phải các loại thuốc giả kể trên có nguy cơ bị suy gan, suy thận, trụy tim.

Được biết, 24 tổ chức tội phạm kể trên đã sản xuất và buôn bán một lượng thuốc giả khổng lồ, không những tiêu thụ tại Trung Quốc, mà còn bán ra nhiều quốc gia trên thế giới. Theo lời khai của nhiều nghi can, một số cơ sở sản xuất thuốc giả sử dụng máy để bào chế thuốc từ máy chế biến mì ăn liền và máy gia công thức ăn gia súc.

Khoản lợi nhuận thu được từ lĩnh vực sản xuất và buôn bán thuốc giả tại Trung Quốc lớn tới mức nhiều nông dân sẵn sàng “liều mình như chẳng có”. Theo lời khai của nghi phạm Trần Quán Anh, một trong những người bị bắt kể trên, sản phẩm của họ đã được bán tới nhiều quốc gia châu Phi, Trung Đông, châu Âu và lợi nhuận thu được từ thuốc giả lên tới hàng trăm lần. Ví dụ, thuốc kích dục giả chỉ có giá khoảng 0,7 NDT/một vỉ 4 viên Viagra hoặc Cialis, cộng thêm 0,18 NDT tiền nhãn mác và bao bì, nhưng khi tới tay người tiêu dùng mỗi vỉ thuốc kể trên có giá 90-100 NDT/vỉ.

Công nhân đổ Viagra và các loại thuốc giả khác vào container chuẩn bị đi tiêu hủy tại một nhà máy ở Thượng Hải.

Lợi nhuận thu được từ buôn bán thuốc giả đã giúp nhiều người mua được nhà lầu, xe hơi. Điều nguy hiểm nhất của thuốc giả chính là các loại chất độc gây hại như metformin HCl (metformin hydrochloride), glibenclamide - phải cho những hóa chất này vào thuốc giả thì chúng mới đem lại cảm giác giống với thuốc thật. Nhưng sau khi sử dụng, người tiêu dùng sẽ lãnh đủ hậu quả.

Gần 4 tháng trước (chiều 20/4), Bộ Công an từng kiểm tra xử lý 7 xí nghiệp liên quan tới việc sản xuất và bán vỏ thuốc con nhộng làm từ rác thải ở huyện Tân Xương, tỉnh Chiết Giang. Tối 15/4, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia (SFDA) đã phát thông báo khẩn yêu cầu đình chỉ bán và tiêu thụ những loại thuốc nghi là độc hại và không đảm bảo chất lượng. Trung tuần tháng 4, giới truyền thông Trung Quốc đã tập trung đưa tin về vụ sản xuất và bán vỏ thuốc con nhộng làm từ rác thải được làm từ những mẩu da vụn hoặc giày da cũ rách, có chứa hàm lượng crôm độc hại cao.

Dư luận vô cùng phẫn nộ về việc làm vô lương tâm của Công ty protein Học Dương do Giám đốc Tống Huấn Kiệt làm chủ bởi đã sử dụng vỏ thuốc con nhộng được sản xuất từ collagen công nghiệp bằng cách nấu chảy những rác thải từ ngành công nghiệp giày da. Khi đem một số mẫu collagen và vỏ thuốc con nhộng này đi kiểm tra, người ta phát hiện thấy hàm lượng crôm cao gấp 30-50 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nếu bị một lượng crôm có độc tính cao chui qua màng tế bào có thể làm tổn thương cấu trúc ADN, suy gan, suy thận và gây ung thư.

Được biết, loại vỏ thuốc con nhộng làm từ rác thải có giá thành rẻ hơn 60-70 lần so với vỏ thuốc con nhộng thông thường. Cuối năm 2011, cảnh sát Trung Quốc đã phá mạng lưới cung cấp thuốc giả trị giá 46 triệu NDT, đồng thời bắt, thẩm vấn 39 nghi phạm và niêm phong 69 cửa hàng bán thuốc giả, 20 nhà kho, một dây chuyền sản xuất và một cơ sở đóng gói.

Vỉ Viagra giả giống hệt như thật, với tem chống hàng giả.

Giới chuyên môn cho biết, phần lớn thuốc giả được làm từ tinh bột và bột gan lợn - không những không có tác dụng chữa bệnh, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe. Bộ Công an cho biết, sử dụng phải thuốc giả rất nguy hiểm bởi có thể bị mắc những bệnh như loãng xương, tiểu đường, loét tá tràng hoặc bệnh về đường tiêu hóa, cũng như gây tổn thương cho thận hoặc gan…

Giới chuyên môn cho biết, sản xuất và bán thuốc giả lãi hơn cả buôn bán ma túy. Theo thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia (SFDA), trong 6 tháng đầu năm 2012, SFDA đã phát hiện 30.000 trường hợp sản xuất và bán thuốc giả với giá trị gần 44 triệu USD. Được biết, Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất thuốc giả lớn nhất thế giới và riêng trong năm 2011 nạn thuốc giả tăng đến 275% so với năm 2010, bất chấp những cố gắng của các cấp chính quyền. Chính vì lợi nhuận mà người ta bất chấp sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

Theo kết quả thăm dò của một chương trình khảo sát quốc gia ở Trung Quốc cho thấy, gần 70% người dân Trung Quốc không tin vào chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước này. Đây là kết quả điều tra của Tạp chí Insight China và Trung tâm Tsinghua Media Survey Lab

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.