Oxfam phát động chiến dịch toàn cầu GROW
Chiến dịch toàn cầu GROW của Oxfam đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người nổi tiếng như nguyên Tổng thống Lula của Brazil, Tổng Giám mục Emeritus Tutu, diễn viên Scarlett Johansson.
Báo cáo mới của Oxfam “Gây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” liệt kê các triệu chứng đã làm cho hệ thống cung cấp thực phẩm suy yếu đi như thiếu đói gia tăng, sản lượng giậm chân tại chỗ, sự tranh giành đất đai và nước để canh tác, và giá cả thực phẩm gia tăng.
Đây chính là lời cảnh báo rằng chúng ta đã tiến vào một thời kỳ đầy khủng hoảng - tài nguyên thiên nhiên bị vắt kiệt và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng sẽ làm hàng triệu người lâm vào cảnh thiếu ăn.
Nghiên cứu mới dự đoán rằng giá các loại lương thực chủ yếu như ngô, đang đứng ở mức cao nhất, sẽ tăng thêm gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Một nửa của mức tăng giá này là do biến đổi khí hậu gây ra. Những người nghèo nhất thế giới phải chi đến 80% thu nhập của họ để mua lương thực sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. 8 triệu người ở Đông Phi đang phải đối mặt với việc thiếu lương thực. Nếu khủng hoảng trong vùng hay tại địa phương tiếp tục xảy ra thì sẽ làm tăng gấp đôi nhu cầu cứu trợ lương thực trong vòng 10 năm tới.
Đến 2050, nhu cầu về lương thực sẽ tăng 70% trong khi khả năng tăng được sản lượng lương thực đang giảm dần. Tốc độ tăng trưởng sản lượng nông nghiệp trung bình đã giảm gần một nửa kể từ năm 1990 và có khuynh hướng giảm một phần nhỏ của một phần trăm trong thập kỷ tới.
“Thế giới của chúng ta có khả năng nuôi dưỡng cả nhân loại, thế mà một trong bảy người trong chúng ta vẫn thiếu ăn. Trong thời kỳ khủng hoảng mới, trong khi tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đất canh tác và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt ngày càng khan hiếm hơn, việc cung cấp lương thực cho cả thế giới sẽ càng khó khăn hơn. Thêm hàng triệụ phụ nữ, nam giới và trẻ em sẽ bị đói trừ khi chúng ta chuyển đổi hệ thống cung cấp lương thực đang suy yếu” - Tổng Giám đốc của Oxfam Jeremy Hobbs nói.
Chiến dịch toàn cầu GROW sẽ vạch trần chính sách yếu kém của các chính phủ đang làm cho hệ thống cung cấp thực phẩm suy yếu đi, cùng với tập hợp 300-500 công ty có uy quyền đang được hưởng lợi từ sự suy yếu của hệ thống đó và đang vận động bằng mọi cách để duy trì nó.
Oxfam đã đối phó với khủng hoảng lương thực trong suốt 70 năm qua. Hiện tổ chức này đang kêu gọi các chính phủ - đặc biệt là nhóm G20 đầy quyền lực, hãy dẫn đầu việc chuyển đổi sang một hệ thống cung cấp thực phẩm công bằng hơn, bền vững hơn. Việc này có thể thực hiện bằng cách đầu tư vào nông nghiệp, định giá tài nguyên thiên nhiên của thế giới, quản lý hệ thống cung cấp lương thực tốt hơn và đảm bảo bình đẳng cho phụ nữ, những người sản xuất lương thực chính của thế giới. Oxfam cũng kêu gọi khu vực kinh tế tư nhân chuyển sang một mô hình kinh doanh mà lợi nhuận thu được không bị đánh đổi với mồ hôi nước mắt của những người nông dân nghèo, người tiêu dùng hay môi trường.
Tổng Giám đốc của Oxfam nói: “Lâu nay, chính phủ các nước đã đặt lợi ích của các công ty lớn và những người chóp bu đầy quyền lực lên trên lợi ích của 7 tỉ người, chúng ta những người sản xuất và tiêu thụ lương thực. Chính phủ nhóm G20 nhóm họp tại Pháp năm nay cần tạo bàn đạp để đem lại thay đổi cho hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu. Nhóm G20 phải đầu tư cho 500 triệu nông trại sản xuất quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển nơi có tiềm năng quan trọng nhất trong việc tăng sản lượng lương thực toàn cầu, đồng thời giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu. Họ phải kiểm soát thị trường hàng hóa và cải cách các chính sách về nhiên liệu sinh học chưa hợp lý để giúp kiểm soát giá cả lương thực”.
“Chính phủ các nước phải đảm bảo để phụ nữ, những người sản xuất lương thực chính trên thế giới có quyền bình đẳng như nam giới trong việc tiếp cận tài nguyên đất, các nguồn lực, và cơ hội. Nếu có quyền bình đẳng, phụ nữ làm nghề nông có thể sản xuất ra đủ lương thực cho họ, gia đình họ, và thêm cho 150 triệu người trên hành tinh nữa”, ông Hobbs nói thêm.
Đại sự thiện chí của Oxfam – Diễn viên Scarlett Johansson chia sẻ: “San sẻ bữa ăn là một cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống. Ở mức độ toàn cầu, chúng ta không chia sẻ một cách công bằng. Gần 1 tỉ người vẫn phải chịu đói khi đi ngủ. Sự thật là: Hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu đang bị suy yếu. Tất cả chúng ta, từ Kentucky đến Kenya đều đáng được đủ ăn. Chính vì vậy, tôi tham gia chiến dịch GROW cùng Oxfam”