Nga – Trung: Ký kết nhiều văn kiện hợp tác năng lượng
Tin từ hãng Reuters cho hay, ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Vnukovo ở ngoại ô thủ đô Moskva, Chủ tịch Trung Quốc cùng phu nhân Bành Lệ Viện đã được đón tiếp long trọng. Duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức tại sân bay, ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được đón tiếp tại cung điện Kremlin bằng một đội hộ tống kỵ binh danh dự do Tổng thống Vladimir Putin thành lập năm 2002.
Ngay trong chiều 22/3 (theo giờ Nga), ông Vladimir Putin đã tiếp và hội đàm với ông Tập Cận Bình. Hai nguyên thủ quốc gia Nga và Trung Quốc đã bàn nhiều về quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, năng lượng và đầu tư, hợp tác công nghệ và công nghiệp… Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria, tình hình Iraq và Afghanistan, tình hình bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á…
Bên cạnh đó, hai bên cũng chú trọng bàn thảo triển vọng Nga và Trung Quốc phối hợp hành động tại Liên hợp quốc (LHQ) cũng như các diễn đàn đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) mà Nga đang đảm đương chức Chủ tịch luân phiên năm 2013 và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên còn ký một loạt văn kiện quan trọng và khai mạc Năm du lịch Trung Quốc tại Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao biên bản ghi nhớ mà hai bên vừa ký kết. |
Giới quan sát nhận định, đối với tân lãnh đạo Trung Quốc đến thăm nước Nga đầu tiên là một động thái biểu tượng nhằm củng cố “tình thân láng giềng” và sự hợp tác trong các lĩnh vực quốc tế mà hai bên đã sát cánh từ lâu. Trong cuộc họp báo sau hội đàm, ông Tập Cận Bình cũng thừa nhận: “Sự kiện tôi chọn nước Nga thân hữu trong chuyến công du cấp Nhà nước đầu tiên chứng tỏ tính chất đặc biệt của mối quan hệ chiến lược. Hai quốc gia chúng ta là những đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Hôm nay quan hệ Trung-Nga đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử tồn tại”. Hơn nữa, năm ngoái, chưa đầy một tháng sau ngày nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã sang Bắc Kinh trong chuyến công du đầu tiên.
Chưa hết, trong bối cảnh Mỹ đang tích cực thực hiện chính sách hướng Đông của mình và có nhiều căng thẳng với Nga trong tiến trình đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu cũng như sự bất đồng trong cách thức giải quyết vấn đề ở Syria… thì chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc là sự lựa chọn hoàn hảo để đối trọng lại với Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đã thể hiện "tính chất đối tác chiến lược đặc biệt của mối quan hệ Nga - Trung". Việc củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược này không chỉ trong quan hệ song phương mà còn trên phạm vi toàn cầu bởi Nga và Trung Quốc đều có lập trường tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế, xây dựng được cách tiếp cận cẩn trọng và thực dụng khi giải quyết những vấn đề quốc tế nóng bỏng nhất như tình hình Trung Đông, Bắc Phi, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran…
Theo lịch trình, trong hai ngày ở Nga, ngoài hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ gặp gỡ Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và tham gia 20 sự kiện khác gồm cả các buổi tiếp xúc với sinh viên đại học. Sau đó, ông Tập Cận Bình sẽ lên đường sang châu Phi dự Hội nghị cấp cao BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), dự kiến diễn ra từ 26-27 tháng 3 ở Durban, Nam Phi.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc, hai bên đã ký kết hàng loạt văn kiện quan trọng về phát triển hợp tác năng lượng như Thỏa thuận về những điều kiện cơ bản cung cấp dầu thô theo điều kiện thanh toán trước giữa Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn Trung Quốc CNPC; văn bản thỏa thuận tín dụng giữa Rosneft và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc; bản ghi nhớ về dự án cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua tuyến đường ống lộ trình phía Đông giữa Tập đoàn Nga Gazprom và CNP; thỏa thuận xây ống dẫn khí đốt xuyên Siberia…