Phong tục đón Tết của một số dân tộc: Đậm chất văn hoá truyền thống

Thứ Năm, 19/02/2015, 22:55
Dù hoàn toàn khác biệt về truyền thống văn hóa cũng như thời điểm tổ chức Tết, nhưng thời khắc chuyển giao năm cũ với năm mới luôn được người dân các nước coi là giây phút quan trọng nhất trong năm. Nhiều nước châu Á đón Tết theo lịch trăng (âm lịch), còn các nước khác đón năm mới theo lịch dương.

Ở Nga:

Ở Nga hiện nay, đêm giao thừa, các thành phố đều tổ chức bắn pháo hoa ở công viên lớn nhất thành phố và hầu hết thanh niên đến đó chơi đùa, nhảy nhót đón chờ thời khắc của năm mới. Dù trời lạnh âm 30 độ, hơi thở ra đóng thành tuyết ngay thì họ vẫn vui chơi ngoài trời. Sau đó, cả nhà quây quần, họ hàng và bạn bè đến thăm nhau, cùng uống rượu, nhảy nhót hát hò tập thể, say sưa cả đêm, tưng bừng náo nhiệt chứ không “nhà nào biết nhà nấy” như giao thừa ở Việt Nam!

Người Nga cũng không có tục xông nhà, nhưng có ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em. Trước Tết có tục mở cây thông vì trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Mỗi gia đình đều có một cây thông đón Tết và mỗi khu vực (quận) có một cây thông to đặt tại công viên, xung quanh trang trí những hình con giống đại diện của năm đó và ngày nào người lớn cũng cho trẻ con ra chơi. Đến 15/1 là hết Tết, cây thông được dỡ bỏ.

Tết của Nga khá dài,vì ngoài 3 ngày Tết, còn cộng thêm thứ bảy, chủ nhật, rồi ngày Giáng sinh Nga 6/1, ngày ăn Tết lại đêm 13/1, nên hầu hết nghỉ đến 15/1, nhịp sống bình thường mới trở lại.

Ở Pháp:

Đêm giao thừa với người Pháp rất trang trọng. Trước đêm giao thừa, mọi người đã mở tiệc ăn uống và những ngày Tết kéo dài đến ngày 3/1 mới kết thúc. Sớm ngày mùng 1, mọi người đều xem hướng gió để biết năm tới thời tiết ra sao. Nếu cơn gió đầu năm là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, còn gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt; còn gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa. Sẽ là năm mất mùa, nếu cơn gió đầu năm là gió Bắc.

Với một số vùng ở Pháp, Giáng sinh lại là Tết chính, mọi người trong gia đình sum vầy, vui chơi, ăn uống, mời bạn bè đến cùng uống champagne khai vị, ăn đồ nhẹ và trò chuyện. Sau đó ăn chính với rượu vang, sau đó ăn bánh tarte nhân táo hoặc cà rốt. Người Pháp có một tục tục lệ làm món bánh Giáng sinh (vỏ bánh hơi giống bánh sừng bò xốp giòn, nhân hạnh nhân) và bỏ vào đó một hình ông vua nhỏ. Khi cắt bánh, ai ăn vào miếng bánh có hình ông vua sẽ được đội vương miện đã chuẩn bị sẵn. Sau đêm Noel tưng bừng, những gia đình có điều kiện thì tổ chức đi chơi xa vài ngày, lên núi trượt tuyết hay sang Monaco nghỉ đông.

Ở Mỹ:

Đêm giao thừa, người dân Mỹ đổ ra đường và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới, trong tiếng nhạc rộn ràng và ánh đèn màu, hoa giấy đủ sắc màu. Ở Quảng trường Thời đại năm nay, hàng triệu người đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Vào giây phút cuối cùng của năm cũ, một quả cầu thuỷ tinh lung linh, chứa hàng ngàn mảnh thuỷ tinh tượng trưng cho những vì sao sẽ rơi từ trên cao xuống. Khi quả cầu chạm đất, mọi người cùng tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời và đồng thanh hát vang bài hát truyền thống "Auld Lang Syne".

Người Mỹ cũng có một số phong tục để đón năm mới với hy vọng may mắn và làm ăn phát đạt. Họ sẽ chọn trang phục màu vàng để mong đợi tình yêu và hạnh phúc sẽ đến, hoặc chọn chọn trang phục màu bạc cho ước vọng kiếm được nhiều tiền. Sau khi nhảy múa đón chào năm mới ở ngoài đường, mọi người sẽ ăn bữa ăn đầu tiên của năm, với các món ăn mà họ cho rằng, sẽ mang lại may mắn. Đó là bắp cải, cá mòi và mật ong. Người Mỹ quan niệm, bắp cải có màu xanh và hình dáng giống đồng tiền kim loại tròn, sẽ mang đến tiền bạc; cá mòi thì luôn bơi từng đàn, theo hướng thẳng tiến nên tượng trưng cho sự giàu có và sự nghiệp phát đạt; còn màu vàng của mật ong mang đến sự sung túc và niềm vui. 

Tết là dịp hàng hóa giảm giá mạnh, nên phần lớn người dân đi mua sắm, cũng là để chọn quà tặng người thân, bạn bè. Những ngày Tết các cửa hàng vẫn mở bình thường. Dịp này, các con phố ở Mỹ chăng đèn kết hoa rất đẹp, nhưng người dân cũng ít ra ngoài đường, hầu hết ở nhà bên người thân, hoặc cùng bạn bè ăn uống, đi chơi xa hay xem phim ảnh.

