Tổng tuyển cử tại Anh: Bước chuyển quan trọng trong nền chính trị

Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:33
Đúng 7h (giờ địa phương – 13h giờ Việt Nam) ngày 7/5, 50.000 điểm bỏ phiếu tại Anh đã bắt đầu mở cửa để đón hơn 45 triệu cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa mới. Các cử tri sẽ lựa chọn 650 nghị sĩ trong số 3.900 ứng cử viên tranh cử tại 650 đơn vị bầu cử, bao gồm 533 đơn vị bầu cử tại xứ England, 59 tại Scotland, 40 tại xứ Wales và 18 tại Bắc Ireland.

Sự kiện này thu hút sự quan tâm không chỉ tại nước Anh mà toàn bộ châu Âu, vì kết quả của nó sẽ quyết định thành phần chính phủ quản lý nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, cũng như tương lai của quốc gia này trong khối 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Kết quả khó đoán trước

Sau 5 tuần tranh cử quyết liệt với nỗ lực không ngừng nghỉ của các đảng, các cuộc thăm dò cuối cùng trước bầu cử cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa 2 chính đảng lớn nhất là Bảo thủ của Thủ tướng Anh David Cameron và Công đảng đối lập của ông Ed Miliband vẫn theo đuổi nhau sát nút ở mức 33-34%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có đảng nào giành được đa số quá bán (326 ghế) để có thể một mình thành lập chính phủ. Như vậy, chính phủ được thành lập sau cuộc bầu cử nhiều khả năng tiếp tục là một chính phủ liên minh.

Hình ảnh tại một số điểm bỏ phiếu. Ảnh: Telegraph.

Vào đêm trước khi diễn ra bầu cử, phát biểu trước những người ủng hộ tại Pendle, miền Bắc nước Anh, ông Miliband nói: “Đây là cuộc chạy đua sít sao nhất mà chúng tôi từng chứng kiến”. Để thu hút sự ủng hộ của cử tri, Công đảng cam kết sẽ làm giảm dần thâm hụt ngân sách qua từng năm, tăng thuế thu nhập nhiều nhất là 1% đối với những người có thu nhập cao nhất, đồng thời bảo vệ quyền lợi, lợi ích của các gia đình khó khăn thuộc tầng lớp lao động và duy trì các dịch vụ y tế quốc gia có giá trị nhưng thiếu kinh phí.

Ông Miliband cho biết: “Chúng tôi đang đấu tranh vì một nước Anh - nơi mà chúng ta giành những điều tốt đẹp vì sự nỗ lực của tất cả mọi người, chứ không đơn thuần chỉ là những người có thu nhập cao. Chúng tôi đang đấu tranh cho một nước Anh – nơi thế hệ trẻ sẽ có một cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình”.

Trong khi đó, khẳng định là một đảng của việc làm và sự khôi phục kinh tế, đảng Bảo thủ cam kết giảm thuế thu nhập cho 30 triệu người và cắt giảm chi tiêu để ngăn thâm hụt ngân sách hiện tương đương 5% GDP. Trong các cuộc vận động, Thủ tướng Cameron luôn nhấn mạnh tới thành tích của chính phủ Bảo thủ trong việc đưa nước Anh vượt qua suy thoái để đạt tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, tạo thêm hàng triệu việc làm và giảm thâm hụt xuống còn 1/3 so với thời điểm 2010, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục cầm quyền hoàn tất sự nghiệp phát triển nước Anh dựa trên những “nền tảng vững mạnh” đã tạo dựng được trong 5 năm qua.

Ông Cameron nói: “Tất cả những lựa chọn khác đều sẽ dẫn đến hỗn loạn. Đây là cuộc bầu cử sẽ định hình rõ một thế hệ. Liệu chúng ta nên tiếp tục phát triển những gì đã gây dựng được từ 5 năm qua hay trở lại từ vạch xuất phát, lãng phí tất cả nỗ lực và hy sinh suốt 5 năm qua. Nếu các bạn muốn có một tương lai xán lạn hơn, hãy bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ”.

Còn Phó Thủ tướng Nick Clegg, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (Lib Dem) trong liên minh cầm quyền 5 năm qua, thì khẳng định sẽ cống hiến cả “trái tim và khối óc” để giữ sự ổn định cho nước Anh và tin tưởng Lib Dem sẽ giành đủ số ghế để có thể đóng một vai trò chủ chốt trong bất cứ cuộc thương lượng sau bầu cử nào.

Nếu không đảng nào giành chiến thắng đa số, các cuộc đối thoại sẽ bắt đầu ngày mai với các đảng nhỏ hơn. Nếu các đảng không thể đàm phán để thành lập một chính phủ, nước Anh có thể đối mặt với giai đoạn bất ổn chính trị mới, thậm chí là một cuộc bầu cử thứ 2. Ngoài ra, với kết quả không có đảng nào chiếm đa số, một chính phủ liên minh sẽ bao gồm nhiều đảng nhỏ với các chương trình nghị sự khác nhau cũng sẽ khiến “xứ sở sương mù” bước vào một giai đoạn mới không ổn định.

Tiềm ẩn bất ổn

Theo giới chuyên gia, tại Anh, kịch bản “tốt” là Công đảng thắng cử và loại được nguy cơ trưng cầu dân ý rời khỏi EU, thì vẫn tiềm ẩn bất ổn. Những quan ngại về sự tan rã của nước Anh khi đó sẽ lại nổi lên, vì đảng Dân tộc Scotland (SNP) có chân trong chính phủ mới chắc chắn khơi lại kế hoạch đòi tách Scotland khỏi Vương quốc Anh.

Còn trong trường hợp Bảo thủ thắng cử thì khả năng Anh rời khỏi Eurozone (Brexit) là rất lớn. Vì Thủ tướng Cameron mới đây đã tuyên bố, nếu ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của nước này trong EU vào năm 2017.

Việc Anh tách khỏi EU gây lo ngại cho giới ngân hàng - tài chính London, trung tâm tài chính châu Âu hơn là trường hợp của Hy Lạp (Grexit). 72% số công ty tại Anh cho rằng, việc nước này rời khỏi eurozone là “ý tưởng tồi”. Trong khi đó, kết quả thăm dò do mạng tư vấn toàn cầu Grant Thorton thực hiện cho thấy, 2/3 số doanh nghiệp thuộc Eurozone coi Brexit sẽ có tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực, trong khi con số đó với Grexit chỉ là 45%.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.