Nhiệm kỳ đầy thách thức của Thủ tướng Anh

Thứ Hai, 11/05/2015, 07:50
Cuộc tổng tuyển cử hôm 7/5 ở Anh đã tạo ra kết quả khá bất ngờ, theo đó đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng David Cameron đã giành chiến thắng thuyết phục với 331 ghế nghị sĩ quốc hội (trong tổng số 650 ghế), tăng mạnh so với 302 ghế năm 2010, trở thành đảng cầm quyền đầu tiên ở “xứ sở sương mù” từ nhiều thập niên giành được thêm ghế tại Quốc hội trong một cuộc bầu cử.

Ngay sau chiến thắng ngọt ngào này, Thủ tướng Cameron đã nhanh chóng bắt tay vào thành lập chính phủ mới. Điều này cho thấy ông đã sẵn sàng tiếp tục một nhiệm kỳ hai đầy hứng khởi và tham vọng dẫu không ít thách thức.

Trong 5 năm cầm quyền vừa qua, cặp bài trùng David Cameron - Nick Clegg đã chèo lái nước Anh vượt qua khủng hoảng kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong số những nền kinh tế phát triển. Hàng triệu việc làm mới đã được tạo ra và thâm hụt từ mức chiếm 12% tổng sản phẩm nội địa (GDP) hồi năm 2010 có thể giảm xuống còn tương đương 4% GDP năm nay. Tuy nhiên, vầng hào quang thành công về kinh tế này khó có thể che lấp những chỉ trích của dư luận khi cho rằng, “thành công về kinh tế cũng đẩy đất nước này trở nên vô cảm hơn và bất bình đẳng hơn”.

Trong khi số ít người giàu sở hữu khối tài sản kếch xù thì số người phải sống dựa vào các nguồn lương thực miễn phí đã tăng mạnh, từ 130.000 người trong giai đoạn 2011-2012 lên 913.000 người trong hai năm 2013-2014, với hơn một nửa trong số này là trẻ em. Thị trường lao động dù có cải thiện nhưng số việc làm gia tăng phần nhiều là việc làm thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu cân bằng ngân sách, chính phủ đã phải thực hiện nghiêm ngặt chính sách khắc khổ với nhiều phúc lợi xã hội bị cắt giảm ảnh hưởng tới đời sống dân nghèo. Kế hoạch của đảng Bảo thủ xóa bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2018 đồng nghĩa với việc chính phủ sắp tới phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực.

Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) có thể được bảo vệ nếu đảng Bảo thủ giữ lời hứa nhưng chi tiêu cho hội đồng địa phương, giao thông và quốc phòng chắc sẽ phải giảm bớt. Làm sao để thực hiện mục tiêu này mà không gây ra bất bình và xáo trộn trong xã hội là một bài toán khó của ông Cameron và chính phủ Bảo thủ của mình.

Bên cạnh đó, về đối ngoại, chính phủ Anh đang bị chê trách là đã làm giảm tiếng nói và tầm ảnh hưởng của nước này ở cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, khi Thủ tướng Cameron cam kết tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trong vòng hai năm tới về việc “ra đi hay ở lại” EU nếu đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 7/5.

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: AP.

Điều đó được thể hiện rõ nhất khi ông Cameron vắng mặt trong các cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus về cuộc xung đột ở Ukraine, có sự tham gia của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây chính là những “điểm trừ” của đảng Bảo thủ mà Công Đảng đã xoáy vào nhằm hạ bệ ông Cameron trong cuộc đua vừa qua. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua đã đưa ông Cameron lên vị thế tốt hơn để mặc cả các thỏa thuận với EU sao cho có lợi nhất cho Anh trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy.

Chẳng thế mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngay sau khi biết kết quả bầu cử Anh đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Cameron với ngỏ ý muốn “hợp tác mang tính xây dựng” với Anh liên quan các chương trình cải cách mà London muốn EU thực hiện.

Trên thực tế, bản thân Thủ tướng Cameron không muốn chia tay “mái nhà chung EU”, mà muốn nước Anh tiếp tục là thành viên một liên minh được cải tổ. Nếu ông có thể khiến EU thay đổi một số điều khoản có lợi cho Anh qua thương lượng thì cuộc trưng cầu ý dân vẫn sẽ diễn ra nhưng kết quả Anh vẫn ở lại EU.

Một thách thức nữa với ông Cameron trong nhiệm kỳ này chính là đảm bảo sự toàn vẹn của Vương quốc Liên hiệp Anh, đặc biệt sau thắng lợi vang dội của đảng Dân tộc Scotland (SNP) tại cuộc bầu cử vừa qua. SNP đã giành tới 56 trong tổng số 59 ghế nghị viện phân bổ cho xứ Scotland và không che giấu ý định tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về độc lập.

Việc cử tri Scotland nói “không” với độc lập, đồng ý ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh sau 307 năm chung sống hồi tháng 9 năm ngoái, tuy không tạo ra cơn “địa chấn chính trị” nhưng điều đó cũng đặt gánh nặng cho Thủ tướng Cameron trong nhiệm kỳ tiếp theo khi phải tiếp tục có những nhượng bộ với Edinburgh nhằm tránh nguy cơ “ly khai” trong tương lai.

Theo đó, trong phát biểu mừng thắng cử, Thủ tướng Cameron không quên xác nhận sẽ nhanh chóng tiến hành trao thêm quyền cho xứ Wales và nhất là vùng Scotland.

Rõ ràng, sẽ không có nhiều “trái ngọt” chờ đón Thủ tướng Cameron trong nhiệm kỳ hai này.

Ngày 9/5, Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt tay thành lập chính phủ mới với dự kiến toàn bộ là các thành viên của đảng Bảo thủ. Không có sự thay đổi nào trong 4 vị trí nội các chủ chốt được ông bổ nhiệm. Bộ trưởng Tài chính George Osborne tiếp tục tại vị và được phong thêm chức Thư ký nhà nước thứ nhất - chức danh danh dự cấp cao trong Chính phủ Anh dù không có quyền lực cụ thể. Bà Theresa May tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. 

Đứng đầu Bộ Ngoại giao vẫn là ông Philip Hammond trong khi ông Michael Fallon tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ngoài 4 vị trí chủ chốt nêu trên, danh sách nội các mới sẽ tiếp tục được Thủ tướng Cameron hoàn thiện trong thời gian tới. Điều này đã làm hài lòng rất nhiều nghị sĩ của đảng Bảo thủ, những người thường xuyên khó chịu về những nhượng bộ đối với đảng Tự do Dân chủ trong liên minh cầm quyền từ năm 2010.

Khổng Hà
.
.
.