Ngoại trưởng Mỹ thăm 7 quốc gia đồng minh ở châu Âu, Trung Đông
Trong dòng tweet đăng tải ngay sau khi đặt chân xuống sân bay, Ngoại trưởng Mike Pompeo viết: “Vui mừng khi có mặt tại Pháp, nước bạn bè và cũng là đồng minh lâu năm nhất của Mỹ”. Ngoại trừ một chuyến đi tháp tùng Tổng thống Donald Trump, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Mike Pompeo tới Pháp trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Theo kế hoạch, ông Mike Pompeo sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và người đồng cấp Jean Yves Le Drian. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với ông Joe Biden cách đây bốn ngày để truyền đạt mong muốn hợp tác với chính quyền mới trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chống khủng bố và vấn đề y tế.
Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Pháp. Ảnh: France24 |
Sau Pháp, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia, trước khi thăm Israel và 3 đồng minh chủ chốt ở Vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar. Đặc biệt, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng sẽ thăm các khu định cư Israel ở Bờ Tây, điều mà các ngoại trưởng Mỹ trước đây đều tránh né.
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh hôm 14/11 đã chỉ trích đây là một “tiền lệ nguy hiểm” nhằm hợp pháp hóa các khu định cư trái phép của Israel. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ không khẳng định liệu Ngoại trưởng Mike Pompeo có đến thăm Cao nguyên Golan trong chuyến thăm Israel hay không. Song, quan chức này tiết lộ rằng, Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về việc thực hiện các Hiệp định Abraham và các vấn đề an ninh khác.
Quan chức trên cũng thông báo chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao gồm các cuộc gặp với các quan chức nước này do vấn đề về lịch trình công du. Quan chức này nhấn mạnh, Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp Thượng phụ Bartholomew I, Tổng giám mục thành Constantinopolis và Tổng giám mục Paul Russell, Sứ thần của Toà Thánh Vatican tại Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và tự do tôn giáo.
Theo quan chức này, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm cả Tổng thống và Ngoại trưởng nước này “có những kế hoạch đi lại riêng và sẽ không ở đó”.
Theo các nhà phân tích, việc Ngoại trưởng Mike Pompeo “vội vã” thăm các đồng minh trong bối cảnh hiện nay không nằm ngoài mục đích khẳng định những ưu tiên ngoại giao của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong dòng tweet mới nhất, ông Mike Pompeo khẳng định, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã giải quyết được những thách thức toàn cầu mà thế giới phải đối mặt ngày nay, từ khủng bố đến đại dịch COVID-19. Trước đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho hay, chuyến đi sẽ thảo luận về “những nỗ lực lịch sử của Tổng thống Donald Trump nhằm xây dựng hòa bình và hợp tác trên khắp Trung Đông”.
Hồi tháng 10 vừa qua, với vai trò trung gian của Mỹ, Sudan và Israel đã nhất trí bình thường hóa quan hệ, trở thành quốc gia Arab mới nhất từ bỏ chính sách xa lánh Israel do cuộc xung đột Israel - Palestine, sau khi UAE và Bahrain ký thỏa thuận với Israel trước đó 1 tháng, Ai Cập và Jordan ký kết vào các năm 1979 và 1994.
Theo Tạp chí Mỹ National Interest, chính sách đối ngoại của Mỹ cho dù Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới hay ông Joe Biden được lựa chọn, điều quan trọng là chính quyền Mỹ phải làm nhiều hơn, và bắt tay vào lộ trình mới.
Việc phân tích thận trọng, toàn diện và không cảm tính về toàn bộ sức mạnh mềm và sức mạnh cứng của Mỹ, cùng với sự đánh giá chính xác, công bằng về bất cứ đối thủ hoặc khu vực địa lý cụ thể nào, sẽ đưa ra lập luận thuyết phục rằng có những cách hiệu quả và ưu việt hơn rất nhiều cho chính sách đối ngoại hiện tại của Mỹ.
Ông Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ 2 hoặc ông Joe Biden trong nhiệm kỳ đầu tiên đều có cơ hội làm cho nước Mỹ mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Tổng thống tiếp theo có thể thực hiện điều này bằng cách cố gắng hết sức trong ngoại giao và vận dụng tư duy tìm kiếm điều tốt nhất có thể cho nước Mỹ.