Khối Hồi giáo Sunni xin rút khỏi đàm phán thành lập chính phủ Iraq:

Nguy cơ khủng hoảng chính trị mới

Chủ Nhật, 24/08/2014, 09:49
Ngày 23/8, bất chấp việc chính phủ Iraq xem xét mở cuộc điều tra khẩn về vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo của người Sunni Imam Wais ở tỉnh Diyala, phía Bắc thủ đô Baghdad, khối Hồi giáo Sunni vẫn xin rút khỏi cuộc đàm phán thành lập chính phủ. Các nhà phân tích nhận định, bạo lực và các cuộc thảm sát đang đẩy Iraq đến ngưỡng cửa khủng hoảng chính trị mới và mất đoàn kết tôn giáo.

Hiểm họa từ những cuộc tấn công

Hãng tin News4Jax ngày 23/8 dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Iraq cho hay, các nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni đã quyết định rút khỏi cuộc đàm phán về thành lập chính phủ liên minh. Lý do được đưa ra là vào hôm 22/8, một vụ thảm sát đã xảy ra tại nhà thờ Imam Wais ở tỉnh Diyala, phía Bắc thủ đô Baghdad làm hơn 60 người Hồi giáo dòng Sunni thiệt mạng. Theo lời kể của nhân chứng, một nhóm tay súng Hồi giáo đã dùng súng máy để bắn vào 150 người Hồi giáo Sunni đang làm lễ tại nhà thờ. 35 người chết ngay tại chỗ. Những người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện ở thủ phủ của tỉnh là Baquba, cách hiện trường vụ xả súng 60km nhưng nhiều người đã không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Mặc dù chính phủ Iraq vẫn chưa đưa ra kết luận nào về thủ phạm vụ thảm sát nhưng cộng đồng người Hồi giáo Sunni đã khẳng định rằng đây là hành động của những người Hồi giáo Shiites. Một thủ lĩnh Hồi giáo dòng Sunni tên là Salman al-Jibouri còn tuyên bố, cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni nơi ông đang sống đã được lệnh báo động và sẵn sàng chiến đấu lại những kẻ cực đoan, quá khích, chia rẽ sắc tộc.

Vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo Sunni đang đẩy Iraq bên bờ vực của khủng hoảng chính trị mới và mất đoàn kết tôn giáo. Ảnh: Wochit.

Xuất hiện trước báo giới, Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al-Jubour cho biết, cuộc điều tra đang được tiến hành và ông đã yêu cầu cộng đồng tình báo và an ninh Iraq phải đưa ra những thông tin cụ thể hơn về thủ phạm vụ thảm sát trong hai ngày tới để tránh những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cuộc đàm phán thành lập chính phủ. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Iraq cũng thừa nhận rằng, hai khối nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni và Shiite đều đã liên hệ với ông và Phó Thủ tướng Saleh Al-Mutlak.

Khối nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni đã thông báo cho ông Salim al-Jubouri về quyết định rút khỏi đàm phán đồng thời yêu cầu khối nghị sỹ người Shi'ite trong Quốc hội giao nộp những kẻ tấn công trong vòng 48 tiếng đồng hồ và đền bù cho gia đình các nạn nhân nếu muốn tiếp tục tiến trình thành lập chính phủ mới. Điều mà Chủ tịch Quốc hội Iraq lo ngại nhất là khối nghị sĩ Hồi giáo Sunni có thể sẽ kêu gọi thêm các nghị sĩ khác ủng hộ hành động này của họ và nếu vậy thì đây sẽ là vấn đề cực kỳ nguy cấp cho việc thành lập chính phủ liên minh.

Và tác động từ Mỹ

Trong khi nội bộ Iraq đang có những chao đảo thì tại Mỹ, giới chức Washington lại nỗ lực thúc giục Iraq giải quyết vấn đề thể chế chính trị trong thời gian sớm nhất. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài bình luận đăng trên tờ Washingtonpost nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ thể chế liên bang tại Iraq, đồng thời kêu gọi đoàn kết tại quốc gia bị chia rẽ sâu sắc này trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố tăng cao. Đồng thời, ông Joe Biden cũng cho biết, Mỹ sẵn sàng "tăng cường hơn nữa" sự hỗ trợ dành cho Iraq trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và hối thúc các đối tác quốc tế làm điều tương tự.

Hiện Nhà Trắng đang xem xét việc đề nghị Quốc hội thông qua các khoản chi mới cho các cuộc không kích nhằm vào những mục tiêu IS. Dự kiến, vào trung tuần tháng 9, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đích thân giải trình về vấn đề này. Và để bảo vệ nhà nước ở Iraq cũng như công dân Mỹ, Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes đã tuyên bố rằng, Mỹ có thể mở rộng các cuộc không kích sang cả Syria nhằm tiêu diệt hoàn toàn IS, đồng thời tung đặc nhiệm, làm mọi việc có thể để giải cứu các con tin Mỹ đang bị IS bắt cóc.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 23/8 đã lên án vụ bạo lực đẫm máu tại nhà thờ Hồi giáo của người Sunni và khẳng định, ''các vụ tấn công nhằm vào những địa điểm tôn giáo là không thể chấp nhận được và bị cấm theo luật quốc tế”. Đồng thời, ông Ban Ki-moon cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước ảnh hưởng của xung đột sắc tộc đến tình tình an ninh tại Iraq cũng như lộ trình chính trị hướng tới việc thành lập một chính phủ thống nhất có thể giải quyết các mối đe dọa từ IS

Phan Hiển
.
.
.