Nhiều nước trợ giúp Iraq trong cuộc chiến chống IS
Theo AP, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Jordan Abdullah Ensour đang ở thăm Baghdad, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhấn mạnh, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là mối đe dọa an ninh với không chỉ Iraq mà còn với toàn bộ khu vực Trung Đông, đồng thời hối thúc các quốc gia Arab và thế giới phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Baghdad trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân này.
Về phần mình, Thủ tướng Jordan khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với Iraq trong cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã thông qua đề xuất của Bộ Quốc phòng cử một nhóm chuyên gia sang Iraq làm nhiệm vụ tư vấn và đào tạo cho lực lượng an ninh của nước này kể từ năm 2015.
Cũng trong buổi họp báo, Thủ tướng al-Abadi khẳng định, với sự hỗ trợ của liên minh quân sự quốc tế, quân đội Iraq đã đạt được nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống IS. Bên cạnh đó, ông al-Abadi cũng nhấn mạnh việc các đồng minh của Iraq, trong đó có Jordan, trang bị vũ khí và huấn luyện binh sỹ cho Baghdad sẽ đóng góp vào quá trình giải phóng các khu vực còn bị IS nắm giữ.
Trong khi đó, người đứng đầu hội đồng an ninh của người Kurd ở Iraq Masrour Barzani thông báo, các tay súng của họ đã tiến vào vùng núi Sinjar ở miền Bắc nước này, giải phóng hàng trăm người Yazidi bị IS phong tỏa tại đây từ tháng 8 vừa qua, đồng thời tiêu diệt 100 tay súng IS.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Steven Vandeput cho biết, để giúp lực lượng quân sự Iraq đảm bảo an ninh lãnh thổ dài hạn, Bộ Quốc phòng Bỉ sẽ tham gia chương trình “xây dựng năng lực đối tác” do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại tổ chức IS. Nhiệm vụ, thời gian cũng như mức độ tham gia của phái bộ này sẽ do liên minh quốc tế quyết định. Bên cạnh đó, chính phủ Bỉ cũng thông qua ngân sách để Bộ Quốc phòng có thể gửi khoảng 50 binh sỹ sang Iraq trong năm 2015. Tuy nhiên, quân số chính xác có thể sẽ thay đổi theo yêu cầu của liên minh, có thể lên tới 100 người trong sáu tháng.
Dự kiến, Bộ Quốc phòng sẽ được cấp ngân sách khoảng 63,52 triệu euro dành cho toàn bộ các hoạt động của quân đội Bỉ ở nước ngoài. Ngoài Bỉ và Jordan, Iran cũng khẳng định hỗ trợ mạnh mẽ hai nước láng giềng Iraq và Syria trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Iran còn có kế hoạch tổ chức tập trận chung quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng, cũng như chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khủng bố.
Lực lượng vũ trang người Kurd ở Iraq. Ảnh: nbcnews |
Trong khi đó, giới chức Mỹ ngày 18/12 thông báo, hai lãnh đạo cấp cao của IS là Abd al Basit và Haji Mutazz đã mất mạng trong các cuộc không kích tuần qua của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Theo đó, hoạt động của IS sẽ chịu tổn thất nặng nề bởi sau cái chết của những thủ lĩnh này. Tờ Wall Street Journal dẫn lời của Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey khẳng định: “Những kẻ đã bị tiêu diệt đều là những thủ lĩnh cấp cao. Điều này làm rối loạn việc lập kế hoạch, chỉ huy và kiểm soát của họ (IS)”.
Cũng theo ông Dempsey, một cuộc không kích trong tháng 11 vừa qua cũng giết chết “thống đốc” Radwin Talib – một nhân vật cao cấp khác của IS. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, với việc mất các lãnh đạo chủ chốt sẽ làm khả năng chiến đấu của IS “xuống cấp” nhanh chóng.
Cùng ngày, trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng al-Abadi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Iraq trong việc xây dựng một chính phủ toàn diện và lập nên một mặt trận thống nhất để chống lại các tay súng IS. Ông Obama cũng nhắc lại cam kết rằng Mỹ sẽ đào tạo và hỗ trợ cho quân đội Iraq, đồng thời cung cấp vũ khí và tiếp tục tiến hành các cuộc không kích chống lại khủng bố.
Trước đó, cũng theo hãng AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 17/12 đã ký thông qua quyết định cử nhóm bộ binh đầu tiên trong tổng số 1.500 lính bộ binh Mỹ sẽ tới Iraq. Nhóm binh sỹ đầu tiên này tới Iraq để tư vấn và đào tạo cho lực lượng quân sự Iraq. Các binh sỹ tiếp theo sẽ tới Iraq trong vài tuần tới.
Trong một diễn biến liên quan, tờ The Guardian ngày 19/12 tiết lộ thông tin rằng, các quan chức chống khủng bố của Mỹ đã ủng hộ các cuộc đàm phán với hai giáo sĩ cao cấp của lực lượng thánh chiến trong nỗ lực cứu mạng sống con tin người Mỹ Peter Kassig, nhưng đã thất bại và con tin này đã bị IS hành quyết hồi tháng 11.
Trong một động thái coi thường những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế, một phần tử thánh chiến nói tiếng Pháp ngày 19/12 đã dọa hành quyết các binh sỹ Liban bị IS bắt cóc, đồng thời chỉ trích ba chính trị gia nổi tiếng chống IS của Liban, gồm cựu Thủ tướng theo dòng Hồi giáo Sunni Saad Hariri, thủ lĩnh Cơ Đốc giáo cánh hữu Samir Geagea và người đứng đầu cộng đồng Druze tại Liban, vì điều mà tên này gọi là sự ủng hộ của họ dành cho phong trào Hezbollah của người Hồi giáo dòng Shiite ở Liban. Bên cạnh đó, phần tử thánh chiến trên cũng nêu rõ, ba nhà chính trị gia sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của những binh sỹ Liban.
Trước đó, hãng AP ngày 17/12 dẫn nguồn tin từ Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, thi thể của 230 người bị các tay súng IS sát hại đã được phát hiện trong một ngôi mộ tập thể tại tỉnh Deir Ezzor ở miền Đông Syria. Tất cả các nạn nhân xấu số này đều thuộc bộ lạc Shaitat.
Với phát hiện mới nhất này, tổng số các thành viên của bộ lạc Shaitat bị IS sát hại trong các cuộc tấn công của nhóm thánh chiến này tại Deir Ezzor đã lên tới 900 người. SOHR cũng cho biết thêm rằng, hiện còn hàng trăm thành viên của bộ lạc Sheitaat vẫn đang mất tích.