Những cái nhất của “bà đầm thép” Margaret Thatcher

Thứ Tư, 10/04/2013, 14:28
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ thương tiếc sau khi biết tin cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher qua đời ở tuổi 87, sau một cú đột quỵ hôm 8/4, khép lại quãng thời gian dài đấu tranh với bệnh tật. Bà Margaret Thatcher sẽ được Anh dành cho một tang lễ trang trọng với những nghi lễ quân đội, nhưng không phải là quốc tang. Tang lễ sẽ diễn ra tại Nhà thờ St Paul và lễ hỏa táng được tổ chức riêng bởi những thành viên trong gia đình.
>> Cuộc đời "Người đàn bà thép" Margaret Thatcher

Từ biệt danh “bà đầm thép”

Bà Margaret Thatcher sinh ngày 13/10/1925 ở Grantham, Lincolnshire, trong một gia đình có bố là Alfred Roberts, làm nghề bán tạp hóa và mẹ là Beatrice với tên gọi thời con gái là Margaret Hilda Roberts. Tuy theo học ngành khoa học tự nhiên tại Somerville College, Oxford, và là người phụ nữ thứ ba trở thành Chủ tịch Hiệp hội Đại học Oxford của đảng Bảo thủ, nhưng sau đó bà Margaret Thatcher lại hành nghề luật sư (từ 1954 đến 1959). Sau khi tốt nghiệp, làm việc cho một công ty nhựa vùng Colchester, tham gia đảng Bảo thủ ở địa phương, bà Margaret Thatcher trở thành ứng viên của đảng Bảo thủ ở Dartford, Kent (1949).

Có lẽ vì thất bại trong cuộc tổng tuyển cử 1950-1951 nên năm 1951, bà Margaret Thatcher đã lên xe hoa với doanh nhân đã ly dị vợ, ông Denis Thatcher. Năm 1953, bà Margaret Thatcher trở thành luật sư khi sinh đôi một trai, một gái (Mark và Carol). Sau khi đắc cử vào Quốc hội tại cuộc tổng tuyển cử 1959, bà Margaret Thatcher được bổ nhiệm làm Thứ trưởng. Và từ khi trúng cử vào Hạ viện với tư cách dân biểu Finchley, phía Bắc London, bà Margaret Thatcher trở thành Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ của Thủ tướng Edward Heath. Sau khi trở thành Thủ tướng (1970), ông Edward Heath đã bổ nhiệm bà Margaret Thatcher làm Bộ trưởng Giáo dục và bà nhanh chóng thành danh bởi dám cắt giảm chi tiêu trong cơ quan này.

Bà Margaret Thatcher khi đương nhiệm.

Trong khoảng 300 năm lịch sử, nước Anh đã trải qua hơn 50 đời Thủ tướng, nhưng bà Margaret Thatcher là một ngoại lệ. Bởi bà Margaret Thatcher là Thủ tướng Anh với thời gian dài nhất trong lịch sử xứ sở sương mù kể từ năm 1827 và là người phụ nữ duy nhất đến nay giữ hai chức vụ. Bà Margaret Thatcher đã ghi dấu vào lịch sử với vai trò là một trong những người góp phần chấm dứt chiến tranh lạnh, đã xây dựng mối quan hệ đặc biệt với Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, nhưng lại phản đối kịch liệt việc quá gần với châu Âu.

Hiếm có chính trị gia nào có thể giữ vai trò thủ lĩnh trong suốt nhiệm kỳ như bà Margaret Thatcher bởi theo "bà đầm thép": niềm tin sâu sắc không bao giờ nên bị nhân nhượng bởi sự đồng thuận. Bà Margaret Thatcher được xếp thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại, do hãng BBC công bố năm 2002. Tạp chí Forbes, Mỹ từng xếp bà Margaret Thatcher đứng thứ 21 trong số 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Ông John Major là người kế nhiệm của bà Margaret Thatcher.

Di sản của “bà đầm thép”

Bà Margaret Thatcher lãnh đạo nước Anh từ năm 1979 tới năm 1990, là nữ thủ tướng duy nhất trong lịch sử xứ sở sương mù cho tới thời điểm hiện nay. Sau khi trở thành Thủ tướng, bà Margaret Thatcher đã quyết tâm sửa đổi chính sách tài chính của xứ sở sương mù bằng cách giảm bớt vai trò của nhà nước, thúc đẩy thị trường tự do. Nhờ những chính sách tài chính mới của bà Margaret Thatcher nên London đã trở thành một trong những trung tâm tài chính sôi động và thành công nhất trên thế giới.

Di sản của bà Margaret Thatcher có ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách của những người kế nhiệm, thuộc cả đảng Bảo thủ và Công đảng. Nhiều người nói rằng, trong nhiệm kỳ của bà Margaret Thatcher, hàng ngàn cử tri bình thường dần có vị trí trong xã hội - được mua nhà của hội đồng thành phố và háo hức tham gia mua cổ phần trong các ngành mới được tư nhân hóa khi đó như Khí đốt (British Gas) và viễn thông (BT).

Thời gian nắm quyền của bà Margaret Thatcher tại Anh có thể tổng kết bằng “chủ nghĩa Thatcher”, cụm từ được dùng để chỉ những chính sách mà những người ủng hộ cho là đã thúc đẩy tự do cá nhân và phá bỏ những phân biệt giai cấp vốn chia rẽ nước Anh trong nhiều thế kỷ. Giới bình luận cho rằng, một trong những thành công của bà Margaret Thatcher là biết tận dụng thời cơ để lật ngược thế cờ. Cuối năm 1981, tỷ lệ ủng hộ bà Margaret Thatcher giảm xuống còn 25%, mức thấp nhất đối với bất kỳ Thủ tướng nào cho đến thời điểm đó. Nhưng tỷ lệ này đã thay đổi vào tháng 4/1982 sau khi "bà đầm thép" quyết định khai hoả với Argentina - chiếm quần đảo Falkland. Sau đó, "bà đầm thép" còn thẳng tay đàn áp các cuộc đình công tuyệt thực của IRA (Đội quân Cộng hòa Ireland).

Đối với bà Margaret Thatcher, những từ ngữ như “con không biết”, “khó quá”, “con mệt”, “con không muốn làm” không bao giờ xuất hiện trong nhà từ khi còn ở tuổi nhi đồng. "Lãnh đạo phải có những nguyên tắc. Một nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn và các nguyên tắc - và phải luôn tuân thủ theo những nguyên tắc đó, áp dụng chúng vào các hoàn cảnh". Đây là định nghĩa về lãnh đạo của bà Margaret Thatcher.

Dư luận quan tâm tới một số phát ngôn để đời của bà Margaret Thatcher như: “Những đồng xu không phải từ trên trời rơi xuống, chúng được cóp nhặt trên mặt đất này”, “Trở nên mạnh mẽ cũng là một phần của phụ nữ. Nếu các ngài cần bàn tán về điều này thì chỉ vì các ngài không phải là phụ nữ”, "Điều mà chúng tôi cần, đó là lấy lại phần tiền của chúng tôi", “Không ai nhớ đến một người Samaria nhân từ nếu anh ta chỉ có các cử chỉ thiện chí. Họ được nhớ đến vì còn có tiền bạc”, “Nếu các bạn muốn điều gì được nói ra, hãy đề nghị một người đàn ông làm việc đó. Nếu bạn muốn điều gì đó được hoàn tất, hãy đề nghị một phụ nữ”, “Xã hội không tồn tại nếu không có những người đàn ông, những người đàn bà và các gia đình"...

Q.Tuấn - K.Dũng
.
.
.