Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium
Mặc dù đắc cử, nhưng trước khi chính thức làm lễ nhậm chức Tổng thống, thay thế người tiền nhiệm Mahmouh Ahmadinejad, ông Hassan Rouhani phải được Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei chứng thực, xác nhận vấn đề này và đây là nghi thức bắt buộc. Do đó, ngày 3/8, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã chứng thực chức vụ Tổng thống của ông Hassan Rouhani và buổi lễ này được phát trên truyền hình và đài phát thanh.
Tham dự lễ phê chuẩn hôm 3/8 có cựu Tổng thống Hashemi Rafsanjani, Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani, Tổng thống mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad và một số chính khách nước ngoài.
Theo giới truyền thông, trước khi trở thành Tổng thống thứ 7, ông Hassan Rouhani được huấn luyện để trở thành luật sư, nhưng sau đó lại đảm trách khá nhiều chức vụ quan trọng, điển hình nhất là đứng đầu phái đoàn thương thuyết về hạt nhân của Iran trong hơn 15 năm (1989-2005).
Theo ông Hossein Mousavian, người từng phục vụ đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ thành công trên cương vị mới bởi ông có một giác quan khá tốt, cùng tư tưởng ôn hòa và luôn cố gắng thống nhất đất nước.
Theo cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw, ông Hassan Rouhani là người lịch sự, cởi mở, đơn giản, với nụ cười trên môi và luôn trăn trở để giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Iran và phương Tây. Ông Hassan Rouhani được coi là nhân vật có ảnh hưởng tới cuộc chiến tranh Iran - Iraq bởi ông từng giữ nhiều chức vụ trong Quốc hội và Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao.
Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei chứng thực chức vụ Tổng thống của ông Hassan Rouhani và tham dự lễ phê chuẩn hôm 3/8 có cựu Tổng thống Hashemi Rafsanjani, Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani, Tổng thống mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad và một số chính khách nước ngoài. |
Ông Hassan Rouhani còn nhận được sự ủng hộ của 2 cựu Tổng thống Mohammad Khatami và Hashemi Rafsanjani nên đã giành chiến thắng ở thời điểm quyết định. Ông Hassan Rouhani từng tuyên bố, chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 là "chiến thắng của sự đổi mới hơn là chủ nghĩa cực đoan", đồng thời cảnh báo, sẽ không có giải pháp hiệu quả tức thì với các vấn đề hiện hữu của Iran, cần thời gian để đưa đất nước hướng tới sự cải cách và đổi mới toàn diện.
Nhiều người Iran cho rằng, 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã khiến Iran bị cộng đồng quốc tế cô lập và gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Do đó dư luận hy vọng, tân Tổng thống Hassan Rouhani sẽ tạo làn gió mới trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Iran với Mỹ, phương Tây và các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh những thuận lợi và đánh giá tốt đẹp của nhiều giới, nhưng ông Hassan Rouhani cũng đang bị không ít người hoài nghi về khả năng lãnh đạo. Theo ông Seyed Mojtaba Vahedi, người từng là ứng cử viên Tổng thống năm 2009, hiện đang bị quản thúc tại gia: không tin Tổng thống thứ 7 là người ôn hòa bởi ông ấy gần với chủ nghĩa cứng rắn, sẽ không được phép giải quyết vấn đề hạt nhân vì cần có sự chấp thuận của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.
Những người theo đường lối cứng rắn ở Tehran ban đầu hoan nghênh "sự lựa chọn của người dân", nhưng trong những tuần dẫn đến lễ nhậm chức của ông Hassan Rouhani, họ lại cảnh báo Tổng thống thứ 7 Iran về một số vấn đề, trong đó có sự liên kết với bất đồng chính kiến tham gia vào các cuộc biểu tình đường phố năm 2009.
Dư luận cũng đang quan tâm tới tuyên bố hôm 2/8 tại Tehran nhân ngày lễ Jerusalem của ông Hassan Rouhani sau khi giới truyền thông Iran phải lên tiếng làm rõ ý nghĩa bài phát biểu của tân Tổng thống Iran về vấn đề nhà nước Israel. Theo Hãng tin Reuter, "phiên bản gốc" bài phát biểu của ông Hassan Rouhani được các cơ quan truyền thông quốc tế đăng tải: "Nhà nước Do Thái là vết thương của thế giới Hồi giáo chưa bao giờ lành trong nhiều thập kỷ qua. Vết thương này cần được làm lành lại".
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin khác, nguyên văn của bài phát biểu này là: "Tới tận thời điểm hiện tại, vết thương của thế giới Hồi giáo do sự chiếm đóng vùng đất thánh Jerusalem vốn thuộc lãnh thổ Palestine vẫn nhức nhối nhiều thập kỷ qua". Theo phiên bản này, ông Hassan Rouhani không hề đề cập tới nhà nước Israel và việc cần thiết phải loại bỏ nhà nước Do Thái.
Ông Hassan Rouhani cũng bày tỏ hoài nghi đối với khả năng đạt được một hiệp định hòa bình giữa Israel với Palestine. Sau khi "phiên bản gốc" bài phát biểu của ông Hassan Rouhani được công bố, chính quyền Israel lập tức phản đối và cho rằng, tân Tổng thống Iran lại đi theo con đường cũ của người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, đó là kiên quyết theo đuổi việc tiêu diệt nhà nước Do Thái.
Theo Hãng tin AFP, ngày 17/7, Tehran tuyên bố sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Nhóm P5+1 (Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này sau khi tân Tổng thống Hassan Rouhani tuyên thệ nhậm chức và một đoàn đàm phán mới được thành lập.
Tân Tổng thống Hassan Rouhani cũng từng khẳng định, Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium. Tại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên tại Tehran sau khi đắc cử, ông Hassan Rouhani cho biết, chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn minh bạch và sẵn sàng cho thế giới thấy mọi bước đi của Tehran hoàn toàn phù hợp với các quy định quốc tế