Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Mỹ - Ấn Độ
Cả Washington lẫn New Delhi đều kỳ vọng chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng, diễn ra bốn tháng sau chuyến thăm thành công của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ, sẽ tạo động lực cho mối quan hệ Mỹ - Ấn sau một thời gian trì trệ do bất đồng về ngoại giao và thương mại.
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 11/2010 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Obama đã công bố một loạt thỏa thuận về kinh doanh trị giá hơn 10 tỷ USD, đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Ấn lên mức “đối tác được xác định” trong thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, bất đồng liên quan đến vụ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York bị cáo buộc gian lận visa, đã gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong một thời gian.
Thắng lợi của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) hồi tháng 5/2014, đưa Thủ tướng Modi lên nắm quyền, đặc biệt là chuyến thăm Washington 5 ngày của ông Modi và cuộc gặp cấp cao Mỹ - Ấn tại Washington hồi tháng 9/2014 đã xua tan bất đồng và thổi luồng sinh khí mới vào quan hệ song phương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại sân bay. Ảnh: India Times |
Chương trình nghị sự chính thức của Tổng thống Obama được giữ kín tới phút chót. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị cấp cao về đầu tư toàn cầu mới đây tại bang Gujarat (Ấn Độ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Tổng thống Obama và Thủ tướng nước chủ nhà sẽ tập trung thảo luận 4 lĩnh vực chính là biến đổi khí hậu, hợp tác quốc phòng, hạt nhân dân sự và đối tác kinh tế.
Trong khi đó, theo truyền thông Ấn Độ, lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận về hợp tác năng lượng tái tạo, đánh giá tầm quan trọng của quan hệ chiến lược giữa hai nước và chia sẻ thông tin tình báo.
Theo lịch trình, sáng 26/1, Tổng thống Obama cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama là khách mời chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ.
Chiều cùng ngày, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi sẽ tham dự hội nghị bàn tròn các tổng giám đốc và phát biểu tại hội nghị cấp cao doanh nghiệp Mỹ-Ấn.
Ngày 27/1, ông Obama sẽ phát biểu tại thính phòng Siri Fort ở New Delhi, sau đó tới Saudi Arabia dự lễ tang quốc vương nước này.
Theo tờ The Times of India, phái đoàn hộ tống Tổng thống Obama trong chuyến thăm Ấn Độ lần này có gần 1.600 người, phần lớn là nhân viên an ninh và tình báo, gấp đôi so với nhân lực cho chuyến thăm Ấn Độ năm 2010 vì phần lớn những sự kiện mà ông Obama tham dự diễn ra ngoài trời và phức tạp hơn so với chuyến thăm trước đó.
Trong khi đó, về phía nước chủ nhà, theo tờ The Express Tribune, khoảng 80.000 nhân viên an ninh, 20.000 cảnh sát vũ trang và dân quân đã được điều động tham gia công tác an ninh.
Ngoài ra, có tổng cộng 15.000 máy quay an ninh, một đội mật vụ, 40 chó nghiệp vụ cũng được triển khai.
Tất cả các trục đường chính vào trung tâm thành phố, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của Tổng thống Obama đều được chặn bằng những hàng rào chắn; lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông và lực lượng bán vũ trang được triển khai dày đặc.
Bên cạnh đó, cảnh sát Ấn Độ sẽ đóng cửa và canh giữ 71 tòa nhà cao tầng ở đại lộ Nhà vua Rajpath – nơi ông Obama theo dõi màn diễu binh hoành tráng.
Cũng tại Rajpath, một vòng an ninh 7 lớp đã được thiết lập, trong đó, lớp gần nhất do biệt đội bảo vệ và nhân viên mật vụ đảm nhiệm.
Đây là một phần trong kế hoạch bảo vệ an ninh chưa từng có tiền lệ từ mặt đất đến không trung trong chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng.
Giới chức Ấn Độ cũng đã chấp nhận đề nghị của lực lượng an ninh Mỹ là mở rộng bán kính “vùng cấm bay” xung quanh Rajpath lên 400km cho lễ diễu binh năm nay...
Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ đã lịch sự từ chối đề nghị của lực lượng bảo vệ an ninh cho ông Obama rằng, chỉ có lính bắn tỉa Mỹ canh gác trên nóc các tòa nhà hướng về Rajpath.
New Delhi lập luận rằng, lực lượng an ninh Ấn Độ đã được huấn luyện tốt và đủ khả năng bảo vệ các yếu nhân.