Nga tố cáo phương Tây âm mưu phá hoại chính quyền

Thứ Sáu, 12/10/2007, 08:19
Người đứng đầu cơ quan tình báo Nga (FSB) ngày 10/10 đã lên tiếng cáo buộc Anh và cơ quan tình báo MI6 đang tiến hành hàng loạt âm mưu phá hoại chính quyền nước này trong đó có sử dụng những phương thức như mua chuộc, tống tiền, đe dọa công dân Nga.

Trong buổi trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên Báo Argumenty I Fakty, Giám đốc FSB Nikolai Patrushev cho biết các nhân viên tình báo nước ngoài đang thực hiện chiến dịch làm suy yếu và triệt phá Nga đặc biệt là trước thềm bầu cử Quốc hội vào tháng 12 tới cùng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008.

Dẫn chứng cho lời nói của mình, ông Nikolai Patrushev còn khẳng định rằng, MI6 của Anh hiện nay không chỉ tăng cường tuyển tân binh là người Nga mà còn theo đuổi mục đích hạ bệ uy tín của chính quyền Moskva trên chính trường quốc tế, phá hoại quan hệ của Nga với những quốc gia khác.

Các tài liệu mà FSB thu được cho thấy, các điệp viên Anh còn được sử dụng công nghệ kết nối kiểu James Bond. Tức là có một con chíp nhỏ được gắn vào máy tính xách tay của những người này, cho phép họ lưu giữ tư liệu mà không cần đến ổ cứng của máy tính và tránh được sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Ông Nikolai Patrushev nói: "MI6 giờ không chỉ có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo mà họ còn gây ảnh hưởng tới tình hình chính trị trong nước của chúng tôi bằng cách kích động và gây chia rẽ trong quần chúng. Nói một cách khác thì tình báo Anh đang sử dụng chiêu thức thời chiến tranh lạnh để chống nước Nga".

Ngoài MI6, Giám đốc FSB còn khẳng định rằng, CIA và một số cơ quan tình báo của các nước vùng Baltic như Ba Lan và Gruzia đều có các hoạt động chống lại quyền lợi của nước Nga.

Thời gian gần đây, FSB đã rất thành công khi phát hiện ra các đường dây gián điệp. Riêng từ năm 2003, đã có 270 tên chỉ điểm và 70 gián điệp (trong đó có 35 người nước ngoài) bị bắt giữ.

Giới quan sát thế giới thì cho rằng, không nói thì ai cũng biết đã từ lâu, phương Tây vẫn luôn nhòm ngó và có nhiều hoạt động tình báo chống chính quyền Moskva. Nhất là khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống thì hoạt động này càng nở rộ.

Trong lúc người dân Nga vui mừng, hạnh phúc được sống dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Tổng thống Vladimir Putin thì các thế lực khác bắt đầu lo ngại sự phát triển vượt bậc của Nga trong nhiều lĩnh vực cũng như thanh thế ngày càng cao của chính quyền nước này trên các diễn đàn quốc tế.

Vì thế, những lời nói thẳng của người đứng đầu FSB tuy không gây sốc nhưng nó đã vô tình đổ thêm dầu vào lửa mối quan hệ "ông chẳng bà chuộc" giữa Moskva và London. Quan hệ của hai nước này bắt đầu xấu đi sau cái chết đầy bí ẩn của điệp viên hai mang Alexander Litvinenko.

Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Anh David Miliband đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Ban giám đốc FSB với hy vọng sẽ nhận được lời đồng ý cho dẫn độ nghi phạm Andrei Lugovoi. Không được chấp nhận, lời qua tiếng lại, London đã trục xuất 4 sĩ quan tình báo Nga và Moskva cũng đáp trả bằng việc yêu cầu 4 nhà ngoại giao Anh về nước.

Với những biến cố này, nhiều người nhận định rằng, Nga - Anh khó có thể phục hồi lại quan hệ ngoại giao hữu hảo như xưa.

Điều đó cũng có nghĩa là Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Gordon Brown có thể sẽ không gặp song phương trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G8 vào năm tới

Phan Hiển
.
.
.