Tiến trình hòa bình Trung Đông bên bờ phá sản

Thứ Bảy, 26/04/2014, 14:07
Nội các an ninh Israel ngày 24/4 ra thông báo cho biết, Chính phủ nước này sẽ không tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình để đáp trả thỏa thuận hòa giải đạt được giữa đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Phong trào Hamas về việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc và tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Theo trưởng đoàn đàm phán Israel Tzipi Livni, đây là một thỏa thuận “khó hiểu và gây tổn hại các nỗ lực hòa bình”.

Những cáo buộc vô lý

Phát biểu trong cuộc họp của các quan chức phụ trách an ninh Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Thay vì chọn giải pháp hòa bình, ông Abu Mazen (tên gọi khác của Tổng thống Palestine) lại lập liên minh với một tổ chức khủng bố luôn muốn phá hủy Israel” đồng thời khẳng định: “Bất cứ ai khi lựa chọn Hamas, người đó không muốn hòa bình”. Theo nhận định của ông Netanyahu, thỏa thuận thống nhất giữa hai phái Palestine, đạt được trong bối cảnh Israel đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine, có lẽ là cách từ chối thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Israel của người Palestine.

Hồi tháng 2, Trưởng đoàn đàm phán cấp cao về hòa bình Trung Đông của Palestine Saeb Erekat bác bỏ đề xuất của Mỹ về kéo dài tiến trình đàm phán Trung Đông, vốn được ấn định thời hạn chót các bên liên quan phải đạt thỏa thuận cuối cùng vào tháng tư tới. Theo ông Saeb Erekat, việc kéo dài hòa đàm sẽ là vô nghĩa nếu Israel tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Saeb Erekat sau đó cũng bác bỏ kế hoạch khôi phục đàm phán hoà bình Trung Đông thông qua mục tiêu phát triển kinh tế tại Bờ Tây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vì vấn đề hoàn toàn mang tính chính trị và kinh tế chỉ là một góc độ.

Các chốt kiểm tra của Israel tại Bờ Tây, sự kiểm soát của Israel về xuất nhập khẩu và việc giữ lại tiền thu thuế của Palestine đều ngăn cản sự phát triển kinh tế tại khu vực này. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel lại cho rằng đó là lỗi của Tổng thống Mahmoud Abbas: “Ông ta bác bỏ mọi đề xuất của Mỹ và thậm chí còn từ chối công nhận nhà nước Do Thái của Israel. Ngoài ra, ông ta đã vi phạm các thỏa thuận của 2 bên khi đơn phương nộp đơn xin tham gia hàng loạt công ước, điều ước quốc tế. Và bây giờ, ông ta lại lập liên minh với Hamas”. Ông Netanyahu miêu tả thỏa thuận với Hamas giống như “lời kêu gọi người Hồi giáo đấu tranh và tiêu diệt người Do Thái. Hamas đã bắn hơn 10.000 quả tên lửa và rocket vào lãnh thổ Israel và không ngừng thực hiện các hành động khủng bố nhằm vào Israel dù chỉ 1 phút”.

Phong trào Hamas và Fatah tại Palestine đạt thỏa thuận hòa giải.

Trước đó, ngày 23/4, người phát ngôn của đảng Fatah Fayez Abu Eitta cho biết, đảng này và Phong trào Hồi giáo Hamas đã nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết chuyển tiếp, sẽ được công bố trong vòng 5 tuần, và tiến hành cuộc tổng tuyển cử, sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng. Mustafa Barghouti, nhà lập pháp Palestine tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Hamas và Fatah, miêu tả thỏa thuận đạt được giữa 2 bên là “điểm đích nhằm chấm dứt chia rẽ nội bộ”. Tiếp đó, ngày 24/4, quan chức Palestine cho biết thỏa thuận hòa giải trên được ký kết dựa trên giải pháp hai nhà nước, bao gồm Nhà nước Palestine trong các đường biên giới năm 1967 và Nhà nước Israel với thủ đô ở Tây Jerusalem, đồng thời hai bên cũng công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel. Theo Ủy viên Trung ương Phong trào Fatah Jibril Rajoub, thỏa thuận này sẽ được thực thi theo chương trình của Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas.

Phản ứng trái triều

Israel đã kịch liệt phản đối thỏa thuận hòa giải giữa Fatah-Hamas thì Mỹ cũng tỏ thái độ lạnh nhạt và cho rằng, động thái này gây thất vọng về “nội dung và thời điểm”. Theo bà Jen Psaki, người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Mỹ, quyết định hòa giải của Palestine “chắc chắn sẽ làm phức tạp tiến trình hòa bình” vì Hamas chưa cho thấy việc sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản mà Chính phủ Mỹ mong đợi để tham gia tiến trình hòa bình. Bà Jen Psaki cho rằng, thỏa thuận này có thể gây phức tạp cho những nỗ lực không chỉ của Mỹ mà còn của các bên trong việc kéo dài cuộc đàm phán.

Để trả đũa hành động này của Palestine, truyền thông Israel dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Washington tuyên bố sẽ phải cân nhắc lại viện trợ cho Palestine nếu phong trào Hồi giáo Hamas và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cùng thành lập chính quyền cũng như nếu Hamas không thể hiện quan điểm ôn hòa và từ bỏ bạo lực. Hãng tin Reuters ngày 24/4 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong Chính quyền Mỹ nhấn mạnh: “Bất cứ chính quyền Palestine nào đều phải cam kết rõ ràng và dứt khoát về phi bạo lực, công nhận nhà nước Israel, chấp nhận các thỏa thuận trước đây và bổn phận giữa các bên”.

Trong khi đó, trái ngược với thái độ phản đối của Mỹ và Israel, Trung Quốc lại bày tỏ hoan nghênh đối với thỏa thuận hòa giải này của Palestine và cho rằng, đó là một động thái tích cực đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời bày tỏ tin tưởng thỏa thuận này sẽ có lợi cho sự thống nhất Palestine, thiết lập một Nhà nước Palestine độc lập và cùng chung sống hòa bình giữa Israel và Palestine. Về phần mình, chính quyền Palestine nhấn mạnh, thỏa thuận của họ là một vấn đề nội bộ và việc đoàn kết người dân Palestine sẽ giúp củng cố nền hòa bình. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng khẳng định thỏa thuận với Hamas không hề cản trở những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình, đồng thời cam kết sẽ thiết lập một nền hòa bình dựa trên một giải pháp hai nhà nước.

Theo giới phân tích khu vực, những tưởng thỏa thuận hòa giải giữa hai phái sẽ chấm dứt 8 năm chia rẽ nội bộ tại Palestine, nhưng khi mực còn chưa ráo, người Palestine lại phải đối mặt với một bài toán hóc búa: Làm sao có thể vừa đảm bảo hòa giải dân tộc mà vẫn thúc đẩy tiến trình hòa bình với Israel tiến bước? Quan điểm của Mỹ và yêu sách của Israel đang thực sự làm khó chính quyền Palestine và đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông tới bờ vực phá sản. Và trong một nỗ lực để vớt vát chút danh dự, ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel và Palestine thỏa hiệp, đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực tìm kiếm những khả năng hòa bình

Hà Khổng
.
.
.