Phóng viên chiến trường: Muôn nỗi gian truân

Thứ Năm, 12/12/2013, 14:11
Cho đến ngày 10/12, tức sau gần 3 tháng mất tích tại một trạm kiểm soát gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, số phận của hai phóng viên thuộc tờ El Mundo của Tây Ban Nha mới được hé lộ khi tổ chức mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và miền cận Đông (ISIL), một nhóm thánh chiến ở Syria có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda thừa nhận đã bắt cóc và đang giữ hai người này.

Đây không phải lần đầu tiên phóng viên báo chí nước ngoài bị đe dọa khi tác nghiệp ở những vùng đất xảy ra giao tranh khốc liệt hoặc nội chiến như Syria. Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới, trong năm 2013, ít nhất 52 nhà báo đã bị sát hại. Nhưng con số này vẫn còn ít hơn con số 141 nhà báo bị sát hại vào năm 2012. Năm 2011, gần 70 nhà báo cũng đã thiệt mạng tại các khu vực đang xảy ra chiến tranh.

Đối mặt với tử thần

Phải khẳng định rằng, nghề báo là một nghề thực sự nguy hiểm. Sự nguy hiểm đó lại càng rõ nét đối với các phóng viên chiến trường, những người hàng ngày phải lăn lộn ở những nơi có tiếng súng, có tiếng bom nhằm cung cấp đến cho độc giả, khán thính giả những thông tin, hình ảnh, đoạn băng video mới nhất về những gì đang xảy ra. Chẳng thế mà trước khi bị sát hại tại thành phố Homs của Syria hồi tháng 2 năm 2012, nữ phóng viên kỳ cựu Marie Colvin của tờ Sunday Times, người đã trải qua nhiều khói lửa, từ chiến tranh vịnh Persia 1991 đến nội chiến ở Sri Lanka làm bà mất một mắt năm 2001 đã phải thốt lên rằng: “Đưa tin về một cuộc chiến đồng nghĩa với việc đi đến những nơi bị tàn phá bởi hỗn loạn, sự phá hoại và cái chết, và cố chứng kiến. Nó có nghĩa là cố gắng tìm ra sự thật trong cơn bão cát những thông tin tuyên truyền trong khi quân đội, bộ tộc hoặc phần tử khủng bố đang đụng độ nhau. Nó có nghĩa là chấp nhận rủi ro, không chỉ cho chính bản thân bạn mà thường là cho những người sát cánh bên bạn. Những phóng viên đưa tin về chiến trường gánh trên vai những trách nhiệm và đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Đôi lúc họ phải trả một giá khủng khiếp (bị giết, bị bắt cóc...). Chưa bao giờ tình hình lại nguy hiểm như hiện nay đối với những phóng viên chiến trường, bởi họ đang trở thành mục tiêu hoàn hảo trong vùng chiến sự”.

Tác nghiệp tại chiến trường là nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm của các nhà báo, bởi tính mạng họ dễ lâm vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Và thực tế đúng là vậy. Cách đây gần 10 năm khi cuộc chiến ở Iraq bắt đầu, quốc gia vùng Vịnh này trở thành tử địa kinh hoàng đối với các nhà báo thế giới. Thống kê của Ủy ban Bảo vệ nhà báo cho biết, trong 3 năm xảy ra chiến tranh Iraq (2004-2007), 107 nhà báo đã thiệt mạng. Nay, đến lượt chiến trường Syria là nơi “sát hại” nhiều nhất. Tổ chức Phóng viên không biên giới ước tính, từ năm 2011 đến nay, ít nhất 150 nhà báo đã thiệt mạng ở Syria. Riêng trong năm 2012, số phóng viên chiến trường hy sinh vào khoảng 30 người. Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) khẳng định, ngoài số 28 nhà báo bị giết trong các cuộc giao tranh hay bị nhằm giết tại Syria, có 13 người làm báo không chuyên, dùng máy ảnh hay điện thoại di động để ghi nhận hình ảnh về cuộc tranh chấp tại Syria cũng thiệt mạng. Riêng trong năm 2013, danh sách nhà báo chết khi hành nghề tại Syria ngày càng dài. Ngay cả khi Syria đã đạt được thỏa thuận về giải giáp vũ khí hóa học thì tại các tỉnh, thành ở quốc gia này, tiếng súng vẫn thường xuyên vang dội cùng các cuộc giao chiến đẫm máu.

Tính đến ngày 10/12, các số liệu từ tổ chức Phóng viên không biên giới cho thấy, có 52 nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp, nâng tổng số nhà báo sinh nghề tử nghiệp kể từ năm 1992 đến nay là 1.011 người, trong đó có 596 nhà báo chết mà kẻ thủ ác vẫn chưa được tìm ra hoặc không bị trừng phạt.

