Trước thềm cuộc gặp “nhóm Normandie”:

Nga - Ukraine còn nhiều mâu thuẫn về vấn đề miền Đông và khí đốt

Thứ Hai, 12/01/2015, 09:23
Bất chấp việc Nga và Ukraine đã xác nhận tham gia các cuộc thương lượng chính trị theo công thức Normandie, hay còn gọi là cuộc gặp “nhóm Normandie” nhằm giải quyết vấn đề Ukraine, tình hình ở miền Đông quốc gia Đông Âu này vẫn đang căng thẳng với những cuộc giao tranh dữ dội. Trong khi đó, Kiev và Moskva lại tiếp tục tranh cãi về khoản thanh toán tiền khí đốt, điều kiện để Nga có thể mở lại đường cung cấp khí đốt qua Ukraine tới nhiều quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU)

Tin từ tờ Business Recorder cho hay, hôm 10/1, hai binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng với lực lượng chống đối ở miền Đông nước này. Tờ báo này dẫn lời phát ngôn viên lực lượng quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho hay, những ngày yên bình đầu năm 2015 đã kết thúc. Giao tranh đã xảy ra giữa lực lượng hai bên ở nhiều nước thuộc vùng Lugansk. Chỉ riêng trong 3 ngày từ ngày 8 đến 10/1, ít nhất 20 binh sĩ Ukraine đã bị thương và 6 người thiệt mạng.

Điều này cho thấy bạo lực đã tiếp tục leo thang bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mới được hai bên nhất trí hôm 9/12/2014. Giới quan sát nhận định rằng, nhiều khả năng, việc lực lượng chống đối gia tăng đụng độ với quân đội chính phủ là để gây sức ép đối với cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên theo công thức Normandie (hay còn gọi là cuộc gặp “nhóm Normandie” giữa Nga, Ukraine, Pháp, Đức). Theo kế hoạch, cuộc gặp này sẽ diễn ra vào ngày 15/1 tại Thủ đô Astana của Kazakhstan. Mục đích của cuộc gặp là tìm kiếm cách thức tiến tới hòa bình, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 8 tháng qua ở Ukraine.

Giao tranh vẫn diễn ra giữa lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine và quân đội chính phủ. Ảnh: AP.

Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã xác nhận tham dự cuộc đàm phán này. Mới đây, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nhà lãnh đạo này cũng đã khẳng định sẵn sàng thảo luận xung quanh vấn đề cuộc khủng hoảng và ủng hộ biện pháp bảo đảm thực thi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Cuộc gặp được lên kế hoạch trên tinh thần kêu gọi các bên đẩy mạnh nỗ lực hướng tới một thỏa thuận mới dựa trên cơ sở Thỏa thuận Minsk; trong đó, Nga sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động tới lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine nhằm tiến tới những giải pháp đồng thuận.

Và để chuẩn bị cho những nội dung quan trọng được bàn thảo vào ngày 15/1, Ngoại trưởng 4 nước này gồm Ngoại trưởng Nga Sergie Lavrov, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, Ngoại trưởng Laurent Fabius và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng sẽ có cuộc họp vào ngày 12/1 tại Thủ đô Berlin của Đức.

Giới quan sát thế giới nhận định, các cuộc gặp “nhóm Normandie” được xúc tiến có thể coi là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giải quyết vấn đề ở Ukraine nhất là khi các bên ngày càng thể hiện sự thờ ơ trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Bên cạnh đó, vấn đề năng lượng cũng đang khiến quan hệ Nga, Ukraine trở nên căng thẳng. Mặc dù hai bên đã thỏa thuận về những điều kiện cơ bản cho phép Moskva nối lại việc cung cấp khí đốt cho Kiev trong giai đoạn từ tháng 11/2014 đến tháng 3 năm nay, song theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, Nga có thể yêu cầu Ukraine thanh toán trước thời hạn khoản vay trị giá 3 tỷ USD vì Ukraine đang vi phạm các điều kiện vay.

Ông Anton Siluanov nói: “Ukraine đã vi phạm các điều kiện của khoản vay này. Tình hình kinh tế đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại. Vì thế, Nga có đầy đủ cơ sở để yêu cầu thanh toán khoản nợ này trước hạn. Thật ngạc nhiên là ngân sách của Ukraine không bao gồm việc thanh toán khoản nợ 3 tỷ USD này”. Được biết, trong một báo cáo mới công bố hồi đầu tuần, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tính toán rằng, Ukraine sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ trong tương lai gần nếu các định chế quốc tế không rót thêm tiền cho nước này. 

Ban đầu, IMF ước tính kinh tế Ukraine sẽ suy thoái 5% trong năm 2014 nhưng đến nay, mức suy thoái đó đã lên tới gần 8%. Cùng với đó là tình trạng thâm hụt ngân sách, sự mất giá của đồng nội tệ hryvnia và nguy cơ nợ công tăng tới mức gần 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các chuyên gia của IMF nhận định rằng, mức nợ này là không bền vững và Ukraine cần thêm 15 tỷ USD nữa ngoài khoản tiền 17 tỷ USD đã được thông qua trước đó để tránh bị vỡ nợ.

Phan Hiển
.
.
.