Nợ công ở Mỹ và bài học quốc tế

Chủ Nhật, 31/07/2011, 14:48
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ công lần đầu tiên trong lịch sử khi thời hạn chót cho vấn đề này đang đến gần thực sự khiến dư luận quốc tế quan tâm bởi nếu kịch bản này xảy ra hậu quả thật khôn lường.

Việc giá vàng vượt mức 1.637 USD/oz hôm 29/7 sau tin xấu về kinh tế và bế tắc trong vấn đề nâng trần nợ của Mỹ chưa được giải quyết và giá của đồng USD giảm so với hầu hết các tiền tệ mạnh (xuống thấp kỉ lục so với France Thụy Sĩ và tiếp cận mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 so với Yên Nhật) là những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Quyết không nhượng bộ

Ngay sau khi Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) phê chuẩn dự luật nâng trần nợ và cắt giảm chi tiêu do đảng Cộng hòa đề xuất, Thượng viện (do đảng Dân chủ kiểm soát) đã lập tức phủ quyết. Điều này cho thấy sự không nhượng bộ trong "cuộc chiến" nâng trần nợ công giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ cho dù nhiều cảnh báo được đưa ra vấn đề này cần được giải quyết chậm nhất là ngày 2/8 (theo giờ địa phương).

Ngày 29/7, với 218 phiếu thuận và 210 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật nâng trần nợ và cắt giảm chi tiêu do đảng Cộng hòa đề xuất. Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho biết, Mỹ sẽ nâng trần nợ thêm 900 tỷ USD ngay lập tức và lưỡng viện cần thông qua kế hoạch sửa đổi ngân sách trước khi nâng trần nợ lần 2. Nhưng Tổng thống Barack Obama lại ủng hộ kế hoạch của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nghị sỹ đảng Dân chủ Harry Reid - trần nợ được nâng thêm 2.400 tỷ USD và cắt giảm ngân sách khoảng 2.000 tỷ USD trong 10 năm.

Cũng trong ngày 29/7, Tổng thống Barack Obama tiếp tục cảnh báo cần phải nâng trần nợ trước ngày 2/8 để tránh vỡ nợ.

Tổng thống Barack Obama cũng khẳng định, sẽ phủ quyết mọi kế hoạch nếu không nâng mức trần nợ công đủ để đảm bảo chính phủ có kinh phí tiếp tục hoạt động và nền kinh tế không rơi vào cảnh vỡ nợ. Tổng thống Barack Obama cũng nhấn mạnh, kế hoạch của Hạ viện là ngắn hạn và không giải quyết triệt để vấn đề, đồng thời chỉ trích đảng Cộng hòa chỉ muốn nâng mức trần vay nợ quốc gia, nhưng không chịu tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và người có thu nhập cao.

Được biết, trở ngại chính trong đàm phán là việc đảng Cộng hòa phản đối tăng thuế trong khi đảng Dân chủ muốn giữ các chương trình xã hội cho người nghèo, người cao tuổi và một chương trình hưu trí công. Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Boehner còn khẳng định, việc vung tay quá trán của Chính phủ đã đến hồi kết và Tổng thống có lỗi trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Giới chuyên môn cho rằng, việc Thượng viện bác dự thảo trần nợ của Hạ viện được coi là động thái nhằm mở đường cho cuộc bỏ phiếu tương tự với dự thảo cũng như đàm phán thỏa hiệp để nâng trần nợ. Ngoài ra, việc thông qua dự thảo đã phá vỡ 1 tuần bế tắc chính trị và mở ra cơ hội đàm phán thỏa hiệp để Quốc hội thông qua trước ngày 2/8, thời điểm chính phủ sẽ mất khả năng thanh toán các nghĩa vụ của mình.

Giới truyền thông đưa tin, dự luật kể trên đã được đảng Cộng hòa điều chỉnh so với trước đó nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của thành phần bảo thủ của nhóm đảng Tea. Được biết, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama đã giảm mạnh nhất kể từ khi nhậm chức. Đây là kết quả điều tra của tổ chức Gallup công bố hôm 29/7. Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama giảm xuống 40% bởi cử tri không hài lòng với biện pháp ứng phó khủng hoảng nợ.

