Thế giới không nhụt chí trước chủ nghĩa khủng bố

Thứ Sáu, 30/10/2009, 08:30
Cộng đồng quốc tế đã và đang tiếp tục đưa ra những phản ứng cùng hành động cụ thể trước các vụ đánh bom khủng bố tại Iraq, Afghanistan và Pakistan.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, cuộc tấn công khủng bố hôm 28/10 vào một nhà khách của Liên hợp quốc tại Kabul giết chết 9 người sẽ không làm nhụt chí tổ chức này trong việc thi hành nhiệm vụ tại Afghanistan.

Ông Ban Ki-moon khẳng định, Liên hợp quốc vẫn tiếp tục giúp Afghanistan chuẩn bị vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 7/11. Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, Liên hợp quốc sẽ thường xuyên thay đổi thủ tục an ninh và sẽ thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân viên của mình. Liên minh châu Âu, NATO cũng lên án vụ tấn công khủng bố kể trên.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng cho biết, sẽ cử trợ lý, ông Oscar Fernandez-Taranco đến Iraq để mở các cuộc thảo luận sơ bộ về tình hình an ninh và chủ quyền của nước này. Iraq cũng đề nghị Liên hợp quốc điều tra vụ đánh bom kép xảy ra hồi tháng 8 giết chết hơn 100 người tại thủ đô Baghdad.

Hiện trường một vụ khủng bố.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, ông Oscar Fernandez-Taranco sẽ không mở cuộc điều tra chính thức về vấn đề này bởi trước khi tiến hành phải có sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Những vụ đánh bom xe nhằm vào Bộ Tư pháp và công sở của chính quyền cấp tỉnh hôm 25/10 đã khiến ít nhất 155 người chết và hơn 500 người khác bị thương. Một nhóm có liên hệ với Al Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công kể trên.

Chuyến công du của ông Oscar Fernandez-Taranco diễn ra đúng thời điểm Quốc hội Iraq chấp thuận bỏ phiếu (29/10) về những chỉ dẫn đầu phiếu cho vùng giàu dầu mỏ Kirkuk ở miền Bắc nước này. Sở dĩ phải làm như vậy vì cựu Phó Thủ tướng Iraq Barham Salih cùng "nội các của tân chính phủ người Kurk" vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 28/10. Quốc hội phải quyết định việc sửa đổi Luật bầu cử để chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài nhiều ngày qua, cũng như tình trạng "lập vương quốc riêng" ở Iraq.

Iraq sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 16/1/2010 và rắc rối lớn nhất là việc tổ chức bầu cử tại tỉnh Kirkuk. Nếu Luật bầu cử mới không được thông qua thì tình hình sẽ càng rơi vào hỗn loạn bởi không có một Chính phủ hợp hiến.

Dư luận cũng rất quan tâm tới thông tin trên tờ Welt của Đức - Taliban tại Afghanistan và Pakistan đang chiến đấu bằng vũ khí hiện đại của các hãng sản xuất Heckler & Koch, Walther và Blaser của Đức. Ngoài ra, Taliban còn sử dụng vũ khí của Áo, của Mỹ và của Israel.

Về phần mình, Ngoại trưởng Hillary Clinton không những lên án thủ phạm các vụ khủng bố, mà còn ca ngợi cuộc tấn công chống Taliban của Pakistan, đồng thời tái cam kết sự ủng hộ của Mỹ đối với nước này. Bà Hillary Clinton đưa ra tuyên bố này chỉ vài giờ sau vụ đánh bom khủng bố khiến hơn 100 người chết và trên 200 người khác bị thương.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cam kết hỗ trợ Pakistan về một loạt vấn đề, trong đó có phát triển kinh tế, năng lượng, giáo dục và môi trường. Mỹ sẽ chi 125 triệu USD cho dự án tăng sản lượng điện của Pakistan.

Tuy nhiên, nội bộ Pakistan đang có những phản ứng khác nhau sau khi Mỹ thông qua dự luật cấp 7,5 tỷ USD trong vòng 5 năm để thực hiện chương trình viện trợ kinh tế và xã hội tại nước này. Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi khẳng định, những vụ bạo lực kể trên không làm lung lay quyết tâm chống Taliban của chính phủ Pakistan.

Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có chuyến thăm 3 ngày tại Pakistan (từ 28 đến 30/10) nhằm thảo luận các vấn đề liên quan tới an ninh, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề Afghanistan và nhiều vấn đề song phương khác với các nhà lãnh đạo của nước này

Quốc Trung
.
.
.