Tàu chiến Mỹ hủy kế hoạch tới Gruzia

Thứ Tư, 27/08/2008, 16:29
Mỹ hôm nay quyết định hủy vào phút chót kế hoạch cho tàu quân sự chở hàng cứu trợ cập cảng Poti của Gruzia, nơi các binh sĩ Nga đang dàn quân xung quanh.

Con tàu mang tên US Coast Guard Cutter Dallas thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ có kế hoạch tiến vào cảng Poti trên Biển Đen sáng nay. Tuy nhiên, phát ngôn viên sứ quán Mỹ tại Tbilisi Stephen Guice cho biết, chiến hạm này thay đổi hành trình và sẽ cập cảng Batumi ở phía nam Gruzia, nơi không có sự hiện diện của quân Nga.

Trước đó, khu trục hạm trang bị tên lửa USS McFaul cũng tới Batumi hôm 24/8 mang theo hàng cứu trợ như chăn màn, vật dụng vệ sinh và thức ăn trẻ em. Hiện con tàu này vẫn triển khai ngoài khơi Gruzia. Kế hoạch đưa tàu US Coast Guard Cutter Dallas tới cảng Poti với sự yểm trợ của USS McFaul từ xa, khiến người ta lo ngại bởi các binh sĩ Nga vẫn tuần tra tại đây và lập các trạm kiểm soát xung quanh thành phố.

Cảng Poti vốn đóng vị trí chiến lược của Gruzia và là cửa ngõ quan trọng nhất nước này ra Biển Đen. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cũng như các tàu Gruzia tại Poti đã bị phá hủy nặng nề sau chiến dịch quân sự của Nga. Các nước phương Tây cáo buộc sự hiện diện của quân Nga ở Poti là vi phạm hiệp ước ngừng bắn mà nước này ký với Gruzia.

Tuy nhiên, Matxcơva cho rằng họ có quyền duy trì quân ở các "vùng đệm an ninh" theo như thỏa thuận do Pháp làm trung gian, trong đó có cả thành phố cảng Poti vốn nằm cách không xa khu vực ly khai Abkhazia. Nga cũng cáo buộc một số nước trong NATO đang lợi dụng việc chuyển hàng cứu trợ để tăng cường lực lượng hải quân trên Biển Đen.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Thông thường chiến hạm không chở hàng cứu trợ và đây là chính sách ngoại giao tàu chiến. Hành động này sẽ không làm tình hình thêm ổn định".

Tàu Coast Guard cutter Dallas chở hàng cứu trợ dự định sẽ cập cảng Poti. Ảnh: AP.

Trước đó, hai chiếc máy bay vận tải quân sự hạng nặng C -17 của Mỹ cũng hạ cánh xuống thủ đô Tbilisi hôm 13 và 14/8. Đây là một phần chiến dịch cứu trợ nhân đạo của Mỹ dành cho đồng minh Gruzia bằng cả không quân và hải quân. Nga nghi ngờ rằng những chuyến hàng đó không chỉ mang theo đồ viện trợ nhân đạo đơn thuần.

Cuộc xung đột tại Gruzia nổ từ đêm 7/8, khi Tbilisi bất ngờ đánh úp nhằm tái chiếm tỉnh ly khai Nam Ossetia. Vùng đất Ossetia được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là nước cộng hòa thuộc Nga còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia, nhưng ly khai cùng với Abkhazia kể từ sau cuộc xung đột 1991-1992. Nam Ossetia tuyên bố độc lập nhưng không được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.

Gruzia luôn coi Nam Ossetia và Abkhazia là phần lãnh thổ của mình. Matxcơva trước đây không công nhận chính quyền tự xưng tại hai nơi này đây, nhưng cấp quy chế quốc tịch cho hầu hết dân số của họ. Người dân địa phương cũng chủ yếu sử dụng đồng rúp của Nga trong tiêu dùng.

Tuy nhiên tới hôm qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố công nhận nền độc lập tại hai khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia, sau khi hai viện của quốc hội Nga bỏ phiếu hậu thuẫn. Ông cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao soạn thảo hiệp ước về hợp tác, hữu nghị và tương trợ lẫn nhau giữa Nga với hai vùng đất này, đồng thời lệnh cho Bộ Quốc phòng đảm bảo việc gìn giữ hòa bình tại đây.

Ngay lập tức, Gruzia kịch liệt lên án quyết định của Nga và nói rằng hành động công nhận độc lập nói trên không chỉ thách thức Tbilisi mà cả cộng đồng quốc tế, đồng thời vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các nước phương Tây cũng chỉ trích gay gắt quyết định của Matxcơva. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho rằng việc công nhận độc lập của hai vùng ly khai của Gruzia là “cực kỳ đáng tiếc”

Theo Ngọc Sơn (VnExpress/AFP, AP)
.
.
.