Có tới 52% người Mỹ (mức cao nhất kể từ tháng 8/2010) cho rằng, tình hình kinh tế Mỹ quá ảm đạm và 75% thậm chí còn khuyến cáo, nền kinh tế Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama vẫn tin rằng có thể đạt được giải pháp, bất chấp đàm phán bế tắc và khả năng vỡ nợ cũng như hạ xếp hạng tín dụng. Nếu trần nợ 14,3 nghìn tỷ USD không được nâng trước ngày 2/8 thì Mỹ sẽ mất khả năng vay và bắt đầu hết tiền mặt để thanh toán các hóa đơn.

Những cảnh báo

Giới chuyên gia khuyến cáo, nếu mức trần nợ công của Mỹ không được thông qua chậm nhất trong ngày 2/8 thì khủng hoảng nợ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục lùi vào suy thoái. Khả năng chính phủ vỡ nợ sẽ xảy ra sau 1 tuần và khi đó, lãi suất ngân hàng sẽ tăng, giá trị đồng USD giảm, người dân gặp khó khăn trong việc vay tiền mua nhà, ôtô, đi học... Thị trường chứng khoán có nguy cơ suy sụp, định mức tín nhiệm nợ của Mỹ cũng sẽ sụt giảm.

Chính phủ liên bang sẽ không thể trả các chi phí hoạt động vào tháng tới. Đây là một thực tế khó tránh nếu các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc. Một số chuyên gia khác đưa ra cảnh báo, nếu vỡ nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ mất 4 tỷ USD/ngày, thất nghiệp tăng, nhiều nhân viên Chính phủ, công nhân quốc phòng sẽ mất việc...

Bên cạnh đó, lãi suất sẽ tăng và mỗi 1% lãi suất tăng lên người nộp thuế sẽ phải gánh thêm 150 tỷ USD phát sinh từ các khoản nợ... Kinh tế Mỹ và thế giới sẽ khủng hoảng, trong đó ảnh hưởng rõ ràng nhất là Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lại cho rằng, nếu Mỹ vỡ nợ, Trung Quốc sẽ không gây sốc thị trường bằng việc bán tháo, mà ngược lại sẽ tận dụng cơ hội giá rẻ, lãi suất cao để tiếp tục mua vào.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nghị sĩ Mỹ nâng mức trần nợ công để tránh một cú sốc nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính thế giới. Giới kinh tế cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã mời đại điện của 20 ngân hàng dự một cuộc họp để thảo luận về biện pháp giúp Chính phủ giải quyết vấn đề ngân sách nếu Quốc hội không thông qua việc nâng trần nợ.

Các đại diện được mời đến từ các ngân hàng và các công ty môi giới và là đối tác kinh doanh của Cục dự trữ Liên bang (FED) trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Họ được yêu cầu tham gia vào tất cả các cuộc đấu giá trái phiếu của Mỹ. Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ vẫn thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu sau ngày 2/8 ngay cả khi không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ và khoảng 90 tỷ USD nợ đáo hạn ngày 4/8, hơn 30 tỷ USD lãi đến hạn ngày 15/8, tổng cộng hơn 500 tỷ USD đáo hạn trong tháng 8. Giới chuyên môn cũng quan tâm tới động thái của FED và Bộ Tài chính trong thời gian gần đây - đều đưa ra cảnh báo một cách chung chung về những nguy cơ có thể xảy ra nếu không nâng trần nợ bởi họ đang cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng "nguy cơ này là nhỏ".

Nhiều câu hỏi được đặt ra khi thời hạn vỡ nợ đến gần. Chính phủ sẽ làm gì để hỗ trợ các quỹ thị trường tiền tệ nếu vỡ nợ hoặc bị hạ mức xếp hạng tín dụng bởi họ đang giữ một lượng lớn trái phiếu Chính phủ. Nếu giá trái phiếu giảm hoặc Chính phủ vỡ nợ sẽ làm giảm giá trị tài sản của họ. Với vai trò chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc đang lo lắng về nguy cơ vỡ nợ hoặc hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Và tuyên bố

Nguy cơ vỡ nợ công tại Mỹ và Hy Lạp bắt đầu đàm phán về việc mua lại nợ công khiến nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới phải cảnh báo vấn đề này đối với các quốc gia hữu quan. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lưu ý, Pháp cần phải gia tăng hành động nhằm cắt giảm thâm hụt công trong các năm 2012 và 2013 do tăng trưởng chậm đang đe dọa tốc độ phục hồi kinh tế còn mong manh của nước này.