Cuộc sống bị ám ảnh

Vừa đối mặt với tình cảnh tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, phóng viên chiến trường còn thường xuyên phải chứng kiến những cảnh tượng rùng rợn, phải trải qua những năm tháng khổ đau tột cùng nếu bị bắt hoặc bị bắt cóc, bị giam hãm bởi các thế lực khác nhau trong các cuộc chiến tranh. Như đối với trường hợp hai phóng viên của tờ El Mundo Javier Espinosa và Ricardo Garcia Vilanova. Họ đã bị nhóm ISIL bắt cóc ngày 16-9 tại một trạm kiểm soát gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khi đang tìm cách rời khỏi Syria sau 2 tuần đến nước này đưa tin.

Trong 3 tháng qua, gia đình hai phóng viên này cùng ban biên tập tờ El Mundo và chính phủ Tây Ban Nha đã vận dụng mọi mối quan hệ, mọi nguồn thông tin để tìm hiểu về số phận của họ nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chỉ đến khi ISIL lên tiếng, người ta mới biết ai là thủ phạm vụ bắt cóc nhưng cũng không rõ hai phóng viên này được đối xử như thế nào trong phòng giam của ISIL. Hơn nữa, có rất nhiều trường hợp, phóng viên bị bắt cóc sau đó nhiều tháng đã chết vì bệnh tật, vì bị tra tấn dã man và thậm chí bị sát hại ngay cả khi yêu cầu của những kẻ bắt cóc đã được thực hiện đầy đủ.

Francesca Borri, nữ phóng viên chiến trường người Italia từng bị bắn vào đầu gối khi tác nghiệp ở Syria cho biết, cô đến căn cứ của lực lượng nổi dậy ở Aleppo và chứng kiến đầy đủ những “hỷ, nộ, ái, ố” tại đây. Điều ám ảnh cô nhất chính là những cuộc “chinh phạt” của lực lượng nổi dậy nhằm vào các làng bản ở xung quanh hoặc những cuộc đột kích nhà dân với những nghi ngờ là “thân chính phủ”. Các thành viên của lực lượng nổi dậy, theo lời kể của Francesca Borri, sẵn sàng sát hại đứa bé chưa đầy 1 tuổi nếu bố mẹ chúng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad hoặc cưỡng hiếp phụ nữ, không phân biệt già hay trẻ. Và điều tệ hại nhất, như Francesca Borri kể, chính là nhìn cảnh những cụ ông cụ bà và những đứa trẻ bị nhiễm chất độc hóa học khi lực lượng nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học để đối phó với quân đội chính phủ...

Đồng nghiệp của Francesca Borri, một phóng viên ảnh đến từ Mỹ thì chẳng thể nào quên những cảnh hành quyết ở Syria khi mà “một người có thể bị giết một cách không thương tiếc trước ánh mắt theo dõi đầy thích thú của hàng trăm người khác”. Phóng viên này từng tâm sự: “Dường như chiến tranh đã làm cho con người ta dần mất đi nhân tính. Trong ngày hôm đó, những người chứng kiến cuộc hành quyết đều không kiểm soát cảm xúc và sự tức giận của mình. Tôi không biết tuổi của nạn nhân, nhưng anh ta còn trẻ. Quân nổi đậy đã cắt cổ cậu ta. Cảnh tượng này ở Syria lúc đó giống như ở thời Trung cổ. Tôi không bao giờ muốn chứng kiến thêm một cảnh tượng kiểu này nữa. Tôi muốn khép lại quá khứ, muốn quên đi những ám ảnh chết chóc để trở lại cuộc sống bình thường, để đấu tranh cho hòa bình, công lý và sự yên bình trên thế giới này”.

Nhưng không phải vì sợ hiểm nguy mà báo chí bỏ mặc thông tin nơi chiến sự. Ngược lại, ở đâu có áp bức, có bóc lột, có đổ máu, phóng viên chiến trường đã có mặt kịp thời để phản ánh. Và việc trang bị cho bản thân một kỹ năng sinh tồn khi bước vào “đạn lửa” là điều cực kỳ quan trọng.

Theo nhà báo Pháp Laurent Boussie thuộc Đài Truyền hình Frances 2, người đã trở thành phóng viên chiến trường từ năm 1987, bí quyết nghề nghiệp của ông là phải thích tìm hiểu sự thật, biết hoài nghi, tò mò và đặc biệt biết chịu đựng nguy hiểm, đói, rét, thiếu ngủ… bởi phóng viên chiến trường không bao giờ có lịch làm việc. Laurent Boussie nói: “Bạn có thể phải ngồi đợi mấy ngày không có việc gì làm, nhưng rồi đột nhiên, một chuyện xảy ra và có thể bạn phải làm việc suốt 48 giờ liền: phỏng vấn, quay phim… Với phóng viên chiến trường thì không bao giờ có 2 ngày giống nhau, cũng như không bao giờ có hai cuộc chiến giống nhau”

Huyền Chi
.
.
.