Những quan điểm khác biệt phủ bóng sự đồng thuận

Thứ Tư, 30/09/2015, 08:07
Trong cuộc hội đàm song phương kéo dài 1 giờ 40 phút diễn ra vào rạng sáng 29/9 (giờ Việt Nam) ở New York, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã “tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng” về tình hình Trung Đông và Ukraine. Nhưng, những quan điểm quá sâu sắc giữa Moskva và Washington về chiến tranh Syria đã phủ bóng hoàn toàn lên sự đồng thuận này.
Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ khẳng định cần sự hợp tác quốc tế để đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chấm dứt cuộc chiến đẫm máu tại Syria, đã kéo dài sang năm thứ 5 và khiến hơn 200.000 người thiệt mạng. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga cùng đồng ý rằng IS là mối đe dọa lớn. Hai bên cũng nhất trí quan điểm cần phải tăng cường các nỗ lực chung, trong đó có hợp tác song phương giữa Nga và Mỹ, đồng thời sẽ thiết lập cơ chế cho sự phối hợp này.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đánh giá cuộc hội đàm “mang tính xây dựng, thiết thực và thẳng thắn đáng ngạc nhiên” và hai bên có thể hợp tác cùng giải quyết các vấn đề chung dù còn những bất đồng. Tuy nhiên, sự đồng thuận này đã bị phủ bóng bởi những quan điểm khá sâu sắc giữa Nga và Mỹ về chiến tranh Syria. Hai nhà lãnh đạo thậm chí đều dùng bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ để đổ lỗi cho đối thủ về cuộc chiến này và cuộc khủng hoảng di cư đang làm chấn động châu Âu.

Tổng thống Putin tái khẳng định, chính quyền Damascus vẫn là một “quyền lực hợp pháp” khi quân đội nước này là lực lượng vũ trang hợp pháp duy nhất chiến đấu chống khủng bố ở Syria. Nhà lãnh đạo Nga vẫn giữ nguyên quan điểm rằng, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad, một đồng minh lâu năm của Nga. Ông chỉ ra rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ là một sai lầm rất lớn khi từ chối hợp tác với chính phủ Syria và lực lượng vũ trang của những người đang dũng cảm trực diện chống khủng bố”.

Cái cụng ly “không thể lạnh nhạt hơn” giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ.

Tổng thống Nga một lần nữa đề xuất thành lập một liên minh rộng lớn tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố, trong đó sẽ phối hợp nỗ lực của mình với Damascus. Nhà lãnh đạo Nga cũng không loại trừ bất cứ trường hợp nào liên quan tới việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay, cũng như không bác bỏ khả năng tham gia các cuộc không kích chung nhằm vào các mục tiêu của IS: “Chúng tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào. Tuy nhiên khi chúng tôi tiến hành bất kỳ một hoạt động nào, nó đều phải phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế”.

Khẳng định Nga sẽ không bao giờ tham gia các chiến dịch quân sự trên bộ chống lại IS trên lãnh thổ Syria, Tổng thống Putin nói rằng, Moskva đang xem xét các lựa chọn khác trong việc hỗ trợ các lực lượng trực tiếp chiến đấu với khủng bố tại Syria như quân đội chính quyền Syria hay lực lượng dân quân người Kurd: “Cuối cùng chúng ta phải thừa nhận rằng không có ai ngoài các lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad và lực lượng dân quân người Kurd đang thực sự chiến đấu với IS và các tổ chức khủng bố khác ở Syria”.

Trong khi đó, Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nước nào, kể cả Nga và Iran, để giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn không đồng tình với giải pháp đưa Syria trở lại với “nguyên trạng trước chiến tranh”, tức giữ nguyên chính quyền của tổng thống đương nhiệm Bashar Assad. Ông nói: “Theo logic này, chúng ta nên ủng hộ những kẻ độc tài như Bashar al-Assad, kẻ đã ném bom dẫn đến thảm sát trẻ em vô tội, vì lẽ điều này chắc chắn tồi tệ hơn”.

Ông cho rằng, từ năm 2011, ông Assad đã giết hại thường dân, gây xung đột, tạo cơ hội cho IS lợi dụng trỗi dậy. Ông cáo buộc lực lượng Assad dùng vũ khí hóa học và bom thùng gây chết chóc ở Syria. Từ đó, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi thúc đẩy “một tiến trình chuyển tiếp có kiểm soát” tại Syria mà không có Tổng thống Assad.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích quốc tế, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ không đem lại hi vọng nào về một giải pháp cho Syria. Nhà phân tích Frida Ghitis của Hãng tin CNN cho rằng, ít nhất Nga đang có một kế hoạch cụ thể ở Syria là bảo vệ chế độ Assad và đang hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Syria. Còn Mỹ không có kế hoạch hay chiến lược hiệu quả nào.

Nhưng vấn đề là không có sự hợp tác quốc tế hiệu quả, khủng hoảng Syria nhiều khả năng sẽ tiếp tục bế tắc. Trong khi đó, nhà phân tích Andrew S. Weiss, Phó Chủ tịch tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nhận định có thể Mỹ sẽ hợp tác với Nga ở một số vấn đề ít căng thẳng như lập các vùng an toàn ở Syria. Tuy nhiên, nhà phân tích này chỉ ra rằng, “lộ trình mà ông Putin đưa ra là lập liên minh và hợp tác với Tổng thống Assad để chống IS hoàn toàn đối nghịch với quan điểm của Mỹ rằng ông Assad là nguyên nhân của khủng hoảng”.

Bên cạnh đó, cái cụng ly “không thể lạnh nhạt hơn” giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, với thái độ hờ hững không cần che đậy, trong bữa trưa dành cho các nhà lãnh đạo thế giới tối 28/9 tại New York đã cho thấy rõ sự cách biệt giữa hai quốc gia. Chính cựu cố vấn của Tổng thống Obama về vấn đề Trung Đông, ông Philip Gordon từng gợi ý Washington nên ngừng việc khăng khăng đòi lập tức thay đổi chế độ ở Damascus, thay vào đó tìm kiếm một sự thỏa hiệp, theo đó sẽ phối hợp với Nga và Iran.

Thực tế cho thấy, trong khi các nhà lãnh đạo quốc tế còn mải cãi cọ, xiên xỏ nhau, thì máu vẫn đang tiếp tục đổ ở Syria. Và người phải chịu khổ cuối cùng là người dân.

Khổng Hà
.
.
.