Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga: Nhiều tranh cãi và cáo buộc mới

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:15
Thông tin về việc đích thân Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu đã ra lệnh bắn hạ chiếc Su-24 của Nga cùng lời kể từ “người trở về từ cõi chết”, viên phi công Kosntantin Murakhtin và những cáo buộc mới của Moskva nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành những điểm tranh cãi mới trong mối quan hệ Nga -Thổ Nhĩ Kỳ.
Cáo buộc của Nga

Trong một tuyên bố được đưa ra tối 25/11 (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định rằng, Thổ  Nhĩ Kỳ cố tình bắn rơi máy bay Su-24 với mục đích “gây chiến”. Nhưng Nga sẽ không để chuyện này xảy ra. Điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ông Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ xem lại toàn bộ mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp lời xin lỗi đáng tiếc của ông Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Nga vẫn nhấn mạnh rằng đây là "hành động thù địch có chủ đích" và rằng “hành động này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ giữa hai nước”. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự quốc tế, đến nay, những lập luận mà Nga đưa ra có vẻ thuyết phục hơn.

Nhất là khi những nghi ngờ về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng được Moskva làm rõ. Cụ thể là trong ngày 26/11, hãng RT của Nga đã “tung” bằng chứng về việc Thổ Nhĩ Kỳ kinh doanh dầu lậu với IS. RT khẳng định, việc buôn bán dầu mỏ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS được tiến hành thông qua những tay trung gian người Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả những quan chức nước này.

Để minh chứng cho bài viết của mình, hãng RT đã cho đăng tải bức ảnh chụp chung giữa con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, ông Necmettin Bilal với một thủ lĩnh của IS tại một nhà hàng ở Istanbul. Bức ảnh này đã được một trang mạng xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải trước đó một ngày. Thủ lĩnh IS trong ảnh được cho là kẻ đã tham gia các cuộc thảm sát ở Homs và Rojava ở Syria, nơi có đông người Kurd sinh sống.

Điều đáng chú ý là trước khi hãng RT đăng tải thông tin này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho hoạt động buôn lậu dầu mỏ của IS. Còn theo báo cáo của cơ quan an ninh Mỹ, mỗi một ngày, IS thu lợi 1 triệu USD nhờ buôn lậu dầu mỏ. Đây là nguồn cung tài chính dồi dào giúp IS có tiền để thực hiện các vụ tấn công khủng bố cũng như tuyển mộ tân binh.

Nga tăng cường tàu chiến và máy bay chiến đấu tới Syria. Ảnh: Reuters

Và động thái của các bên

Ngày 26/11, Nga đã tiến hành các cuộc không kích mới nhằm vào mục tiêu IS ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng BBC cho hay, các đợt không kích lần này được tiến hành liên tục từ ngày 25-11 với cường độ, mức độ rất mạnh và xảy ra ngay gần khu vực mà chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Cũng theo hãng thông tấn này, một xe chở đồ cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trúng bom ở gần thị trấn Azaz thuộc tỉnh Aleppo của Syria. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang có có ý định mở rộng liên minh chống khủng bố tại Syria, tuy vậy Nga không chắc Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng tham gia liên minh này không. Đồng thời, ông Dmitry Peskov cũng tiết lộ thông tin rằng, trước mắt, Nga sẽ tăng cường không kích vào các mục tiêu của IS và Syria.

Nga cũng sẽ điều thêm từ 10 đến 12 máy bay chiến đấu Su-30SM tới căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Như vậy, mỗi lần không kích, mỗi máy bay ném bom sẽ được một chiến đấu cơ hộ tống. Đồng thời, Nga còn quyết định cho triển khai hệ thống phòng không hiện đại nhất S-400 với tầm bắn khoảng 400km tới Latakia ở phía Tây Bắc Syria.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Thủ tướng Ahmed Davutoglu thừa nhận là chính ông đã ra lệnh bắn hạ chiếc Su-24, Tổng thống Recep Erdogan đã xoa dịu Nga bằng tuyên bố Ankara không muốn đối đầu hay leo thang căng thẳng với Moskva. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thì cho mời Tùy viên quốc phòng Nga tới trụ sở của bộ này để giải thích việc bắn hạ chiếc máy bay Su-24.

Lý lẽ mà Bộ này đưa ra là quy tắc giao chiến đã được kích hoạt sau khi máy bay này không phản hồi các lời cảnh báo từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và rằng nước này cũng đã rất nỗ lực để tìm kiếm hai viên phi công. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có các biện pháp tăng cường an ninh ở khu vực biên giới với Syria bằng việc triển khai 20 chiếc xe tăng.

Theo tin từ hãng Hurriyetdailynews, 20 chiếc xe tăng này xuất phát từ các tỉnh miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và được vận chuyển bằng đường sắt tới Gaziantep ở miền Nam nước này. Sau đó, cảnh sát và hiến binh đã tháp tùng các xe tăng tới tận vùng biên giới với Syria. Bên cạnh đó, không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được lệnh tăng cường thêm máy bay chiến đấu tuần tra ở vùng biên giới nước này với Syria. Tổng cộng có gần 12 máy bay chiến đấu F-16 bay gần khu vực thị trấn Hatay, tỉnh Yayladagi, gần khu vực mà máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi. Hiện cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực kêu gọi đàm phán và kiềm chế mâu thuẫn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Pháp Francois Hollande còn đang kêu gọi đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để tránh nguy cơ xảy ra thêm nhiều xung đột nữa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 26/11, trả lời câu hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm leo thang căng thẳng tình hình, xử lý vụ việc vừa qua trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Sông Thương
.
.
.