“Sóng gió” phủ bóng triển vọng hồi sinh đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều?

Thứ Sáu, 25/06/2021, 12:10
Mới đây, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) đã từ chối đề nghị của Mỹ về nối lại đàm phán phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên, khiến kỳ vọng về “một bán đảo hoà bình đúng nghĩa” trở nên rất mong manh.

Tuy nhiên, tuyên bố này không những không làm lung lay lập trường kiên định của Hàn Quốc, mà còn khiến Tổng thống Moon Jae-in cam kết theo đuổi đến cùng mục tiêu khôi phục đối thoại liên Triều, hồi sinh đàm phán Mỹ - Triều, nhằm mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

Hãng Yonhap ngày 24/6 dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, ông cam kết nỗ lực hết sức trong thời gian tại nhiệm còn lại để hồi sinh tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, bất chấp những thách thức thường trực.

Liệu ông Moon sẽ tạo nên kỳ tích giúp nối lại đàm phán Mỹ –Triều? Nguồn: Yonhap.

Ông Moon Jae-in nêu rõ: “Hiện nay, cái gọi là hòa bình mà chúng ta đang có rất mong manh, có thể bị lung lay bất kỳ lúc nào. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta từ bỏ. Lập trường kiên định của Hàn Quốc là phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên và tôi sẽ kiên trì đến cùng".

Theo nhận định của Tổng thống Moon, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một người rất thành thực, rất nhiệt tình, có quyết tâm mạnh mẽ và là người hiểu rõ những gì đang xảy ra trên thế giới. Do vậy, ông Kim Jong-un chắc chắn muốn mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau và sẽ không để con cháu mình phải mang gánh nặng của vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố này của Tổng thống Hàn Quốc được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên từ chối lời đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Mỹ, đồng thời cho biết hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA trích phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao nước này Ri Son-gwonnhấn mạnh: “Triều Tiên thậm chí không cân nhắc khả năng có bất kỳ liên hệ nào với Mỹ vì điều đó sẽ chẳng đi tới đâu, chỉ khiến hai bên lãng phí thời gian quý báu”.

Bình luận về khả năng xảy ra “kỳ tích” trong thời gian tại nhiệm còn lại (đến tháng 5/2022) của Tổng thống Moon, giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới nêu lên hai luồng ý kiến đối nghịch. Các nhà quan sát có quan điểm bảo thủ thì cho rằng, dù ông Moon được ví như “kiến trúc sư” tạo nên đột phá trong quan hệ ngoại giao liên Triều và Mỹ - Triều khi tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh trước đó, nhưng thời gian tại nhiệm còn lại của ông rất ngắn.

Ngoài ra, thế khó mà vị tổng thống gốc Triều Tiên này gặp phải không chỉ là vấn đề thời gian mà thách thức còn đến từ bối cảnh hiện tại, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đang phải chiến đấu với đại dịch COVID-19 nhưng Triều Tiên thì không một bóng SARS-CoV-2.

Vì thế, Ông Moon sẽ không có cơ hội sử dụng lại quân bài “thế vận hội” như năm 2018 để đề xuất hội đàm cấp cao trực tiếp giữa các bên, ở thời điểm mà Bình Nhưỡng vẫn liên tiếp thử tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế từ Washington.

Theo các chuyên gia, dù ý tưởng về đàm phán trực tuyến thay cho trực tiếp có thể được áp dụng, nhưng xác suất xảy ra rất hiếm. Hơn nữa, phe đối lập trong Chính phủ Hàn Quốc từ trước đến nay vẫn chỉ trích cách tiếp cận “hạ mình một chút” để gây dựng lòng tin với các bên của ông Moon có thể làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn, bởi thực tế, tồn tại những khác biệt lớn trong định nghĩa phi hạt nhân hoá giữa Triều Tiên và Mỹ.

Ngược lại, một số học giả khác đã tìm ra “điểm sáng” trong vấn đề này. Triều Tiên dù không phải đối phó trực tiếp với COVID-19, nhưng lại gián tiếp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Hồi tháng 1 vừa qua, ông Kim Jong-un phải thừa nhận rằng kế hoạch kinh tế 5 năm của nước này đã thất bại ở hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, thiệt hại nặng nề gây ra bởi mùa bão năm 2020 khiến ngành nông nghiệp Triều Tiên không sản xuất đủ ngũ cốc và việc nhập khẩu lương thực khi các nước đóng cửa biên giới là bất khả thi.

Các chuyên gia viện dẫn số liệu từ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, thời gian gần đây Triều Tiên thiếu hụt khoảng 860.000 tấn lương thực, tương đương với hơn hai tháng nguồn cung toàn quốc. Do vậy, Tổng thống Moon có thể chớp thời cơ này để bày tỏ thiện chí, tái kết nối đường dây liên lạc liên Triều trong việc viện trợ lương thực, dần vun đắp lại niềm tin với Bình Nhưỡng. Thực tế cho thấy, ông Kim Jong-un chưa nghĩ tới hoà đàm với chính quyền mới của Mỹ nhưng ý tưởng về một cuộc gặp liên Triều thì hoàn toàn có thể. Ông Moon Jae-in vẫn luôn truyền thông điệp tới Triều Tiên rằng Hàn Quốc sẵn sàng mở cửa đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất cứ đâu.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 23/6, trước khi kết thúc chuyến thăm Seoul, Đặc Phái viên hạt nhân Mỹ về vấn đề Triều Tiên kiêm Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim cho biết ông đã có các cuộc thảo luận “tuyệt vời” với các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong các cuộc gặp, ông Sung Kim tái khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên "vào bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ địa điểm nào mà không cần điều kiện tiên quyết", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc nối lại đàm phán ngoại giao về vấn đề hạt nhân vớiTriều Tiên.

Được biết, kể từ cuối tháng 4, Nhà Trắng đã nhiều lần phát tín hiệu mong muốn nối lại các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, bên cạnh đề xuất đối thoại và các bình luận tích cực, hôm 21/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm. Dù giới chuyên gia có những quan điểm trái ngược, nhưng đều đánh giá rằng Chính quyền ông Biden sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Linh Đan
.
.
.