Pháo hoa mừng năm mới ở Australia.

Ở Anh:

Tết của người Anh có nhiều hoạt động mừng năm mới theo phong tục truyền thống. Đêm cuối năm, người dân tụ tập ở quảng trường hay những khu vực có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben của thủ đô London đổ báo hiệu năm mới đến rồi cùng nắm tay nhau hát hò, nhảy múa và uống rượu. Giao thừa, mọi người mang rượu và bánh ngọt đến thẳng nhà bạn bè hoặc người thân để chúc Tết. Người Anh  cũng quan niệm, sự may mắn, tốt lành hay không của gia đình trong năm mới phụ thuộc vào người xông đất lúc giao thừa: Người xông nhà là đàn ông tóc đen, hoặc tính tình vui vẻ, hạnh phúc và giàu có thì chủ nhà cũng được may mắn cả năm. Nếu người xông đất là cô gái tóc vàng nhạt hoặc nghèo khó, bất hạnh, thì chủ nhà sẽ gặp nhiều tai họa trong năm mới. Đến xông nhà, người khách phải cời lửa bếp lò, chúc chủ nhà mở cửa gặp may, xong xuôi rồi mới trò chuyện với mọi người. Bữa tiệc đón mừng năm mới kéo dài từ tối đến tận sáng hôm sau..

Ở Đức:

Tết của người Đức khá dài, tới một tuần. Đêm giao thừa vẫn là thời khắc thiêng liêng của mọi người cùng những phong tục truyền thống, với mong muốn một năm mới an lành, hạnh phúc và làm ăn phát đạt. Trước khi tiếng chuông đồng hồ đổ hồi báo hiệu năm mới sang 15 phút, mọi người đều ngồi yên trên ghế. Đợi khi chuông đồng hồ báo lúc giao thừa, mọi người cùng nhảy khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau, biểu tượng cho việc vứt bỏ mọi khó khăn của năm cũ lại. Trẻ con và người lớn đều ra đường với bạn bè, múa hát và nhảy nhót, chào đón năm mới tưng bừng náo nhiệt.

Trong các bữa ăn đầu năm mới, người Đức đều để lại một phần các món ăn, như một cách mong muốn thức ăn trong gia đình luôn đầy đủ cho cuộc sống. Một con cá chép cũng được đặt trong tủ đựng thức ăn, để mang lại sự giàu có cho gia đình. Với niềm tin vào sự may rủi, người ta để một giọt kim loại nóng chảy rơi vào nước lạnh và hình dạng của nó sẽ cho biết tương lai trong năm mới: Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có cưới xin, hình con lợn tức là cuộc sống sẽ được sung túc.

Ở Mexico:

 Tết ở Mexico rất đặc biệt khi đêm giao thừa, phụ nữ sẽ mặc đồ lót màu đỏ, với mong muốn năm mới sẽ tràn đầy tình yêu, hạnh phúc. Vào ngày 6/1 Tết, người Mexico giữ tập tục ăn một loại bánh đặc biệt, có một cái lỗ ở giữa và chứa trong đó một món đồ nhỏ. Người nào nhận được chiếc bánh có món đồ ở trong sẽ phải làm một món đặc biệt vào ngày 5/2.

Ở Hàn Quốc:

Người dân Hàn Quốc cũng ăn Tết âm lịch, gọi là Seollal. Tết cũng là dịp các gia đình sum họp, thờ cúng tổ tiên, nấu những món ăn truyền thống. Đặc biệt, đêm giao thừa, người Hàn Quốc thức suốt đêm vì theo phong tục, nếu đi ngủ, sáng hôm sau dậy lông mi sẽ bị bạc trắng và kém thông minh.

Người Hàn cũng có tục tắm nước nóng để rửa sạch những điều không hay của năm cũ và đốt các thanh tre để xua đuổi tà ma.

Sáng mùng một Tết, mọi người mặc trang phục truyền thống (gọi là Hanbok), rồi cúng tổ tiên, sau đó bái lạy ông bà, cha mẹ. Các em nhỏ sau khi chúc Tết người lớn sẽ được mừng tuổi một món quà, tùy theo điều kiện từng gia đình. Sau đó, cả nhà cùng thưởng thức những món ăn ngày Tết, có tới 20 món, trong đó, không thể thiếu món Ttok kuk, bánh gạo tteok, bánh bao hấp, thịt viên bulgogi với nước chấm pa-jun chua ngọt, kim chi và rượu Gui Balki Sool, để lấy may.

Trong những ngày Tết, người Hàn Quốc đi thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau, chơi những trò chơi dân gian hoặc du xuân.

Ở Nhật:

Người Nhật đón năm mới vào ngày 1/1 Tây lịch với các phong tục của đạo Shinto. Họ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón thần linh và linh hồn người thân về ăn tết và treo một vòng rơm ngang qua cửa nhà để đón niềm vui và may mắn.

Phút giao thừa, người Nhật thường rung chuông 100 lần để xua đi sự xui xẻo. Năm mới, mọi người khi gặp nhau đều cười thật to để hy vọng sẽ vui vẻ quanh năm. Sau đó, nhiều người đến các chùa để làm lễ đầu năm, mua bùa hộ mệnh. Món bánh Tết đặc trưng của người Nhật là bánh môchi.

Theo phong tục truyền thống, các cô gái ra đồng hái những cây cỏ mùa xuân, để ngày mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá lộc đó với gạo, thành đồ ăn sáng.

Thái Hoàng
.
.
.