Theo dự báo của IMF, nợ công của Pháp trong năm 2013 có thể sẽ đạt đỉnh 88% GDP và nếu không nỗ lực hơn, thâm hụt ngân sách của Pháp có thể sẽ không đạt được mục tiêu giảm xuống còn 3,8% GDP trong năm 2013, và vẫn cao hơn giới hạn 3% mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra. Pháp đã cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 5,7% GDP trong năm nay, 5,6% GDP trong năm 2012 và xuống mức giới hạn 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2013. Song những mục tiêu này phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng kinh tế.

Ngày 29/7, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu Eurostat cho biết, lạm phát của Eurozone đã giảm xuống 2,5% trong tháng 7, từ 2,7% trong tháng 6 và có thể làm giảm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất 1 lần nữa trong nửa cuối năm nay. Lạm phát đã vượt mục tiêu của ECB là giữ lạm phát dưới 2% trong nhiều tháng nay. Đồng Euro giảm giá sau thông báo lạm phát, giao dịch ở mức 1,4286 USD/Euro lúc 11:03 sáng 29/7 tại Brussels, Bỉ. Ngày 28/7, các Bộ trưởng EU đã bắt đầu những nỗ lực nhằm thống nhất về một dự thảo ngân sách giai đoạn 2014-2020.

Cũng trong ngày 28/7, tại cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) tại Lima, nguyên thủ các quốc gia thành viên đã quyết định đề ra chính sách chung để chống tác động của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Bộ trưởng Kinh tế các nước UNASUR sẽ gặp nhau vào tháng 8 để hoạch định chính sách chung, tránh hành động đơn lẻ để chống lại tác động từ khủng hoảng tài chính.

Được biết, một số ngân hàng lớn của châu Âu không muốn tham gia kế hoạch giải cứu Hy Lạp sau khi Eurozone thông qua gói cứu trợ trị giá 229 tỷ USD. Một số người dự đoán, Hy Lạp sẽ là nước phát triển đầu tiên vỡ nợ trong hơn 60 năm qua. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings sẽ xếp hạng nợ Hy Lạp ở mức vỡ nợ hạn chế khi chuyển đổi nợ kết thúc và hạ xuống mức vỡ nợ sau khi phát hành trái phiếu mới.

Việc này diễn ra sau tuyên bố hôm 22/7 của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde - hoan nghênh các biện pháp mới được hội nghị cấp cao Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng và ổn định tài chính của các nền kinh tế trong khu vực này.

Giới quan sát cho biết, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã rút vốn mạnh ra khỏi các ngân hàng châu Âu. 10 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất của Mỹ đã giảm tới 8,7% các khoản đầu tư liên quan (tính theo USD) tới các ngân hàng châu Âu trong tháng 6.

Ngày 28/7, Hy Lạp bắt đầu đàm phán với các ngân hàng để các thể chế tài chính này mua lại các khoản nợ sắp đáo hạn lên tới nhiều tỷ Euro và Trung Quốc có thể cung cấp các khoản vay cho Hy Lạp để tài trợ cho việc mua lại trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp, nhằm giảm khoản nợ khổng lồ của nước này.

Trần nợ ở Mỹ là cách để Quốc hội có thể quản lý chi tiêu của Tổng thống và từ khi ra đời năm 1917 mới điều chỉnh 1 lần (năm 1974). Tính tới tháng 5/2011, nợ nước ngoài của Mỹ đạt con số 4.514 tỉ USD, cao hơn mức 4.489 tỉ USD của tháng 4/2011 còn nợ công của chính phủ (tính đến cuối tháng 4/2011) đã là 14.280 tỉ USD, bằng 97,5% GDP năm 2010. Thâm hụt ngân sách của Mỹ dự tính năm tài chính 2011 là 830 tỉ USD, bằng 10,7% GDP, vượt xa mốc cảnh báo 3% quốc tế quy định.

Nguyễn Thị Lân-Lê Trí Thiện (tổng hợp)
.
.
.