Sứ mệnh 'hai trong một' của ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm Đông Nam Á

Thứ Hai, 17/08/2015, 10:11
Chuyến thăm Đông Nam Á lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được giới phân tích gọi là “hai trong một”, nghĩa là đều nhằm thực hiện một mục tiêu hàng đầu trong chiến lược xoay trục của Mỹ tới châu Á là thiết lập không gia kinh tế dựa trên cơ sở đồng đô la của Mỹ và do Mỹ sắp đặt luật chơi.

Quan sát hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Việt Nam và tham dự Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các cuộc gặp đa phương với các nước thuộc Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong, diễn đàn Mỹ-ASEAN và Cấp cao Đông Á (EAS), có thể thấy trong hoạt động đối ngoại đó nổi lên hai chủ đề quan trọng được tập trung thảo luận với các đối tác là tình hình trên Biển Đông và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Vì thế, chuyến thăm Đông Nam Á lần này của ông Kerry được giới phân tích gọi là “hai trong một”, nghĩa là đều nhằm thực hiện một mục tiêu hàng đầu trong chiến lược xoay trục của Mỹ tới châu Á là thiết lập không gia kinh tế dựa trên cơ sở đồng đô la của Mỹ và do Mỹ sắp đặt luật chơi.

Chủ đề Biển Đông

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 48, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông Anifah Aman, nước năm nay là Chủ tịch ASEAN, cho biết, vấn đề Biển Đông “không bị cấm” và sẽ được đưa ra thảo luận. Ông nhấn mạnh, ASEAN nên giữ vai trò chính trong quá trình tiến tới một giải pháp “thân thiện”: cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Hà Nội hôm 7/8. Ảnh: Reuters.

Tham dự các cuộc họp với 10 nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Malaysia, Ngoại trưởng Kerry đã chia sẻ mối quan ngại với các nước Đông Nam Á về các hoạt động lấn biển và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong một tuyên bố được đánh giá là cứng rắn nhất của Ngoại trưởng Kerry từ trước đến nay là ngày 6/8/2015, ông cáo buộc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Phát biểu tại phiên họp Ngoại trưởng các nước thuộc khối Hội nghị thượng đỉnh Đông Á EAS tổ chức tại Kuala Lumpur trước sự hiện diện của người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Kerry đã nhấn mạnh rằng, các hoạt động xây dựng các cơ sở dùng vào “mục đích quân sự” mà Trung Quốc đang tiến hành trên các hòn đảo nhân tạo khiến tình hình căng thẳng ở Biển Đông leo thang và dẫn tới nguy cơ “quân sự hóa” khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Xin cho tôi được nói rõ, Mỹ sẽ không chấp nhận các hạn chế về tự do hàng hải và hàng không, hoặc hạn chế việc sử dụng biển một cách hợp pháp”.

Tới dự các diễn đàn của ASEAN lần này, Ngoại trưởng Kerry đã nói điều đó với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh thực hiện sáng kiến “ba ngừng” của Mỹ ở Biển Đông. Đó là “ngừng cải tạo, ngừng xây dựng và ngừng các hoạt động gây hấn có thể làm leo thang căng thẳng”. Ngoại trưởng Philippines, ông Rosario, lên tiếng hoàn toàn ủng hộ sáng kiến “ba ngừng” của phía Mỹ.

Còn Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam phát biểu nhấn mạnh, không thể phớt lờ vấn đề Biển Đông và Singapore chưa hài lòng với bộ quy tắc ứng xử phi chính thức mà ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002. Trước đó, trong bài phát biểu trường đại học của quốc đảo này, Ngoại trưởng Kerry đã nêu rõ tình hình căng thẳng tại châu Á liên quan tới Biển Đông và khẳng định, Mỹ muốn các quốc gia có trong khu vực hợp tác để ngăn chặn các hành động tranh chấp nhỏ phát triển thành xung đột lớn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Kerry, chủ đề Biển Đông được hai bên đề cập khá đậm nét, bởi cả Mỹ và Việt Nam đều chung những lo lắng, quan ngại sâu sắc trước những bước đi ngạo mạn, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực này.

Đề cập đến Biển Đông trong bài phát biểu ngày 7/8 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, không thể dùng quyền của nước lớn để áp đặt ý chí của mình lên những nước nhỏ hơn. Nhắc lại Mỹ không đứng về bất cứ một bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, theo luật pháp quốc tế.

Ông nhấn mạnh: “Luật pháp quốc tế coi tất cả các nước bình đẳng, không thừa nhận việc dùng quyền của nước lớn để áp đặt ý chí của mình lên những nước nhỏ hơn. Việc giải quyết xung đột phải dựa vào ai có lập luận tốt hơn chứ không phải ai có quân đội tốt hơn”. Theo ông John Kerry, dù lớn hay nhỏ, tất cả các nước không được có những hành động mang tính khiêu khích, gây căng thẳng, quân sự hoá tranh chấp trên Biển Đông.

Chủ đề TPP

Chuyến thăm các nước Đông Nam Á lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry diễn ra trong bối cảnh sau cuộc đàm phán kéo dài ở Hawaii, có sự tham gia của Bộ trưởng kinh tế của 12 nước thành viên TPP với nhiều kỳ vọng đã không đạt được thỏa thuận nào. Sự đổ vỡ này đặt mục tiêu số 1 trong chiến lược “xoay trục” của Tổng thống Mỹ Barack Obama bị đặt dấu hỏi nghi vấn. Do đó, ngoài vấn đề Biển Đông, các nhà quan sát cho rằng, chủ đề TPP cũng là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng John Kerry. Hiện tại, các nước Đông Nam Á gồm  Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei là các quốc gia đang đàm phán với Mỹ về TPP và Washington hy vọng các cuộc đàm phán sẽ kết thúc trong năm nay.

Tại Singapore, ngày 4/8, Ngoại trưởng Kerry có bài phát biểu quan trọng về đầu tư, thương mại của Mỹ ở Đông Nam Á và nhấn mạnh những lợi ích mà Singapore và Mỹ cũng như các nước trong khu vực thu được khi tham gia TPP. Còn ở Việt Nam, trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong các vấn đề được hai bên thảo luận, nổi lên vấn đề quan trọng là sớm kết thúc quá trình đàm phán về TPP. 

Mục tiêu “hai trong một”

Mục tiêu số 1 hướng tới của chiến lược “xoay trục” của Mỹ là duy trì không gian kinh tế toàn cầu dựa trên nền tảng đồng USD, trụ cột của sức mạnh có một không hai của nền kinh tế Hoa Kỳ. Ước tính, có tới 60% GDP của Mỹ dựa trên các dịch vụ tài chính-ngân hàng toàn cầu lấy USD làm công cụ thanh toán.

Để đảm bảo cho TPP thành công, Tổng thống Obama rất cần duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á trong điều kiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách cường quyền ở khu vực này nhằm độc chiếm Biển Đông. Do đó, Mỹ không thể không ủng hộ các nước trong khu vực đang có tranh chấp với Trung Quốc. Ngoài ra, Biển Đông còn liên quan tới lợi ích chiến lược của Nhật Bản, một thành viên rất quan trọng của TPP. Nếu TPP không đi tới kết thúc có hậu thì Học thuyết Obama sẽ phải cùng đi theo vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ mà ra khỏi Nhà Trắng, còn “không gian sinh tồn” của USD sẽ ngày một thu hẹp. Vì thế, vấn đề hòa bình, an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông và TPP là hai yếu tố then chốt trong chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.