Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc: 'Nóng' vấn đề Biển Đông

Chủ Nhật, 17/05/2015, 05:30
Sáng 16/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có mặt tại thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Đúng như dự đoán của cộng đồng quốc tế, Biển Đông đã trở thành đề tài được thảo luận chính trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng 2 nước, nhất là khi báo chí Mỹ và Trung Quốc đã có những cuộc “đấu bút” trong những ngày qua.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng John Kerry nằm trong khuôn khổ chuyến thăm 2 nước Đông Bắc Á (Trung Quốc và Hàn Quốc) kéo dài 4 ngày. Trung Quốc là chặng dừng chân đầu tiên và tại đây, ông John Kerry có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để bàn về các biện pháp thúc đẩy những ưu tiên của Mỹ trước khi hai nước tiến hành cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế trong mùa hè này tại thủ đô Washington. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận để chuẩn bị nghị trình cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tiến hành vào mùa thu tới.

Tuy nhiên, ngay trong ngày làm việc đầu tiên ở Bắc Kinh, nhất là tại cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, vấn đề chính mà hai bên đề cập đến lại là tình hình ở Biển Đông. Thậm chí, trong cuộc họp báo chung ngày 16/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố rằng, dù quan hệ hợp tác Mỹ - Trung rất quan trọng nhưng Mỹ cũng không thể yên tâm trước những hành vi cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo ngày 16/5. Ảnh: Reuters.

Quan điểm của ông John Kerry là Bắc Kinh phải có những hành động cụ thể, cùng phối hợp với các nước trong khu vực làm giảm căng thẳng trên Biển Đông và rằng không nên để mối quan hệ hai nước bị ảnh hưởng bởi những bất đồng như thế. Đáp lại bình luận của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn biện luận rằng các động thái của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích “bảo vệ chủ quyền”. Đồng thời, ông Vương Nghị còn chủ động lái sang vấn đề khác khi nói rằng, Trung Quốc và Mỹ còn “có nhiều lợi ích chung hơn là sự khác biệt” và mọi động thái của hai bên đều phải dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Trên thực tế, trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, Washington và Bắc Kinh đã có đôi chút căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, nhất là sau khi các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ về vấn đề này hôm 14/5. Tại cuộc điều trần, các thượng nghị sĩ Mỹ đã gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải phản ứng mạnh mẽ hơn về những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Á. 

Trước đó hai ngày, quân đội Mỹ đã có cuộc họp để cân nhắc việc sử dụng các tàu và máy bay của lực lượng hải quân nhằm trực tiếp thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một chuỗi đảo nhân tạo đang được nước này mở rộng nhanh chóng. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiết lộ rằng, các biện pháp này có thể bao gồm cả việc cử tàu hải quân đi vào bên trong vùng biển rộng 12 hải lý xung quanh các bãi đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và điều máy bay do thám tới giám sát… 

Đưa ra các bằng chứng thu thập được, giới chức quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, từ tháng 1 năm 2014 đến nay, Bắc Kinh đã tôn tạo, bồi đắp thêm 810ha, tức là mở rộng gấp 400 lần diện tích các đảo mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông.

Đương nhiên là Trung Quốc không bằng lòng với những báo cáo này. Chỉ vài tiếng trước khi ông John Kerry đặt chân đến Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn tuyên bố quyết tâm “bảo vệ chủ quyền quốc gia cùng quyền và lợi ích hợp pháp” của nước này là “trước sau như một” và Trung Quốc kiên quyết phản ứng trước bất cứ sự khiêu khích nào đối với nước này. Bà Hoa Xuân Oánh còn nhấn mạnh, Bắc Kinh lo ngại về việc Mỹ có thể cử tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông…

Gia Nam
.
.
.