Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2020

Thứ Tư, 15/07/2020, 06:24
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 14-7 đã công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2020, trong đó tái khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế.


Sách Trắng Quốc phòng năm 2020 của Nhật Bản dày 597 trang và bao gồm 4 phần, trong đó phần 1 đề cập môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, phần 2 về chính sách an ninh và quốc phòng của Nhật Bản, phần 3 mô tả 3 trụ cột quốc phòng và phần cuối đề cập các thành phần cốt lõi hình thành năng lực quốc phòng của Nhật Bản.

Trong phần thứ nhất, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định các cường quốc quân sự đang tập trung ở các khu vực xung quanh Nhật Bản, với các xu hướng rõ ràng như tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng các hoạt động quân sự.

Đối với Trung Quốc, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản quan ngại về việc Bắc Kinh tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh: Kyodo

Trong phần này, Sách Trắng đề cập chính sách quốc phòng của các nước. Theo đó, nhận định việc CHDCND Triều Tiên tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và được cho là đã thu nhỏ vũ khí hạt nhân để lắp trên các tên lửa đạn đạo, cũng như các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây, là “những xu hướng quân sự gây quan ngại nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản”.

Về chính sách quốc phòng của Mỹ, Sách Trắng cho rằng Washington đã thừa nhận cạnh tranh chiến lược với các cường quốc như Trung Quốc và Nga là một thách thức chủ yếu đối với an ninh của Mỹ. Đặc biệt, Mỹ xếp Trung Quốc đứng đầu danh sách các ưu tiên và các khu vực cần tập trung nhiều nhất về mặt an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo đó, Mỹ ưu tiên bố trí các lực lượng quân sự tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu, giảm sự hiện diện quân sự ở Trung Đông và châu Phi. Đối với Nga, Sách Trắng cho rằng cần theo dõi sát sao việc Nga hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, trong đó có các lực lượng hạt nhân chiến lược, và tăng cường các hoạt động quân sự.

Sách Trắng lưu ý việc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (AFRF) đang đóng quân trên quần đảo Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, và đang gia tăng hoạt động trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp như vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh các mục tiêu của chính sách quốc phòng là tạo ra môi trường an ninh mà Nhật Bản mong muốn bằng cách hợp nhất và xây dựng các sức mạnh có thể sử dụng bất cứ khi nào cần; ngăn chặn và chống trả các mối đe dọa đối với Nhật Bản.

Đối với Trung Quốc, Sách Trắng quan ngại về việc Bắc Kinh tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong Sách Trắng, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ trích Bắc Kinh về âm mưu “không ngừng” làm xói mòn quyền kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, ngay cả vào thời điểm rất cần sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Sách Trắng cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động ở các khu vực xa hơn như Ấn Độ Dương.

Với việc cộng đồng quốc tế đang phải vật lộn chống dịch thì một sự lây lan virus rộng rãi hơn nữa “có thể làm bộc lộ và tăng cường sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang có ý đồ tạo ra những trật tự khu vực và thế giới có lợi hơn với các nước này và mở rộng tầm ảnh hưởng của họ”.

Sách Trắng cũng chỉ rõ, Bắc Kinh đã và đang “lợi dụng” sự hỗ trợ liên quan tới COVID-19 với các nước khác nhằm tăng cường những lợi ích chính trị và kinh tế của mình, đồng thời can dự vào một chiến dịch tuyên truyền như "lan truyền thông tin sai lệch" trong bối cảnh bất ổn xã hội và hỗn loạn xuất phát từ đại địch. Do đó, những động thái này phải được theo dõi chặt chẽ như "những vấn đề an ninh”.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Sách Trắng nhận định Trung Quốc đang thúc đẩy quân sự hóa, mở rộng và tăng cường các hoạt động ở trên biển và trên không, qua đó tiếp tục các nỗ lực đơn phương và mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp như vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh các mục tiêu của chính sách quốc phòng là tạo ra môi trường an ninh mà Nhật Bản mong muốn bằng cách hợp nhất và xây dựng các sức mạnh có thể sử dụng bất cứ khi nào cần; ngăn chặn và chống trả các mối đe dọa đối với Nhật Bản.

Tại phần 3, Sách Trắng chỉ ra rằng, 3 trụ cột trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là cấu trúc phòng thủ riêng của Nhật Bản, quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và hợp tác an ninh. Và ở phần cuối cùng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng chỉ ra 2 ưu tiên trong việc tăng cường năng lực quốc phòng của nước này, gồm: Tăng cường năng lực cần thiết để thực hiện các chiến dịch phối hợp giữa các binh chủng, và tăng cường thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng thông qua việc củng cố nguồn nhân lực, công nghệ và công nghiệp quốc phòng, rà soát lại cơ cấu trang thiết bị quân sự.

Nhật Bản ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông

Trong buổi họp báo ngày 14-7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã hoan nghênh và ủng hộ Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về lập trường phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đánh giá rằng, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang gia tăng căng thẳng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ thể hiện lập trường không gì thay đổi của Mỹ hướng tới hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh, lập trường của Tokyo là các bên đương sự cần phải tuân thủ phán quyết của  Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào tháng 7-2016 phủ nhận quyền lịch sử và cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, đầu tiên là Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải. Hàng loạt các cơ quan truyền thông lớn của Nhật Bản như NHK, truyền hình Tokyo... đều trích dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ với tiêu đề “lập trường chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp”.

Trước đó, ngày 13-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Bãi Luconia (thuộc chủ quyền Malaysia), vùng EEZ của Brunei, và đảo Natuna Besar (thuộc chủ quyền Indonesia). Tuyên bố cho rằng, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hoặc phát triển khí đốt của các quốc gia khác trong những vùng biển này, hoặc có hành động đơn phương tương tự đều là phi pháp.

Chỉ ít giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ ra tuyên bố trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã ra thông báo khẳng định: Trong khi kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải, Trung Quốc luôn theo đuổi giải quyết tranh chấp qua đàm phán, đối thoại với các bên liên quan trực tiếp, xử lý khác biệt thông qua quy tắc và cơ chế, hướng đến hợp tác cùng thắng, đôi bên cùng có lợi. Thông báo cho rằng “không phải là nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ luôn can thiệp vào vấn đề này. Dưới vỏ bọc duy trì ổn định, Mỹ đang tìm cách phô diễn sức mạnh, khuấy động căng thẳng và kích thích đối đầu tại khu vực”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ kêu gọi Washington cần tôn trọng các cam kết về trung lập trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và chấm dứt ngay ý định làm gián đoạn hòa bình, gây mất ổn định tại khu vực. Minh Hải (tổng hợp)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.