Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngăn Trung Quốc cải tạo Biển Đông

Thứ Bảy, 21/03/2015, 09:20
Trong nỗ lực bày tỏ những lo ngại về hiện tượng thay đổi tình trạng ở Biển Đông, hôm 19/3, các Thượng nghị sĩ hàng đầu ở Mỹ đã gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter kêu gọi chính quyền Washington thực hiện một chiến dịch lâu dài nhằm đảm bảo lợi ích hàng hải của Mỹ trên vùng biển này.

Theo tin từ hãng Reuters, cùng ký tên trong bức thư này có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Thượng nghị sĩ Bob Corker và hai Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ là Jack Reed và Bob Menendez. Các Thượng nghị sĩ này cho biết, hành động cải tạo các bãi đá và xây dựng các công trình nhân tạo trên các bãi đá này ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về quân sự trong khu vực và trở thành một thách thức trực tiếp đến không chỉ lợi ích của Mỹ trong khu vực mà còn cả cộng đồng quốc tế. 

Sơ đồ cho thấy Trung Quốc đang rắp tâm thay đổi hiện trạng ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Chẳng hạn như ở bãi đá Gaven, chỉ trong vòng một năm qua, bãi đá này đã được mở rộng khoảng 114.000m²; bãi đá ngầm Gạc Ma giờ trở thành một hòn đảo rộng 100.000m² trong khi diện tích bãi đá Chữ Thập tăng gấp 11 lần so với tháng 8 năm ngoái. Đây rõ ràng là hành động làm thay đổi kích thước, cấu trúc và thuộc tính vật lý của các đảo với ý đồ là thay đổi hiện trạng tại Biển Đông. 

Theo lập luận của các Thượng nghị sĩ này, nếu Mỹ không có một chiến lược toàn diện để ngăn chặn hành động này của Trung Quốc thì lợi ích lâu dài của nước Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. 

Đồng thời, trong bức thư, các Thượng nghị sĩ Mỹ cũng cảnh báo rằng, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong việc cải tạo các bãi đá nói trên để phục vụ mục đích quân sự của nước này sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều khả năng, Trung Quốc đang dã tâm thực hiện chiến dịch giống như những gì mà nước này đã làm trên biển Hoa Đông như lập vùng nhận diện phòng không mới hoặc dần dần chiếm các đảo trong vùng tranh chấp với Nhật Bản… 

Được biết, trong một bài xã luận đăng tải trên tờ The Wall Street Journal hồi đầu tuần, Thượng nghị sĩ Robert Menedez cũng đã bày tỏ quan ngại về các sự cố gần đây ở Biển Đông và đề nghị chính phủ Mỹ một lần nữa nhân đôi nỗ lực làm việc với các nước để hình thành cơ chế giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Đồng thời, Thượng nghị sĩ Mỹ cũng thúc giục các nước liên quan nhanh chóng đề ra một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý để giữ gìn an ninh và thịnh vượng cho khu vực.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, không chỉ có các quốc gia láng giềng với Trung Quốc mà Mỹ và nhiều nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới đều bày tỏ mối quan ngại về tình trạng bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông. 

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã có một buổi trình bày trước Quốc hội về các mối đe dọa trên thế giới, trong đó nhấn mạnh việc Bắc Kinh mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bao gồm các cảng và sân bay là một phần của nỗ lực “hung hăng” nhằm giành trọn chủ quyền Biển Đông. 

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) còn cho biết, Trung Quốc đã có một đội quân đồn trú và cơ sở hậu cần tại bãi đá Gaven (chiếm của Việt Nam) từ năm 2003, bắt đầu xây dựng các công trình quan trọng đó vào năm ngoái qua việc cải tạo đất và xây một hòn đảo nhân tạo mới với diện tích 73.000m². Các tòa nhà chính trên hòn đảo mới xuất hiện này còn có cả tháp bố trí vũ khí phòng không… 

Hôm 18/3, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ còn lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á tổ chức lực lượng tuần tra chung trên Biển Đông nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột. 

Trong một diễn biến khác, hôm 16/3, Philippines đã đệ trình lên tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển một tài liệu bổ sung bao gồm nhiều luận cứ, chứng cứ và bản đồ để chứng minh bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị. Tài liệu này gồm 3.000 trang với mục đích là trả lời những câu hỏi của tòa án về vụ kiện Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Huyền Chi
.
.
.