Rạn nứt quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan

Thứ Ba, 10/05/2011, 10:02
Ngày 9/5, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã có cuộc điều trần trước Quốc hội xung quanh sự kiện quân đội Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden ngay trên lãnh thổ nước này và vì sao trong suốt 6 năm liền sinh sống ở Abbottabad, trực tiếp chỉ huy các hoạt động của mạng lưới Al-Qaeda, trùm khủng bố này lại không bị lực lượng an ninh hay tình báo Pakistan phát hiện.
>> Số tiền khổng lồ cho hành trình tìm diệt Bin Laden

Trong khi đó, Mỹ liên tục gây sức ép buộc chính quyền Islamabad phải đưa ra danh sách những quan chức tình báo ngầm ủng hộ Bin Laden và yêu cầu mở một cuộc điều tra về việc "che giấu" trùm khủng bố.

Cáo buộc từ Nhà Trắng

Trong bài trả lời phỏng vấn chương trình "60 phút" trên đài CBS hôm 8/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama tâm sự rằng, 40 phút đội đặc nhiệm tấn công vào nơi trú ẩn của trùm khủng bố Osama bin Laden tại Abbottabad là quãng thời gian dài nhất trong cuộc đời của ông. Khi đó, ông vừa cảm thấy hồi hộp, vừa lo lắng và không tài nào ngủ được trong những đêm trước đó.

Theo tin từ hãng AP, các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, chiến dịch Geronimo đã thực sự giúp ông Barack Obama có thêm sự ủng hộ của nhiều cử tri. Uy tín của Tổng thống Mỹ cũng như đảng Dân chủ vì thế cũng gia tăng. Nhưng, song song với những cái lợi đầy hữu ích từ chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden, Tổng thống Mỹ còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn nảy sinh mà cụ thể là sự rạn nứt ngày càng lớn trong mối quan hệ đồng minh giữa Washington-Islamabad.

Căng thẳng gia tăng khi người đứng đầu nước Mỹ đưa ra quan điểm rằng, Pakistan cần phải tổ chức một cuộc điều tra xem liệu có quan chức nào trong chính phủ nước này biết việc trùm khủng bố ẩn náu tại nơi ông ta bị tiêu diệt hôm 1/5 hay không.

Một cuộc chiến ngầm đang nhen nhóm trong lòng đất nước Pakistan.

Dù không có những bằng chứng về sự liên quan của giới chức Pakistan, nhưng ông Barack Obama cũng thừa nhận, Mỹ không loại trừ khả năng Osama bin Laden đã nhận được sự giúp đỡ từ một số tổ chức tại Pakistan để có thể trú ngụ an toàn tại một nơi rất đông quân nhân và chỉ cách thủ đô Islamabd có vài chục cây số.

Chưa hết, Mỹ còn cảm thấy bị coi thường khi Pakistan tiếp tục bắt giữ 3 người vợ và 8 người con của trùm khủng bố mà không hề cho CIA tiếp cận. Bất chấp những lời đề nghị từ chính phủ, Lầu Năm Góc và cả CIA, cơ quan tình báo Pakistan (ISI) vẫn tuyên bố, đã đưa những người này đến một nơi trú ẩn an toàn và không cho bất kỳ quốc gia nào dẫn độ về nước...

Có lẽ, vì có quá nhiều nghi ngờ nảy sinh từ những động thái của Pakistan sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố nên phần đông nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đang gây sức ép, kêu gọi chính phủ tạm dừng các hoạt động hỗ trợ Pakistan trong cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố mà hai nước đã liên kết trong suốt 10 năm qua.

Giải trình từ Islamabad

Nhằm xoa dịu dư luận về những cáo buộc nói trên, ngày 9/5, Đại sứ Pakistan tại Mỹ Hussain Haqqani khẳng định, Islamabad sẽ sa thải những quan chức không hoàn thành trách nhiệm, khiến Osama bin Laden có thể sống ở giữa một đô thị đông đúc trong nhiều năm.

Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã có cuộc điều trần trước Quốc hội xung quanh sự kiện quân đội Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden ngay trên lãnh thổ nước này và vì sao trong suốt 6 năm liền sinh sống ở Abbottabad, trực tiếp chỉ huy các hoạt động của mạng lưới Al-Qaeda, trùm khủng bố này lại không bị lực lượng an ninh hay tình báo Pakistan phát hiện. Bất chấp sức ép ngày càng gia tăng trong và ngoài nước, ông Yousuf Raza Gilani vẫn bày tỏ quan điểm, Mỹ không được vi phạm chủ quyền của Pakistan, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác tình báo và quốc phòng.

Hiện tại, quan hệ Islamabad - Washington đang ở giai đoạn đầy khó khăn, thử thách và Thủ tướng Pakistan cho rằng, phải mất một thời gian, mối quan hệ này mới trở lại bình thường. Trong khi đó, lực lượng quân đội và tình báo Pakistan lại tỏ ra khá giận giữ trước những động thái từ Mỹ. Nhiều quan chức cho rằng, Mỹ đã thể hiện thái độ coi thường, bất hợp tác và vượt mặt Pakistan trong vụ tấn công tiêu diệt Osama bin Laden.

Và những đe dọa mới với Afghanistan

Nằm kề bên Pakistan, là nơi được coi là "cái nôi" của chủ nghĩa khủng bố, tổng hành dinh của Osama bin Laden và mạng lưới Al-Qaeda trước vụ tấn công kinh hoàng 11/9/2001, Afghanistan những ngày này cũng được đặt trong tình trạng báo động cao. Giới chức Kabul và người dân nước này "nín thở" từng ngày để theo dõi những diễn biến mới sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố. Nguyên do là bởi tàn quân Taliban đang hoạt động khá mạnh tại đây và có mối quan hệ thân thiết với Al-Qaeda.

Suốt một tuần qua, khi thế giới "sục sôi" với thông tin Osama Bin Laden bị hạ sát, Taliban đã liên tục mở các đợt tấn công mới nhằm vào quân đội NATO và lực lượng an ninh Afghanistan trên toàn quốc. Như nhiều nhà phân tích nhận xét, đây chỉ là cách thức để tàn quân này gây sự chú ý và thu hút mối quan tâm của Al-Qaeda sau "tổn thất" vừa qua. Tờ Thời báo Los Angeles còn dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao của Afghanistan nhận định, rất có thể, trong thời gian này, Al-Qaeda sẽ dồn lực và tài chính để giúp Taliban mở các đợt tấn công mới chống phương Tây.

Như vậy, có thể thấy, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ chưa thể kết thúc sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden. Ngược lại, sau bóng ma trị giá tới 25 triệu USD đấy là những bóng ma khủng bố khác vẫn lởn vởn quanh nước Mỹ.

Theo tin từ hãng DawnNews ngày 9/5, góp công lớn trong chiến dịch Geronimo tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden là các nhân viên trong văn phòng bí mật của CIA tại Islamabad.

Chính những người này đã thiết lập một mạng lưới điệp viên ở Abbottabad và báo cáo về tổng hành dinh những nghi vấn xung quanh nơi trú ẩn của Osama bin Laden tại Abbottabad. Sau đó, họ đã thuê một căn nhà bí mật ở gần đó để theo dõi động thái từ tòa nhà nói trên, yêu cầu sự trợ giúp bằng cách đưa thêm các chuyên gia của CIA tới Abbottabad.

Do những điệp viên của CIA tại đây đều là người địa phương nên hoạt động của họ không hề gây chút nghi ngờ nào đối với các thành viên của Al-Qaeda hay những kẻ canh gác nơi ở của trùm khủng bố. Điều đáng nói là ngay cả ISI cũng không hề biết về sự tồn tại chi nhánh của văn phòng CIA tại Abbottabad.

Trong một động thái được coi là trả đũa những cáo buộc từ phía Mỹ, sáng 9/5, báo chí Pakistan cho công bố tên của người đứng đầu văn phòng CIA tại Islamabad. Phát ngôn viên cơ quan tình báo ISI từ chối bình luận về thông tin này. Được biết, đây là lần thứ 2 trong 6 tháng qua, tên của người đứng đầu CIA tại Pakistan bị tiết lộ trên báo chí nước này.

Huyền Chi
.
.
.