Nợ 18 tỷ USD, Detroit - “biểu tượng sức mạnh công nghiệp Mỹ” tuyên bố phá sản

Thứ Bảy, 20/07/2013, 10:35
“Kinh đô xe hơi Mỹ”, thành phố Detroit với 300 năm tuổi đời đã chính thức nộp đơn xin phá sản hôm 18/7. Động thái hiếm hoi này đã làm gia tăng nỗi ám ảnh về nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt chính quyền địa phương tại Mỹ nhất là khi các con số thống kê cho thấy, có tới 8 thành phố và thị trấn ở nước này tuyên bố phá sản kể từ năm 2007 đến nay.

Tính đến thời điểm hiện nay, Detroit đã trở thành thành phố đông dân nhất ở Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Phát biểu trước báo giới, Thị trưởng Detroit Dave Bing nói: “Đây là một ngày rất khó khăn với tôi và tôi nghĩ đó là khó khăn với tất cả những người dân ở thành phố này. Khi tôi tiếp quản vị trí này 4 năm trước, tôi cũng đã nói rằng, thành phố đang khủng hoảng tài chính và chúng tôi đã cố gắng để thoát khỏi tình huống này. Tuy nhiên đúng là không thể”.

Mặc dù tuyên bố rằng, các dịch vụ công tại Detroit đang trong tình trạng hầu như sụp đổ với khoảng 70.000 bất động sản bị bỏ hoang, song ông Dave Bing vẫn cam kết duy trì các dịch vụ này cũng như việc trả lương cho các nhân viên chính phủ. Hiện tại, mọi thủ tục pháp lý về việc xin phá sản của Detroit đã được Thị trưởng giao cho Giám đốc khẩn cấp Kevyn Orr.

Hôm 18/7, ông này đã yêu cầu một thẩm phán liên bang bảo hộ phá sản đối với Detroit. Nếu đề nghị này được chấp thuận, Detroit sẽ được thanh lý các tài sản của mình để chi trả cho các chủ nợ cũng như các khoản trợ cấp.  Điều này cũng có nghĩa là hàng ngàn chủ nợ của Detroit sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với ông Kevyn Orr để lấy lại tiền của mình. Phản ứng trước thông tin này, Thống đốc bang Michigan Rick Snyder cho biết, ông đã chấp nhận để Detroit phá sản là do thành phố không đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ hiện tại của mình.

Thành phố Detroit đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 18/7.

Ông cũng nhấn mạnh nộp đơn xin bảo hộ phá sản hiện là giải pháp tốt nhất cho thành phố. Phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố, Tổng thống Barack Obama cùng đội ngũ cố vấn kinh tế cấp cao sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình vụ vỡ nợ của Detroit. Trong khi đó, giới doanh nhân của Detroit lại đón nhận thông tin phá sản một cách bình thản. Lãnh đạo của một số tập đoàn lớn như General Motors, Chrysler, DTE Energy còn cho rằng sự kiện này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ và đây là điều cần thiết để thành phố củng cố nền tảng tài chính. Giới phân tích phố Wall cũng không nhìn thấy tác động tiêu cực tới thị trường trái phiếu địa phương.

Như vậy, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhen nhóm vào năm 2007 đến nay, có ít nhất 8 thành phố và thị trấn ở Mỹ bị tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, vụ phá sản lần này của Detroit được coi là có ảnh hưởng mạnh nhất bởi thành phố này vốn nổi tiếng là biểu tượng sức mạnh ngành công nghiệp Mỹ, cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi. Một nhà kinh tế học ở Michigan cho biết, trên thực tế, thời kì đỉnh cao huy hoàng của Detroit đã qua rất lâu.

Gần 10 năm qua, Detroit đã gặp khó khăn tài chính vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dân số sụt giảm do tỷ lệ tội phạm ở mức cao. Dẫu vậy, Detroit vẫn cố gồng mình để vững vàng vượt qua thời kỳ khủng hoảng nhất của nền kinh tế Mỹ. Nhưng những khủng hoảng liên tiếp sau này đã đánh gục thành phố này. Hồi tháng 3, Detroit đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tài chính.

Suốt 4 tháng sau đó, ông Kevyn Orr đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng không thành. Hồi giữa tháng 6, Detroit tiếp tục tuyên bố ngừng trả khoảng 2 tỷ USD nợ không đảm bảo gồm lương thực và phúc lợi y tế để tránh khả năng cạn kiệt tiền mặt. Trong lúc đó, ông Kevyn Orr tiếp tục thương thảo với các chủ nợ với đề xuất xin xóa nợ tới 90%. Tuy nhiên, kế hoạch này lại bị hai quỹ hưu trí đại diện cho các công nhân về hưu tại đây phản đối. Vào thời điểm đó, ông Kevyn Orr cho rằng, khả năng Detroit cần nộp đơn bảo hộ phá sản là 50-50 và các khoản nợ của thành phố hiện ở mức 18 tỷ USD.

Ông Kevvyn Orr nói: “Ngay cả với tư cách là người quan sát thông thường cũng hiểu Detroit sẽ không thể duy trì được nữa khi thành phố này tiếp tục phải vay mượn, không trả được lương hưu, tiếp tục đưa mức nợ lên tới gần 20 tỷ USD. Chúng tôi đã tiêu mất 200 tỷ USD tiền ngân sách của thành phố trong 68 năm qua trong khi nguồn thu thì vô cùng eo hẹp”. Đồng thời, ông Kevyn Orr cũng trình bày kế hoạch tái cấu trúc với việc thành phố sẽ tự xoay xở để hoàn trả 7 tỷ USD nợ có đảm bảo và 11,5 tỷ USD nợ vay không được đảm bảo nhưng chủ các món nợ không được đảm bảo, bao gồm các chương trình hưu trí cho cư dân thành phố, có thể sẽ chỉ nhận được 10% số tiền họ đã cho vay

Khánh Chi
.
.
.